SINH HOẠT KHOA HỌC: CẬP NHẬT KỸ THUẬT VÀ ỨNG DỤNG PHÂN TÍCH DI TRUYỀN TRONG HỖ TRỢ SINH SẢN

14/12/2020

Đã thành thông lệ, vào mỗi trưa thứ 5 hàng tuần, đội ngũ Bác sĩ, Chuyên viên phôi học của Bệnh viện lại tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi để tham gia sinh hoạt khoa học cùng các đồng nghiệp trong và ngoài viện. Đây là hoạt động thường kì nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, cập nhật các thông tin, phương pháp điều trị mới trong chuyên ngành, từ đó áp dụng vào thực tiễn điều trị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại AF HANOI.

Trung tuần tháng 12, buổi sinh hoạt với chủ đề “Cập nhật kĩ thuật và ứng dụng phân tích di truyền trong hỗ trợ sinh sản” của Bệnh viện vinh dự được đón 2 chuyên gia đến từ Bệnh viện Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh): ThS.BS. Nguyễn Vạn Thông (Trưởng khoa Di truyền Y học) và ThS, Chuyên viên phôi học Tăng Kim Hoàng Văn báo cáo những nghiên cứu hữu ích trong lĩnh vực Hỗ trợ sinh sản, mở ra nhiều cơ hội cho các cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn trong tương lai.

shkh1

ThS.BS Lê Thị Thu Hiền (Phó Giám đốc Bệnh viện) phát biểu mở đầu buổi sinh hoạt khoa học

Trong điều trị vô sinh – hiếm muộn, trữ đông tinh trùng có vai trò rất quan trọng, không chỉ bảo tồn khả năng sinh sản cho nam giới mà còn hỗ trợ đắc lực cho các phương pháp Hỗ trợ sinh sản tiên tiến hiện nay như Thụ tinh nhân tạo (IUI), Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Bên cạnh phương pháp trữ đông tinh trùng đang được áp dụng tại nhiều trung tâm Hỗ trợ sinh sản thì đề tài “Trữ đông tinh trùng số lượng ít” của ThS Tăng Kim Hoàng Văn đã thu hút được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn bởi nghiên cứu đã khắc phục được một số hạn chế về chất lượng tinh trùng, vật tư tiêu hao, thời gian, nhân lực thực hiện so với phương pháp trữ đông hiện nay.

shkh2

ThS Tăng Kim Hoàng Văn báo cáo đề tài “Trữ đông tinh trùng số lượng ít”

Ở phần tiếp theo của buổi sinh học khoa học, ThS.BS Nguyễn Vạn Thông đã có bài báo cáo “Tư vấn di truyền” với những kiến thức bổ ích, mang lại nhiều giá trị trong sàng lọc, chẩn đoán trước sinh tại Việt Nam. Theo thống kê, số lượng trẻ mắc các bệnh lý di truyền (hội chứng Down, hội chứng Edwards), dị tất ống thần kinh, tan máu bẩm sinh (Thalassemia), … ở nước ta không hề nhỏ. Việc tư vấn, ứng dụng phân tích di truyền trong Hỗ trợ sinh sản là cần thiết để loại bỏ các bất thường nhiễm sắc thể, sàng lọc bệnh lý trước khi chuyển phôi vào tử cung của người mẹ.

shkh3

ThS.Bs Nguyễn Vạn Thông trình bày báo cáo “Tư vấn di truyền”

Thông qua bài báo cáo của mình, ThS.BS Nguyễn Vạn Thông đã đưa ra nhiều dẫn chứng, những minh họa cụ thể đối với từng loại bất thường cũng như các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm di truyền cần thực hiện trong thực hành Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại các đơn vị Hỗ trợ sinh sản hiện nay.

shkh4

Phần thảo luận sôi nổi giữa 02 khách mời với các Bác sĩ, Chuyên viên phôi học của Bệnh viện

Sau phần trình bày của 02 khách mời, các Bác sĩ, Chuyên viên phôi học đã đưa ra một số câu hỏi thảo luận với các ví dụ cụ thể được ghi nhận trong thực tế thăm khám và điều trị tại Bệnh viện. Rất nhiều câu hỏi đã được các thành viên tham dự làm rõ, góp phần củng cố thêm nhiều kiến thức chuyên ngành, trao đổi thông tin và cập nhật nhiều ứng dụng mới trong điều trị vô sinh – hiếm muộn.

shkh5

Đội ngũ Bác sĩ, Chuyên viên phôi học Bệnh viện chụp hình lưu niệm với các báo cáo viên và nhà tài trợ

Sinh hoạt khoa học là một trong nhiều hoạt động chuyên môn của Bệnh viện trong năm 2020. Bên cạnh các buổi chuyên đề thì báo cáo một số bài trình bày tại Hội nghị sinh sản và phôi học Châu Âu (ESHRE), trao đổi về các Hội nghị đã tham gia, … là những nội dung mà đội ngũ Bác sĩ, Chuyên viên phôi học thực hiện đều đặn trong các buổi sinh hoạt định kì nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cũng như phát huy các thế mạnh của bản thân để xây dựng một AF HANOI đi đầu không chỉ trong khám chữa bệnh mà còn trong công tác nghiên cứu khoa học.


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN