06/08/2024
U40, U50 ngưỡng tuổi đáng lẽ ra người ta còn lên cả chức ông, bà không thì con cũng đã lớn. Ấy thế mà vợ chồng chị Hoàng Thị Thủy và anh Lê Đình Hải tại Thanh Hóa mới đón điều kỳ diệu sau cả 1 thập kỷ mong chờ.
Cũng như bao cặp đôi bình thường khác, anh Hải chị Thủy yêu và xác định về chung một nhà, xây dựng tổ ấm nhỏ từ năm 2014. Chờ đợi mãi, vậy mà anh chị vẫn chưa có tin vui, có tiếng khóc cười trẻ thơ như bao bạn bè kết hôn cùng thời điểm.
Được sự hỗ trợ về tinh thần của chồng, hỗ trợ của ông bà nội ngoại anh chị bắt đầu hành trình đi khám ở bệnh viện tỉnh, rồi bơm IUI, đi nhiều nơi lắm mà không được. Chị bảo rằng “Ai chỉ đâu thì chị đánh đấy” mà “đánh” mãi vẫn chỉ nhận lại sự im lặng.
“Nhiều người người ta nói khó nghe mình cũng khùng lên.”, lúc đó anh Hải sẽ là lá chắn bảo vệ chị trước những lời cay độc của hàng xóm, láng giềng “Con cái là trời cho, trời cho lúc nào mình được lúc đó, miễn làm sao vợ chồng cứ hiểu nhau là được. Có con là càng tốt, không có con thì hai vợ chồng cứ sống với nhau.” Cứ thế, câu nói đó là sợ dây để chị và anh bấu víu vào để sống, để tồn tại, để tìm con.
Sau 7 năm ngược xuôi, năm 2018 anh chị quyết tâm ra Hà Nội để tìm đến phương pháp IVF với hai chữ hy vọng. Nhưng đáp lại những hy vọng chỉ là những thất bại hết lần này đến lần khác bởi 3 lần chuyển phôi là từng ấy lần thất bại “thảm hại”. “Lúc bình thường, trước khi có kết quả beta chị không khóc, chị mạnh mẽ đến thế nhưng đêm về lại nghĩ thấy tủi rồi khóc.” Một tấm khiên vững chãi đến đâu thì những năm tháng dãi dầu mưa nắng, những đợt mũi tên xối xả cũng bào mòn, cũng méo mó. Ấy thế mà nỗi đau đó lại dồn lên một người phụ nữ đã dành cả thanh xuân để hy vọng và kiên trì.
Khi dịch dã bùng lên khắp nơi, cái lo về sự sống về cơm áo gạo tiền, bẵng đi một thời gian anh chị tạm dừng lại hành trình tìm con, tạm để những vết thương vô hình được nguôi ngoai, được chữa lành bởi thời gian.
Dịch qua đi cũng là lúc mong ước được làm mẹ lại nóng hổi, lại sôi sục trong chị, chị đề cập với chồng. “Lần này, anh nhà chị không đi nữa, chị vẫn động viên là cho chị đi một lần này nữa, để xem được thì được không được thì thôi, chị sẽ thật sự thoải mái.” Chị dám bảo và anh dám đi, anh gật đầu đồng ý: “Ừ, thôi đi thì đi.”
Có lẽ hình ảnh những đôi vợ chồng đứng bắt xe trong đêm, trên vai đeo balo, tay xách nách mang ra viện chẳng còn xa lạ. Từ Thanh Hóa, anh chị đón bắt xe từ 2 giờ đến 5 giờ 30 phút sáng có mặt tại bệnh viện, chẳng đếm nổi bao nhiêu lần như thế, bởi làm bạn với bóng tối có khi lại khiến anh chị thấy an toàn và cảm thông hơn ánh sáng ngoài kia.
Năm 2022, lần đầu tiên anh chị đặt chân đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Chị được bác sĩ Hưởng kết luận có 3 u xơ tử cung, chồng tinh trùng yếu thế là anh chị bồi bổ thêm rồi lại ra viện theo lời bác. Ngày chọc trứng chị được 18 trứng, 7 phôi, nuôi lên ngày 5 không được phôi nào nhưng lại được 2 phôi ngày 6. “Hôm nào gần chọc trứng chuyển phôi chị sẽ thuê trọ ở gần viện, những ngày đó chị may mắn vì luôn có chồng đồng hành bên cạnh”, chị tâm sự.
Tháng 9/2022 chị chuyển phôi, người ta thì hy vọng bao nhiêu còn chị luôn sẵn sàng tâm thế lần này chắc cũng không được. Người phụ nữ ấy không dám đặt hy vọng vì đây chỉ là phôi ngày 6 nên chị bảo chồng chuyển phôi xong thì cho chị về. “Thôi không phải về, được thì được không được thì thôi, ở đây 10 ngày nếu có beta thì được, còn không có beta thì anh đưa về”, anh Hải đáp lại khiến chị yên tâm hơn.
Ngày định mệnh cũng đã đến, vẫn cảm giác ấy hồi hộp, bồn chồn, muốn biết kết quả nhưng lại không muốn biết. “Chị còn không dám mua que thử bởi bao cảm giác thất vọng của những lần trước đó. Thế mà cũng liều thôi, ngày 9 thử beta kết quả của chị là 173, con số mà có lẽ cả đời này chị không bao giờ quên.” Chị Thủy gọi điện thông báo ngay cho anh Hải, anh rưng rưng bảo chị: “Trời cho thì mình được. Thôi, ở đấy đi, cố gắng lên.” Thế là chị an tâm phần nào ở viện cho đến khi có tim thai chị mới về quê.
“Mỗi lần tiêm xong là cái bụng chị thâm hết, nhưng phải cố thôi. Chị lại còn 3 u xơ mà vẫn đón con thế là may rồi. Cả thai kỳ trộm vía khỏe mạnh không có vấn đề gì, chỉ bất ngờ là tuần 38 anh chị đi khám xem ngày nào đẻ thì bác sĩ chỉ định mổ đẻ luôn, anh chị chưa chuẩn bị gì cả”, chị nhớ lại.
Ngày 9/5/2023, một em bé kháu khỉnh đáng yêu chào đời, em bé đó là Lê Ngọc Diệp với tên gọi đáng yêu là Miu vì còn được sinh vào năm Mèo. Ẵm bồng con, chơi với con, nhìn con ngủ vì say sữa chị cảm động “Được như này chị cũng hạnh phúc lắm rồi, nhiều đêm nằm nghĩ không nghĩ mình lại có con.” Chị cười, nụ cười mãn nguyện. Kết thúc cuộc trò chuyện, chị nói đùa “Chị còn đang trữ 2 phôi tại bệnh viện nhưng không biết lúc nào chuyển.”
Thế đấy, chị một người phụ nữ 39 tuổi, anh người chồng 41 tuổi, cái tuổi đáng lẽ ra người ta còn quên đi cách bế ẵm em bé vì đã quá lâu rồi không làm việc đó. Ấy thế mà, 39 tuổi chị mới “tập làm mẹ”. Điều kỳ diệu dù đến sau nhưng không bao giờ là muộn.