22/08/2016
Ngày 20/8, tại Hà Nội, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức Hội thảo “Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc”, nhằm tư vấn về vô sinh, hiếm muộn cho những cặp vợ chồng đang mong có con cũng như quan tâm đến phương pháp, cách thức điều trị căn bệnh này.
Nhiều chuyên gia, bác sĩ hàng đầu về vô sinh, hiếm muộn tại Hà Nội đã tham dự như: GS-TS.Đỗ Trọng Hiếu- nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em; GS-TS.Trần Thị Phương Mai- thành viên Ủy ban Y tế khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; GS-TS.Nguyễn Đình Tảo- Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phôi (Học viện Quân Y); ông James Marshall- Giám đốc Khoa học phát triển (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Superior ART Thailannd)…
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày những vấn đề cơ bản về vô sinh, hiếm muộn; nhấn mạnh các kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản hiện nay; dành thời gian để trực tiếp tư vấn và giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân, các cặp vợ chồng cũng như nâng cao chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu cho nhân viên y tế.
Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của nhiều cặp vợ chồng từng thực hiện thành công các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện. Với thông điệp “Ươm mầm hạnh phúc- Hành động hôm nay, cha mẹ ngày mai”, các khách mời đã chia sẻ những câu chuyện xúc động, nỗi niềm trong những ngày mòn mỏi chờ đợi cũng như niềm vui khi đã đạt được mong ước có được đứa con do mình sinh ra…
BS.Nguyễn Khắc Lợi- Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Nam học cho biết: Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 7,7% cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn (tương đương với 1 triệu người), nhưng rất nhiều người hiện nay vẫn còn thiếu thông tin, kiến thức về vấn đề này. Nhiều trường hợp bõ lỡ thời điểm vàng để có con, chỉ vì hoang mang, lo lắng hoặc đắn đo chuyện tế nhị và kinh phí điều trị…
Theo BS.Lợi, trong thực tế, kinh phí điều trị ở Việt Nam so với các nước khác đang ở mức thấp nhất (khoảng 60 triệu đồng); thậm chí có trường hợp chỉ có chi phí khoảng 1/10 con số đó. Hiện nay, BV Nam học và Hiếm muộn cũng như các chuyên gia đang không ngừng nỗ lực đầu tư trang thiết bị, cập nhật những tiến bộ kỹ thuật trong điều trị vô sinh, hiếm muộn trên thế giới, tiến tới và duy trình công nghệ nuôi cấy trứng và phôi đạt tiêu chuẩn Châu Âu.
Vì vậy, theo BS.Lợi, các cặp vợ chồng có thể tin tưởng vào quy trình, công nghệ hỗ trợ sinh sản tại các BV trong nước và tay nghề các y, bác sĩ chuyên khoa hiện nay. Quan trọng là các cặp vợ chồng cần sớm nhận thức được tình trạng hiếm muộn để có biện pháp can thiệp y khoa phù hợp và điều trị thành công. Càng để lâu, cơ hội có con sẽ cảm giảm, đặc biệt khi phụ nữ sau 35 tuổi.
Đơn cử ở BV, tỷ lệ có thai trong chuyển phôi đông lạnh là 63%, chuyển phôi tươi là 42%, bơm tinh trùng vào buồng tử cung là 31%… Ngoài ra, bệnh viện cũng đã thực hiện thành công cho những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm đặc biệt (thụ tinh trong ống nghiệm cho bệnh nhân nam bị liệt nửa người, bệnh nhân nam ung thư tinh hoàn, với tinh trùng của người đã mất, bệnh nhân nữ có tử cung đôi…); các em bé sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm đều khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Có thể kể đến trường hợp của anh Đỗ Đại Dương (34 tuổi, ở Hà Nội) cùng người vợ 33 tuổi. Bị tai nạn liệt nửa người, khuyết tật liệt 2 chi hơn 10 năm nay; đến năm 2012, bệnh nhân đã được lấy tinh trùng ở túi tinh thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và đã sinh được bé trai nặng 3,2 kg. Hoặc trường hợp anh Vũ Thế Nghiệp (bị ung thư tinh hoàn) cùng vợ là chị Lê Thị Thảo đã có con sau khi đến BV đông lạnh tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm, đến nay con gái anh đã 2 tuổi. Chị Đinh Thị Bích Thủy đã có 1 bé trai, 1 bé gái nhờ thụ tinh ống nghiệm thành công sau tròn 20 năm chạy chữa trong vô vọng…
Nhân dịp kỷ niệm 4 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản, BV cũng đã tổ chức chương trình hỗ trợ bệnh nhân đến thăm khám các gói điều trị thụ tinh ống nghiệm miễn phí với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Ngọc Anh