Thông tin về các nguy cơ trong Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

03/11/2022

Với chính sách hiện tại, bệnh viện cam kết giảm biến chứng nặng xuống dưới 1%

01. NGUY CƠ KHÔNG CÓ NOÃN, KHÔNG CÓ PHÔI

Số lượng noãn và phôi thu được phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là dự trữ buồng trứng, chất lượng trứng và chất lượng tinh trùng của chồng.

Nguy cơ không có noãn có thể xảy ra với nhóm bệnh nhân:

  • Suy buồng trứng.
  • Đáp ứng buồng trứng kém.
  • Sử dụng thuốc kích thích buồng trứng sai chỉ định, sai cách dùng.

Nguy cơ không có phôi:

  • Số lượng noãn ít, chất lượng noãn kém.
  • Tinh trùng bất thường nặng không có khả năng thụ tinh.
  • Do một số bất thường về di truyền của vợ hoặc chồng.

Để hạn chế nguy cơ không có noãn, không có phôi những phụ nữ có chỉ định IVF nên tiến hành sớm, tránh để kéo dài thời gian vô sinh đặc biệt phụ nữ trên 35 tuổi.

02. NGUY CƠ ĐA THAI

Có hai hoặc nhiều hơn hai thai cùng phát triển trong tử cung của người mẹ. Trong hỗ trợ sinh sản tỷ lệ đa thai có thể cao hơn do sử dụng các thuốc kích thích buồng trứng làm nhiều nang trứng trưởng thành và phóng noãn, gây đa thai. Ngoài ra, chuyển nhiều phôi vào buồng tử cung cũng làm tỷ lệ đa thai tăng cao.

Đa thai làm tăng nguy cơ các bệnh lý thai kì:

  • Biến chứng phổ biến nhất là sinh non.
  • Tiền sản giật, sản giật.
  • Đái tháo đường thai kỳ.
  • Tăng nguy cơ chảy máu sau sinh.
  • Doạ sảy thai, sảy thai.
  • Trẻ nhẹ cân, Thai chậm phát triển trong tử cung.
  • Nhau bong non.

Sinh đa thai, vấn đề nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn:

  • Bất lợi về phía mẹ: Người mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc một lúc 2 hoặc 3 con nhất là những bà mẹ không có kinh nghiệm, ít nhận được sự hỗ trợ từ gia đình:
    • Nguy cơ trầm cảm sau sinh cao hơn.
    • Gắng sức kéo dài có thể gây ảnh hưởng sức khoẻ thể chất người mẹ.
    • Khó khăn khi cho con bú, chăm sóc.
    • Chi phí nuôi dưỡng cao, gây gánh nặng về kinh tế.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ: Trẻ có thể không được nhận đầy đủ sự chăm sóc, quan tâm dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển bảo gồm cả thể chất và tinh thần.

Giải pháp dự phòng hiệu quả nhất đó là giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung trong mỗi lần chuyển phôi.

Trong trường hợp có nhiều hơn 2 thai trong tử cung, giảm thai sẽ được tiến hành để giảm số thai xuống còn 1 hoặc 2 thai.

Mục tiêu giảm tỷ lệ đa thai xuống <10% các thai kỳ IVF.

03. HỘI CHỨNG QUÁ KÍCH BUỒNG TRỨNG

Là tình trạng buồng trứng đáp ứng quá mức với thuốc kích thích buồng trứng.

Dấu hiệu của bệnh:

  • Đau bụng, căng tức bụng, bụng chướng.
  • Khó thở tăng dần.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Tăng cân nhanh chóng.

Hầu hết ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể theo dõi tại nhà, thực hiện chế độ:

  • Ăn tăng đạm: Thịt nạc, cá, trứng, sữa. Ăn thành nhiều bữa nhỏ.
  • Uống nhiều nước: 3-4 lít/ngày, nên uống các dung dịch giàu điện giải như Oresol.
  • Theo dõi cân nặng, vòng bụng, nước tiểu hàng ngày.

Các triệu chứng này sẽ tự hết sau 7-10 ngày, tuy nhiên có một tỷ lệ nhỏ quá kích buồng trứng nặng cần nhập viện với biểu hiện:

  • Khó thở nhiều.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Tiểu ít.

Hiện nay việc sử dụng phác đồ Antagonist trong kích thích buồng trứng đã giúp làm giảm đáng kể nguy cơ bị quá kích buồng trứng khi thực hiện IVF.

04. CÁC BIẾN CHỨNG ÍT GẶP KHÁC
  • Dị ứng thuốc.
  • Nhiễm trùng.
  • Chảy máu.
  • Xoắn, vỡ buồng trứng.

ĐẶT LỊCH KHÁM