Sinh đôi sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại

11/06/2022

Từng sẩy thai lại mắc nhiều bệnh lý tử cung nên gần như không thể có con, chị Vũ Thanh Miền 39 tuổi, hai lần viết đơn ly hôn để giải thoát cho chồng.

Chị Miền và anh Hoàng Triệu Hóa, 40 tuổi, quen nhau trong một lần đi công tác tại Đồng Văn, rồi bén duyên vợ chồng. Anh Hóa là giáo viên cấp hai, còn chị Miền là cô giáo mầm non. Cưới được hai năm, chị Miền đi khám nhiều bệnh viện vì không có con. Bác sĩ chẩn đoán chị hiếm muộn kèm nhiều bệnh lý khác như dự trữ buồng trứng thấp, giảm chức năng kèm polyp cổ tử cung, tắc hai vòi trứng, lạc nội mạc cơ tử cung, nên gần như không còn khả năng mang thai.

“Không một từ nào có thể diễn tả nỗi đau của người phụ nữ khi biết mình không thể sinh con, làm mẹ”, chị Miền nói.

Kể từ đó, ngôi nhà nhỏ của anh Hóa, chị Miền chứa đựng không ít tủi hờn, “điều mà những cặp vợ chồng có con bình thường không thể hiểu được”. Hàng xóm gọi chị là “cây độc không trái”, “không biết đẻ”, còn anh Hóa lại là con một nên áp lực cứ chất chồng lên. Thương chồng, chị đã hai lần viết đơn đề nghị ly hôn. Bỏ ngoài tai, anh tiếp tục kiên trì và động viên vợ suốt 8 năm, nghĩ “không đẻ được thì sẽ nhận con nuôi”.

Năm 2016, hai vợ chồng đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Bác sĩ Phạm Văn Hưởng, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết đây là trường hợp khó, hai vợ chồng đã lớn tuổi còn người vợ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm. Sau hai lần kích trứng và gom trứng, chị chỉ đạt 5 trứng để chuyển phôi. Không may mắn, thai bị chết lưu, phải bỏ con ở tuần 12.

Năm 2020, chị trở lại bệnh viện IVF tiếp dù biết khó khăn gấp bội. Lần này, chị may mắn hơn khi chọc được 7 noãn sau một lần kích, nhờ đó tạo phôi mà không phải để trữ đông. Tuy nhiên, chị lại thất bại vì thai ngoài tử cung, tiền sử bệnh càng dày lên.

“Trường hợp này thật trớ trêu vì mọi thứ đều đang thuận lợi thì thất bại. Mỗi lần hút thai, bệnh nhân chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần khiến chúng tôi thêm dằn vặt”, bác sĩ Hưởng nói. Chưa kể, chị Miền còn khó khăn về kinh tế, số tiền điều trị ngày càng nhiều hơn.

Năm 2021, chị tiếp tục đến viện, may mắn chuyển được hai phôi. Chị cẩn thận thuê một phòng đối diện bệnh viện để tiện theo dõi suốt thai kỳ.

Bác sĩ Phạm Văn Hưởng, Trưởng khoa Khám bệnh đang chuyển phôi cho bệnh nhân.

Bác sĩ Hoàng Văn Khanh, khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nói “những bà mẹ làm IVF có thai đã khó, giữ thai càng khó hơn”, cho biết thêm bệnh nhân đã có hai lần chọc trứng và chuyển phôi nhiều lần mà không thành công. Chị bị lạc nội mạc cơ tử cung, khả năng co giãn kém, nguy cơ sảy thai hoặc sinh non cao.

Khi thai được 20 tuần, chị vừa phải điều trị nội tiết vì tiểu đường thai kỳ, còn cổ tử cung tụt thấp, phì đại, sau nhiều lần chạy chữa đã không còn được như bình thường. Bác sĩ đã hai lần khâu eo cổ tử cung để giữ thai. Hai tuần sau, bệnh nhân ra máu ồ ạt, phải nằm cố định một chỗ, “giữ được con là một kỳ tích”.

Từ tuần 28 đến tuần 30, chị Miền xuất hiện nhiều cơn co, ra vào viện như cơm bữa. Chị kể, thời gian này chủ yếu ở Hà Nội một mình, còn chồng tiếp tục công việc để kiếm tiền, bố mẹ thì đều có tuổi nên không thể chăm sóc mỗi ngày. Tháng 2, chị Miền chuyển dạ, sinh con ở tuần thứ 32. Bé lớn nặng 1,6 kg, bé thứ hai 1,4 kg, phải nằm lồng ấp.

Chị Miền tranh thủ chăm con vừa làm bánh để trang trải thêm phí sinh hoạt cho gia đình.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, đứng sau ung thư, bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới. Khoảng 30% trường hợp vô sinh bắt nguồn từ người chồng, 30% do vợ, 30% từ cả hai và 10% không rõ nguyên nhân. Tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi có thai đầu) tăng 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Vô sinh, hiếm muộn có nhiều nguyên nhân như tinh trùng yếu, kém, tỷ lệ dị dạng cao hoặc rối loạn buồng trứng, tắc vòi trứng bệnh tử cung, rối loạn phóng noãn (rụng trứng), niêm mạc mỏng hoặc viêm lộ tuyến… Nhờ tiến bộ y học, kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng phát triển.

Hiện, có nhiều phương pháp điều trị như thụ tinh nhân tạo (IUI) bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Các trường hợp vô tinh do tắc nghẽn sẽ được áp dụng phương pháp PESA, chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da. Trường hợp vô sinh không do tắc nghẽn phù hợp để triển khai phương pháp TESE hoặc Micro TESE.

Bác sĩ khuyên vợ chồng nên khám tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng sinh sản và điều trị theo phác đồ, đảm bảo an toàn trước khi mang thai. Trường hợp hai vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong vòng một năm mà vẫn chưa có thai, thì nên đi khám để được điều trị sớm.

Còn vợ chồng anh Hóa, sau nhiều thử thách đã được vui vầy bên hai con gái là bé Hoàng Bảo Ngọc và Hoàng Bảo Anh. Mùa thu năm nay, chị Miền quay trở lại công việc sau thời gian dài điều trị. “Nhiều năm giảng dạy, nhìn các em học sinh mà chỉ ước có một mụn con để bồng bế. Cuối cùng chúng tôi cũng có được hai đứa con của riêng mình”, chị Miền nói.

 


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN