Sảy thai liên tiếp 4 lần, hai vợ chồng ngạc nhiên khi bác sĩ thông báo nguyên nhân

11/10/2021

Sau 4 lần mang thai nhưng đều bị sảy, cả hai vợ chồng đi khám. Khi bác sĩ thông báo nguyên nhân là do người chồng, cả hai vợ chồng đã rất bất ngờ.

Căn nguyên của tình trạng sảy thai liên tiếp

Hai vợ chồng chị P.N.H tìm tới Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám vì tình trạng sảy thai 4 lần liên tiếp trong 2 năm. Kết quả cho thấy sức khỏe của chị bình thường. Nguyên nhân khiến chị sảy thai lại đến từ phía chồng – anh mắc phải tình trạng phân mảnh DNA (deoxyribonucleic acid) tinh trùng hay còn gọi là đứt gãy DNA tinh trùng.

Vợ chồng chị P.N.H không phải là gia đình duy nhất gặp phải tình trạng éo le như trên.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp đang thăm khám cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp – Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: “Bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều gia đình tới thăm khám và điều trị hiếm muộn hoặc sảy thai liên tiếp vì lý do người chồng bị phân mảnh DNA tinh trùng. Trên thực tế, đứt gãy DNA tinh trùng chiếm tới 15 – 25% nguyên nhân vô sinh ở nam giới”.

Nếu như các vấn đề sinh sản của người phụ nữ thường liên quan tới noãn (trứng) thì tinh trùng chính là yếu tố quyết định nhiệm vụ duy trì nòi giống ở nam giới.

Tinh trùng có cấu trúc gồm 3 phần: đầu, thân và đuôi. Phần đầu tinh trùng chứa nhân, trong nhân có chứa DNA – vật liệu di truyền từ bố để kết hợp với trứng chứa vật liệu di truyền từ mẹ và tạo ra phôi. Phân mảnh DNA tinh trùng là tình trạng chuỗi DNA bị đứt gãy thành các đoạn nhỏ gây nên bất thường di truyền của tinh trùng và ảnh hưởng tới khả năng thụ tinh với trứng.

Hình ảnh tinh trùng phân mảnh DNA nhiều của bệnh nhân.

Tỷ lệ phân mảnh DNA tinh trùng được coi là bình thường khi số lượng tinh trùng đứt gãy nhỏ hơn 15% tổng số lượng tinh trùng, phân mảnh tinh trùng ở mức độ trung bình sẽ nằm trong khoảng 15-30%, phân mảnh tinh trùng nhiều là trên 30%.

Tỷ lệ phân mảnh tinh trùng càng nhiều thì càng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Không chỉ gây vô sinh, chậm con ở nam giới, phân mảnh DNA tinh trùng còn khiến người vợ tăng nguy cơ sảy thai, thậm chí khiến thai nhi bị dị tật vì bộ gen bị lỗi.

Để chẩn đoán tình trạng này, hiện nay xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng (Halosperm test) được chỉ định cho những trường hợp nam giới vô sinh hiếm muộn, hoặc vợ có tiền sử lưu sẩy thai liên tiếp nhiều lần. Xét nghiệm này giúp kiểm tra mức độ phân mảnh DNA tinh trùng, kiểm tra lỗi trên phân tử DNA liên quan đến sự tách hoặc đứt gãy đoạn phân tử đó.

Đứt gãy DNA tinh trùng vì lối sống thiếu khoa học

Các nguyên nhân bẩm sinh của phân mảnh DNA tinh trùng là sai sót về tái tổ hợp nhiễm sắc thể (NST) trong quá trình hình thành tinh trùng, mất tương đối tỷ lệ protamine 1 và 2, tích tụ các gốc oxy hóa, các bệnh lý như giãn tĩnh mạch tinh. Tuy nhiên, một yếu tố khác gây nên tình trạng phân mảnh DNA tinh trùng là do lối sống thiếu lành mạnh của đấng mày râu, từ môi trường sống và làm việc đến thói quen sinh hoạt không hợp lý.

Nam giới thường xuyên tiếp xúc với các kim loại chì, sắt, tiếng ồn, từ trường, sóng điện từ… hay làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao như hầm lò, xưởng hàn xì; môi trường độc hại của nghề kim hoàn, môi trường có hoá chất, đều sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất “con giống” và gây nên tình trạng phân mảnh DNA tinh trùng.

Rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích cũng là yếu tố gây nên đứt gãy DNA tinh trùng.

Cụ thể, trong lối sống, quý ông không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích mà nên sử dụng các thực phẩm lành mạnh, có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung thêm kẽm (có trong thịt bò, hàu, hải sản…), các loại vitamin E, vitamin C, acid folic…và các loại thuốc hỗ trợ theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, nam giới cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên bởi biện pháp này sẽ giúp giảm căng thẳng, có lợi cho sức khỏe lâu dài; không tắm nước quá nóng, không bỏ điện thoại vào túi quần và tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại…

Theo: Soha


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN