Trong căn nhà nhỏ ở Ba Vì, hai cậu bé 6 tháng tuổi Bin và Bon thi nhau lẫy trên tấm phản, miệng líu lo không ngừng để “nói chuyện” với bố trong màn hình điện thoại để đầu giường. Bố của hai bé, anh Nguyễn Khắc Thân mỉm cười. “Muốn cắn quá, Bin, Bon của bố ơi”, anh nói to, chun mũi, thu hút sự chú ý của hai con.
Đây là một trong những cuộc trò chuyện hàng ngày qua cuộc gọi video của bố con anh Thân. Anh đang làm việc trong một xưởng sản xuất nhựa ôtô, ở ngoại ô Seoul, Hàn Quốc, cách xa các con hơn 3.000 cây số.
Sau 9 năm quần quật làm việc nơi đất khách quê người của vợ chồng anh Thân để có tiền làm thụ tinh ống nghiệm, họ đã được hưởng thành quả ngọt ngào là hai “cục vàng” Bin, Bon này.
Năm 2010, anh Thân và chị Phương kết hôn. Cũng giống như những cặp vợ chồng khác, họ mong mỏi từng ngày để chào đón những đứa con. Nhưng một, rồi hai cái Tết trôi qua, bụng người vợ vẫn không thấy nhô lên. Cô sợ mỗi khi bị hỏi: “Đừng mải làm ăn thế, đẻ con đi?”.
Ban đầu họ âm thầm bốc thuốc Bắc uống, ròng rã suốt 5 tháng cũng không thấy động tĩnh. Quá sốt ruột, cặp vợ chồng trẻ gom được vài triệu, dắt nhau đến bệnh viện tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy họ không thể sinh con tự nhiên, mà phải làm IVF (Thụ tinh ống nghiệm).
“Số tiền làm thụ tinh ống nghiệm lên đến hàng trăm triệu, lấy đâu ra?”, vợ chồng nhìn nhau, không thể có câu trả lời. Khi đó, họ vừa làm nhà ra ở riêng, vẫn còn vay nợ hơn trăm triệu. Anh Thân làm thợ mộc, chị Phương bám vào một sào ruộng, hai sào đất vườn chăn nuôi. Dè ăn, dè tiêu, mỗi tháng họ chỉ dư được ngót nghét ba triệu đồng.
“Muốn có con phải nghĩ cách kiếm tiền” – cả hai cùng thống nhất và năm 2013, vợ chồng anh Thân quyết định sang vùng Long Hải, Phúc Kiến, Trung Quốc để kiếm tiền về làm thụ tinh ống nghiệm. Ban đầu sang chưa thạo ngôn ngữ, nên ai thuê gì làm nấy. Có những tháng, số ngày nằm nhà nhiều hơn được đi làm, ăn tiêu cũng phải đạm bạc theo. Cô vợ trẻ hay tranh thủ những hôm không đi làm để tìm rau dại đem về nấu canh suông, vừa tiết kiệm, vừa đỡ nhớ hương vị quê nhà.
Các năm sau, họ tìm được việc trong các xưởng mộc, rau củ xuất khẩu hay xưởng đông lạnh. Tại xưởng đông lạnh, đôi vợ chồng thường xuyên phải đứng 10-15 giờ mỗi ngày để mổ cá trong nhiệt độ phòng 12-15 độ. Mỗi lúc vào kho lấy cá, nhiệt độ còn xuống tới 1-2 độ. Phương ám ảnh nhất mỗi lúc tháo găng. Hai bàn tay cô sưng lên vì lạnh, nặng trịch. Đêm về, cô hay đun nồi nước ấm, hai vợ chồng cùng ngâm tay, tận lúc đó mới cảm thấy tay mình có chút cảm giác.
Ba cái Tết liền cặp vợ chồng không dám về nước. Họ sợ phải đối mặt với việc bị hỏi chuyện con cái và chi phí đi lại tốn kém. Đêm giao thừa, nghe tiếng pháo hoa, lòng Thân cũng như Phương buồn tủi vì nhớ nhà và phận không con cái. “Nghĩ về tương lai không biết bao giờ mới có con là nước mắt đầm đìa”, chị Phương nhớ lại.
Động lực lớn nhất khiến hai vợ chồng thêm quyết tâm là mỗi tháng tích cóp được 10-15 triệu đồng. Năm 2017, hai vợ chồng về nước. Sau khi trả xong nợ nần, họ còn dư 100 triệu đồng. Toàn bộ đều dành để làm IVF.
Nhưng lần đầu họ chỉ được 4 phôi trung bình, không có phôi tốt. Phương chuyển phôi tươi, sau 12 ngày, các chỉ số cho thấy cái thai “không đậu”. Cầm kết quả trên tay Phương quỵ xuống, khóc như mưa giữa hành lang bệnh viện. Vừa buồn vì con không đến, cô cũng xót vì toàn bộ số tiền tích cóp sau 5 năm bán sức lao động ở nước ngoài của vợ chồng đã tan thành mây khói.
Anh Thân giấu nỗi buồn vào trong để động viên vợ: “Xung quanh vẫn còn nhiều hoàn cảnh khổ hơn mình. Có người bán hết cả trâu bò, lợn gà, cầm cả sổ đỏ, vài lần làm IVF vẫn chưa thành được. Em còn trẻ, mình còn nhiều cơ hội”.
Vài tháng sau nguôi ngoai, đôi vợ chồng vay ngân hàng 100 triệu đồng và vay thêm 10 người thân để thử vận may lần nữa. Lần này họ được 11 phôi.
Ngày 15/4/2019, chị Phương chuyển phôi tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thì cũng là ngày anh Thân đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Đêm trước lúc chia tay, anh động viên vợ: “Em cố gắng ăn uống để kiếm con, không cần phải nghĩ ngợi gì hết. Việc kiếm tiền cứ để chồng lo”.
Ngày Phương bước vào căn phòng lạnh ngắt, anh Thân cũng đặt chân lên chuyến bay đến đất nước xa lạ. Phương sờ lên bụng, nơi có hai sinh linh bé nhỏ vừa được chuyển vào, thầm nhủ: “Mẹ không đơn độc nữa. Mẹ có hai con bên cạnh rồi”.
5 ngày sau Phương bị ra máu, y như lần trước. Một nỗi sợ chưa từng có ập đến. Người cô run lên bần bật, nước mắt chực ứa ra nhưng cố kìm nén, không cho phép bản thân xúc động.
Cô bấm điện thoại gọi bác sĩ và được hướng dẫn nằm bất động nghỉ ngơi trong căn phòng trọ sát bệnh viện. Toàn bộ việc ăn uống Phương đều phải nhờ những chị em cùng cảnh ngộ khác.
Ngày thứ 12, có kết quả xét nghiệm. “Em có thai rồi”, bác sĩ thông báo. Tám năm chỉ chờ một câu nói đó thôi, cuối cùng cũng đến ngày họ được toại nguyện. Phương sung sướng đến nỗi về phòng trọ vẫn cười ngây ngô.
Những ngày thai kỳ không hề dễ dàng. Chưa kịp nguôi cơn mừng, Phương bị ra máu ồ ạt, phải nhập viện điều trị. Chồng ở xa, người nhà thi thoảng mới đến thăm, chị chỉ còn biết tuân thủ mọi lời bác sĩ nói.
Đến tháng thứ 3 thai ổn định hơn, mẹ con Phương được cho về nhà. Suốt thai kỳ cô không dám làm việc gì nặng nhọc. Hàng tháng anh Thân gửi tiền về, động viên vợ mua đồ tẩm bổ. Tuần thứ 37, một trong hai bé thi thoảng mất nhịp tim, Phương được chỉ định mổ gấp.
Trước khi lên bàn mổ “bắt con”, cô kể hoàn cảnh với các bác sĩ và được họ cho phép thực hiện cuộc gọi trực tiếp từ phòng mổ để anh Thân có thể chứng kiến giây phút con chào đời.
Ở Hàn Quốc, ngày hôm đó anh Thân được nghỉ làm. Trong căn phòng trọ nhỏ, người đàn ông đứng ngồi không yên chờ đợi. Cuộc gọi được kết nối. Anh nhìn thấy vợ mình đang nằm đó, nửa tỉnh nửa mê. Anh chứng kiến khoảnh khắc bác sĩ mổ, đỡ bé thứ nhất, bé thứ hai ra.
Rồi bất chợt tiếng trẻ con khóc òa. Bé khóc trước, bé khóc sau. Nước mắt Thân trào ra. Anh cũng khóc thành tiếng.
Nghe bác sĩ nói: “Một bé 2,2 kg. Một bé 1,9 kg, cứng lắm”, Phương mới an tâm, cho phép mình nhắm mắt nghỉ.
Từ đó đến nay, Bin và Bon ngoan ngoãn, lên cân đều. Chị Phương đủ sữa cho con. 6 tháng qua, ngày nào anh Thân cũng gọi 4 lần để được nhìn mặt vợ con.
Covid-19 ảnh hưởng lên lao động Việt ở nước ngoài, nhiều người về nước. Công việc của anh Thân bị ảnh hưởng đôi chút nhưng anh vẫn bám trụ ở lại. Hơn một năm qua anh đã trả dứt khoản nợ làm IVF. Thời gian tới anh sẽ chăm chỉ làm để dành một khoản cho hai con sau này ăn học.
Thi thoảng trong những cuộc nói chuyện, anh lại hẹn: “Hai năm nữa bố về”.
Theo VNE