06/02/2024
Kết hôn năm 2018 nhưng 5 năm sau, vợ chồng chị Nguyễn Vân Anh và anh Nguyễn Văn Đức, quê Nghệ An mới chạm đến niềm hạnh phúc ngọt ngào làm cha, làm mẹ. May mắn đã gõ cửa trước những nỗ lực kiên trì, không từ bỏ hành trình dài đầy khó khăn thử thách mang tên “hiếm muộn”.
Mùa xuân năm Giáp Thìn 2024, hai chàng trai nhỏ Nguyễn Trọng Đăng Khôi – Nguyễn Trọng Đăng Khoa đã là “thanh niên” có tuổi, chắc chắn rằng mỗi dịp Tết đến xuân về sẽ là những mốc thời gian tươi đẹp nhất, vợ chồng chị Vân Anh không còn phải e dè, ngượng ngùng trong những buổi gặp gỡ họ hàng đầu năm mới. Trong ngôi nhà nhỏ luôn rộn rã tiếng cười con trẻ, khúc hát ầu ơ của bà của mẹ bên cạnh bé yêu.
Nửa năm sau kết hôn, đôi vợ chồng nhận “cú sốc” lớn
Sau thời gian yêu thương tìm hiểu, chị Nguyễn Vân Anh (1996) và anh Nguyễn Văn Đức (1994) quyết định tiến tới hôn nhân để vún đắp tình yêu “đơm hoa kết trái”. Thời gian dần trôi nhưng tin vui vẫn chưa tới, 6 tháng sau ngày cưới, nhờ một người bạn giới thiệu đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng chị Vân Anh quyết định ra viện thăm khám, kiểm tra sức khỏe sinh sản.
“Ngày đấy vợ chồng mình làm công nhân ở Bắc Ninh, cũng gần Hà Nội nên đi khám xem thế nào chứ khi đó hai đứa vẫn nghĩ chắc không sao vì mới cưới được 6 tháng chứ không phải quá lâu. Ai ngờ khi cầm tờ kết quả thông báo chồng không có tinh trùng mà hai vợ chồng rụng rời chân tay, mọi thứ trước mắt tối sầm lại và không dám tin vào sự thật này”, chị Vân Anh nhớ lại khoảnh khắc đấy.
Sau thăm khám, siêu âm xét nghiệm, anh Đức được bác sĩ kết luận bị “vô tinh” do teo tinh hoàn, biến chứng của tiền sử quai bị hoặc viêm tinh hoàn trước đó. Không chỉ sức khỏe sinh sản của chồng gặp vấn đề, kết quả siêu âm khi đó còn cho thấy chị Vân Anh bị đa nang buồng trứng, dối loạn phóng noãn và kinh nguyệt không đều cũng ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên, khó có con.
“Không có tinh trùng trong tinh dịch, vợ đa nang buồng trứng, muốn có con chỉ còn cách phẫu thuật tìm tinh trùng trong tinh hoàn và làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)”, câu nói của bác sĩ đã lấy đi bao nước mắt của anh chị trên suốt quãng đường về Bắc Ninh. Không chấp nhận sự thật, những ngày sau đó hai vợ chồng lại tiếp tục hành trình đi khám ở những bệnh viện khác với hi vọng nhận lại kết quả khả quan hơn. Nhưng càng hi vọng thì nỗi buồn tủi, bế tắc lại càng bao trùm khi tất cả các kết quả xét nghiệm, siêu âm vẫn giống như lần thăm khám trước đó.
“Tất cả những bệnh viện sau đó cũng đều cho kết quả không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch, tỷ lệ có thai tự nhiên là không thể”, chị Vân Anh lặng người kể lại.
Với đồng lương công nhân ít ỏi, số tiền làm IVF là quá lớn nên ngày đó hai vợ chồng đành gác lại hành trình tìm con bằng phương pháp này. Có bệnh thì vái tứ phương, vẫn nuôi hi vọng mong có phép màu nào đó giúp có thai tự nhiên nên ai mách ở đâu có thầy giỏi, thuốc tốt là hai vợ chồng đều mua về uống, Đông Tây Y kết hợp nhưng mong mãi vẫn không thấy con về.
“Mỗi khi Tết đến xuân về, người ta đi chơi đông vui còn hai vợ chồng chỉ trốn ở nhà vì sợ người ta hỏi: Sao chưa có con? Sợ người ta lại chúc, nhanh có em bé. Mỗi lần như vậy lại quặn thắt ruột gan vì thiên chức thiêng liêng được làm mẹ, người phụ nữ nào chả mong chạm tới”, những cảm giác cứ đằng đẵng theo chị Vân Anh suốt những cái Tết kể từ ngày kết hôn.
Gia tài sau 4 năm tích góp và “ván cược” định mệnh!
4 năm đằng đẵng trôi đi, biết bao hi vọng đợi chờ qua hàng trăm thang thuốc bắc, hàng chục loại thuốc tây y nhưng nhận lại vẫn là những chiếc que thử thai một vạch.
Vẫn nhớ lời bác sĩ tư vấn 4 năm trước, năm 2022 với số tiền ít ỏi hai vợ chồng rành rụm anh Đức chị Vân Anh quyết định vay mượn thêm người thân và quay lại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội “tìm con”. Sau khi làm lại tất cả các xét nghiệm, chị Vân Anh lại một lần nữa lo sợ vì kết quả xét nghiệm cho biết chị mang gene Thalassemia thể lặn (người thường mang gene bệnh). Vẫn còn một chút may mắn khi Anh Đức không mang gene bệnh này, hai vợ chồng được bác sĩ tư vấn làm thủ tục hoàn thiện hồ sơ và bắt đầu quá trình kích trứng thực hiện IVF.
Với tình trạng vô tinh, không có tinh trùng trong tinh dịch do tiền sử quai bị gây teo tinh hoàn, anh Đức được bác sĩ chỉ định mổ Micro TESE với hi vọng tìm được tinh trùng để tạo phôi.
Chia sẻ về trường hợp của anh Đức, bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp – Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết:“Sau thăm khám phát hiện thể tích tinh hoàn chỉ còn khoảng 3ml, các ông sinh tinh đã xơ hóa, không có khả năng sinh tinh. Tuy nhiên, dựa vào tiền sử bệnh, xét nghiệm nội tiết, chúng tôi đánh giá vẫn có khả năng tìm được tinh trùng và đặt cược mổ tìm tinh trùng cho bệnh nhân bằng phương pháp Micro TESE. Đây là một phương pháp phẫu thuật hiện đại sử dụng kính vi phẫu với độ phóng đại vài chục lần giúp quan sát và tìm kiếm các ống sinh tinh còn hoạt động, thu được số lượng tinh trùng còn sót lại trong mô tinh hoàn”.
(Ảnh Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tư vấn và thăm khám bệnh nhân) – Hình minh họa
“Buổi sáng ngày chọc trứng, mình may mắn có được 14 noãn, anh Đức cũng tìm thấy tinh trùng. Lúc đó hai vợ chồng gặp nhau ở phòng hậu phẫu mà hạnh phúc vô cùng. Ông trời đã thấu được nỗi niềm mong ước của hai đứa suốt 4 năm qua để vợ chồng mình may mắn tạo được 8 phôi”, chị Vân Anh kể lại.
Sau khi quyết định giữ lại 2 phôi ngày 3 và nuôi 6 phôi lên ngày 5. Hai vợ chồng quyết định chuyển phôi ngày 5 với hi vọng sẽ đón được con yêu. “Trước ngày chuyển phôi bác sĩ động viên hai vợ chồng, việc tạo được phôi đối với nhà mình được coi là kỳ tích rồi, giờ cần thêm một chút kỳ diệu nữa là giấc mơ về những thiên thần nhỏ sẽ trở thành hiện thực gia đình. Nghe lời động viên đấy hai vợ chồng như được tiếp thêm sức mạnh và càng có niềm tin hơn vào điều tốt đẹp sẽ đến”.
Trời không phụ lòng người, sau chuyển phôi 10 ngày hai vợ chồng vỡ òa hạnh phúc khi chiếc que thử thai hiện hai vạch rõ nét. Bác sĩ thông báo “hai mầm sống nhỏ” bắt đầu hình thành trong cơ thể chị trong lần siêu âm đầu tiên báo hiệu một cuộc sống mới đến với gia đình anh chị.
Hành trình giữ thai vất vả, điều kỳ diệu nhờ “đôi bàn tay vàng” của bác sĩ sản khoa
Tưởng chừng mọi khó khăn đã qua, hành trình mang thai đôi của chị Vân Anh cũng không hề dễ dàng. Từ tuần 20 của thai kỳ, khi song thai lớn dần cũng là lúc quá trình giữ thai chính thức bước vào giai đoạn khó khăn liên tiếp. Liên tục những cơn gò dọa sảy, sa cổ tử cung, thõng ối, ra máu thai kỳ…tất cả những điều đó như trở thành phép thử cho sự kiên trì của vợ chồng chị Vân Anh.
“Mình nhớ mãi mốc thai tuần thứ 20, trong một lần khám định kỳ, vào phòng siêu âm, bác sĩ Hoàng Văn Khanh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đo cổ tử cung và vội hô lên không ổn rồi, cổ tử cung của em tụt thấp còn 16mm, hở chữ u rồi, lòi ối, giờ phải khâu cổ tử cung cấp cứu gấp. Nghe vậy mình hoảng sợ, ù tai và khóc ầm lên như 1 đứa trẻ. Bác sĩ Khanh liền trấn an mình và hứa sẽ cố gắng hết sức khâu cấp cứu để giữ thai lâu nhất có thể”, chị Vân Anh nói.
Sau đó bác sĩ Khanh cùng ekip Bệnh viện đã làm việc xuyên trưa để khâu cấp cứu, một lần nữa “vị thần” may mắn lại ghé thăm, ca khâu eo cấp cứu thành công sau khoảng 30 phút trong phòng thủ thuật.
(Ảnh ThS BS Hoàng Văn Khanh thực hiện khâu eo cổ tử cung cho Bệnh nhân) – Hình minh họa
Giai đoạn nguy hiểm đã tạm thời qua, sau khâu eo bác sĩ nói cổ tử cung lên được 18mm và còn rất yếu. “Mình nằm viện 1 tuần, bác Khanh bảo khâu cổ tử cung rồi nhưng không nói trước được điều gì hết vì cổ tử cung rất yếu, phải hết sức cẩn thận. Mình nghe bác nói thế lại mất ăn, mất ngủ lo lắng từng ngày. Hai vợ chồng thuê nhà gần viện và đi khám thai 1 tuần 1 lần để theo dõi cổ tử cung sát sao hơn. Thật may là lúc đó có bà nội, bà ngoại cùng chồng thay nhau ở bên chăm sóc vượt qua giai đoạn khó khăn đó”.
Tuần thứ 28 của thai kỳ bị ra máu, hai vợ chồng vội vàng vào viện, bác sĩ báo dọa sinh non và chỉ định nhập viện điều trị theo dõi tiêm thuốc cầm máu, giảm co cho đến khi thai kỳ ổn định. Cứ như vậy, cả thai kỳ được bác sĩ Khanh theo dõi sát sao cho đến khi sinh.
Hành trình tìm con đầy gian nan vất vả cuối cũng được đền đáp xứng đáng vào ngày 8/01/2023, chị Vân Anh vỡ ối và hạ sinh thành công hai thiên thần nhỏ Nguyễn Trọng Đăng Khôi – Nguyễn Trọng Đăng Khoa trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình nội ngoại hai bên. Những giọt nước mắt hạnh phúc của của ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình đã rơi sau 5 năm mong mỏi đợi chờ.
“Có thể với bao cặp vợ chồng khác sinh được các con là điều đơn giản bình thường nhưng đối với gia đình mình niềm hạnh phúc được bế con trên tay là hành trình dài chờ đợi, vượt qua khó khăn cả về tài chính lẫn tinh thần nên mình trân trọng những may mắn và biết ơn sâu sắc những người bác sĩ vừa tài giỏi, vừa tận tâm giàu y đức. Mình muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nơi ươm mầm trẻ thơ, kết nối yêu thương hạnh phúc đong đầy. Đặc biệt nhắn gửi sự biết ơn tới bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp đã mổ tìm thấy tinh trùng cho chồng em, bác sĩ Hoàng Khanh đã đồng hành giúp đỡ 3 mẹ con những lúc khó khăn nhất của thai kỳ. Nhờ có bác Khanh mà mình đã hai con đã chịu ở lại trong bụng mẹ đến khi đủ cứng cáp và chào đời an toàn”, chị Vân Anh xúc động chia sẻ.
Lắng nghe những tâm sự trải lòng về hành trình tìm con của các gia đình hiếm muộn, mỗi chúng ta lại thêm phần thấu hiểu hơn về những khó khăn, buồn tủi và cả những nghị lực phi thường mà họ phải đối mặt vượt qua. Mong rằng câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Vân Anh và anh Nguyễn Văn Đức sẽ truyền cảm hứng và là động lực cho các gia đình hiếm muộn mong con. Hãy kiên trì, cố gắng và bền bỉ cho dù hành trình tìm con còn nhiều bế tắc khó khăn, hãy tin vào y học hiện đại, tin vào sự tài giỏi và giàu lòng y đức của đội ngũ y bác sĩ mang “trái ngọt” đến mỗi gia đình hiếm muộn mong con./.