Xoắn tinh hoàn

05/08/2021

Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu khẩn cấp trong nam khoa. Bệnh hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì (chiếm khoảng 65%). Theo ước tính, tỉ lệ mắc bệnh hàng năm của những người dưới 25 tuổi vào khoảng 1/4000 người.

Xoắn tinh hoàn là gì?
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh (cuống mạch của tinh hoàn) bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn, gây hậu quả là tinh hoàn bị thiếu máu. Nếu người bệnh không được điều trị tháo xoắn kịp thời, tinh hoàn sẽ bị hoại tử thậm chí phải cắt bỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của bệnh này. Đến khám muộn sau khi bị xoắn tinh hoàn hay được chẩn đoán nhầm với những bệnh khác là hai lí do chính dẫn đến việc cắt bỏ tinh hoàn.


Thời gian vàng để giữ được tinh hoàn là từ 4-6 giờ sau khi có triệu chứng đau cấp tính ở tinh hoàn. Nếu bệnh nhân đến vào khung thời gian này, bác sỹ sẽ khám lâm sàng, xét nghiệm và siêu âm Doppler màu để chẩn đoán xác định tình trạng của tinh hoàn. Khi đã xác định là xoắn tinh hoàn, bệnh nhân sẽ được mổ để tháo các vòng xoắn của thừng tinh, để cứu được tinh hoàn, đồng thời cố định tinh hoàn hai bên để tránh tình trạng này tái phát.
Thời gian gần đây, số người đến khám cấp cứu vì xoắn tinh hoàn có xu hướng tăng lên. Trong số đó phần lớn là đến khám muộn (sau 24 giờ) dẫn đến hoại tử tinh hoàn và phải cắt bỏ. Đây là một dấu hiệu báo động cho thấy nhận thức của người bệnh còn nhiều hạn chế.

Các triệu chứng điển hình của xoắn tinh hoàn như sau:
– Đau bìu cấp: Đột ngột người bệnh thấy đau bìu một bên, đau với cường độ rất mạnh có thể có vã mồ hôi, càng ngày càng tăng. Đau có thể lan lên bụng dọc theo hướng của thừng tinh hoặc lan xuống đùi. Đau có thể xảy ra bất kì lúc nào nhưng thường hay xảy ra vào ban đêm, lúc nửa đêm, về sáng.
– Kèm theo đau, bệnh nhân có thể có nôn hoặc buồn nôn. Dấu hiệu này thường không rõ ràng nên người bệnh dễ bỏ sót, hoặc chẩn đoán nhầm ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ.
– Có thể rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt hoặc tiểu rắt.
– Thông thường bệnh nhân không có sốt hoặc sốt nhẹ.
– Bìu sưng to, đỏ, sờ vào rất đau. Nếu khám kĩ sẽ thấy tinh hoàn bị kéo lên cao trong bìu. Xoắn tinh hoàn cần phải phân biệt với các trường hợp viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xoắn mấu phụ mào tinh hoàn, thoát vị bẹn nghẹt. Vì vậy, nếu bạn đang gặp triệu chứng đau bìu cấp tính, bạn cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.


***Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN