40 tuổi không sinh được con mới biết bị ẩn tinh hoàn

28/03/2016

Vô sinh đã 20 năm, đến khám tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, anh Thành bất ngờ khi bất ngờ khi bác sĩ xác định anh mắc chứng tinh hoàn ẩn.

Anh Thành năm nay 40 tuổi, lập gia đình đã lâu mà không có con. Chứng bệnh tinh hoàn ẩn được cho là nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở anh.

Người đàn ông này nhớ lại bố mẹ từng phát hiện tinh hoàn của anh chỉ có một bên ngay từ khi chào đời, song vì thiếu kiến thức và chủ quan nên mọi người không lưu tâm. Đến khi trưởng thành, kết hôn, vợ chồng anh mãi không có con, từng uống thuốc nam vẫn không hiệu quả.

Xác định được nguyên nhân vô sinh của anh, các bác sĩ Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội đã phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống cho người đàn ông. Phương pháp này ngoài việc giúp anh có cơ hội làm cha, còn để phòng chống ung thư tinh hoàn.

dieu-tri-chung-gian-tinh-mach-tinh-nhu-the-nao

Hình minh họa: Internet

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhiều bệnh nhân đến khám có dấu hiệu ẩn tinh hoàn, đặc biệt là trẻ nhỏ. Như trường hợp cháu Hải 6 tuổi, khi sinh ra bố mẹ thấy rõ bé chỉ có một tinh hoàn bên phải. Người nhà nghĩ rằng đến lúc bé lớn tinh hoàn sẽ phát triển và tự xuống, nhưng mãi đến 5 tuổi bé vẫn chưa có đủ. Thậm chí bố cháu tin rằng con còn nhỏ không nên đụng dao kéo, “của bố tốt, của con cũng tốt”. Khi bé lên 6, mẹ cháu lo lắng nên tự đưa con đi kiểm tra.

“Bé Hải được chẩn đoán bị tinh hoàn ẩn, tinh hoàn nằm trong ống bẹn và phải mổ để kéo xuống đồng thời tránh nguy cơ xoắn, chấn thương cũng như vô sinh”, BsCkII Nguyễn Khắc Lợi nói.

Cũng theo bác sĩ Lợi, tinh hoàn ẩn hay còn lạc chỗ là do bẩm sinh. Từ khi bé còn là bào thai, tinh hoàn hình thành tại hai bên chậu hông và trong quá trình phát triển theo ống bẹn tụt dần xuống bìu từ tuần thứ 29, 30 của thai kỳ. Nếu trẻ sinh ra tinh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng và không xuống được thì không có khả năng sinh tinh dù cho nó vẫn có khả năng chế tiết testosterol.

Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện sớm và điều trị khi bé được một tuổi. Sau một tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi.

“Nhiều người sai lầm khi cho rằng tinh hoàn của trẻ có thể di chuyển xuống bìu khi trưởng thành nên đã cố đợi. Tinh hoàn càng ẩn lâu trong bụng càng không tốt, có thể dẫn đến vô sinh, thậm chí là ung thư”, bác sĩ Lợi cảnh báo.

Linh Nga (http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/40-tuoi-khong-sinh-duoc-con-moi-biet-bi-an-tinh-hoan-3318270.html)


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN