01/06/2019
Hạnh phúc khi con chào đời sau 5 năm tìm kiếm nhưng chị Hà, anh Năm phải trào nước mắt khi hay tin con không có hậu môn. Có những ngày chị mệt nhoài vì phải quay cuồng vệ sinh cho con 20-30 lần/ ngày.
Lê Trương An Phúc là cái tên được vợ chồng chị Trương Thị Hà (SN 1978) và anh Lê Văn Năm (SN 1984, Thanh Hóa) đặt cho con trai sau 5 năm nhọc nhằn tìm kiếm với mong muốn con luôn bình an và hạnh phúc.
Hai năm nay kể từ khi An Phúc chào đời, cuộc sống vợ chồng chị Hà thay đổi hoàn toàn. Dẫu vất vả khi chăm con không có hậu môn, khi đôi tay mình không thể nắm chắc để bế con và đôi chân không thể đứng vững để dắt con những bước đi đầu tiên nhưng mọi khó khăn ấy vợ chồng chị đã vượt qua hết.
Tổ ấm nhỏ của chị Hà anh Năm tràn ngập tiếng cười khi con trai chào đời.
Chị Hà và anh Năm – hai con người cùng cảnh bị khuyết tật, không có khả năng đi lại từ nhỏ bởi những tai nạn, sự cố đáng tiếc xảy ra. Quen nhau trong một buổi học máy vi tính, 2 con người ấy đã bén duyên và yêu nhau. Sau 3 năm với bao sóng gió, thăng trầm và những thương nhớ yêu xa người trong Nam, kẻ ngoài Bắc, hai anh chị đã quyết định về chung một nhà.
Nhiều năm chung sống, nhìn thấy các gia đình khác có con, anh Nam và chị Hà cũng thèm khát được tận hưởng hạnh phúc làm cha mẹ. Khi quyết định có con, vợ chồng anh vấp phải sự phản đối của cả gia đình bởi việc có một đứa con đối với một cặp vợ chồng cùng bị liệt được cho là điều không thể. Tuy nhiên vì anh Năm không có tinh trùng, tinh trùng chết và nằm bất động, bị dị dạng còn chị Hà bị liệt ngồi một chỗ nên việc có con gặp vô vàn khó khăn.
Không thể có con bằng cách tự nhiên, hai vợ chồng đã tới Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để xin làm thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, là người đã tiếp nhận ca bệnh đặc biệt này: “Tôi đã khuyên chị Hà không nên mang thai vì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cương quyết mong muốn được làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tôi đã bị lay động trước quyết tâm đó nên đã đồng ý giúp”, thạc sĩ Hiền chia sẻ.
Lần đầu tiên chuyển phôi tươi của vợ chồng chị Hà bị thất bại. Trong lần thứ hai, may mắn đã mỉm cười với đôi vợ chồng này. “Khi bác sĩ thông báo vợ chồng tôi được 10 phôi thành công. Lúc đó tôi mừng phát khóc mà phải cố kìm nén giọt nước mắt, để không ảnh hưởng đến tâm lý. Sau 15 ngày đặt phôi, khi kiểm tra có thai, vợ chồng tôi đã ôm nhau khóc nức nở”, anh Nam nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc.
Sau 8 tháng mang thai nơm nớp lo sợ, ngày 1/5/2017, bé An Phúc chào đời, nặng 2,7 kg trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cả gia đình chị, nhất là chị – người mẹ khuyết tật đã phải đánh cược tính mạng của mình, làm lay động các bác sĩ để giúp đỡ mình được làm mẹ. Thế nhưng khi biết con không có hậu môn, niềm hạnh phúc ấy nhanh chóng xen lẫn bao nỗi lo lắng.
Có được con là điều hạnh phúc đối với anh Năm và chị Hà, nhưng quả thật với một cặp vợ chồng đều bị khuyết tật thì chăm con không phải là điều đơn giản, hơn nữa con chị không có hậu môn phải làm hậu môn nhân tạo bên hông.
Kể từ khi con chào đời, chị Hà chẳng thế bế được con, chẳng thể cho con bú được. Chị cũng không có sữa nên phải nuôi bộ con hoàn toàn. Vợ chồng chị vừa phải thuê rồi vừa phải nhờ người chăm sóc con hộ.
Chị Hà cho biết, đã có lúc chị mệt mỏi nhưng nghĩ đến bố mẹ nuôi mình khôn lớn đến giờ chị lại có động lực cố gắng hơn. Vì tay yếu, sợ làm ngã con nên chị Hà chẳng dám bế con khi con thức. Mỗi lần nhớ con, muốn bế chị lại kê 2 chiếc gối đặt con lên hoặc tranh thủ bế trộm những lúc con ngủ.
Con không có hậu môn, thời gian đầu một ngày chị phải vệ sinh cho con 20-30 lần. Mỗi lần thấy con khóc chị chỉ biết chảy nước mắt vì thương, sốt ruột và vì bất lực mà không thể làm được những điều nhỏ nhất cho con.
“Con có hậu môn nhân tạo nhưng lại đi vệ sinh bên cạnh hông, mỗi lần như vậy phân nhoét trào ra cả bụng rất khó và vất vả. Ngày mình phải vệ sinh cho con 20-30 lần, có lần còn ra hết giường, chăn, gối, chiếu rồi cả đầu, người bố mẹ, mệt mỏi lắm. Mình muốn con sạch nên một ngày cứ quay cuồng vệ sinh cho con thôi.
Sau này, 2 vợ chồng phải mua bông cân về quấn như cái bát úp vào cạnh hông con, mỗi lần vệ sinh ra thấy ướt là nhanh chóng lau nên cũng đỡ hơn trước”, chị Hà cho hay.
Tay yếu nên chị không dám bế con nhiều vì sợ làm rơi con.
Con được 3 tháng, vợ chồng chị cho con lên Bệnh viện Nhi Trung Ương làm phẫu thuật tạo hậu môn. Kể từ đây chị Hà anh Năm lại tiếp tục hành trình gian nan đồng hành cùng con suốt 4 tháng trời ở viện với 3 cuộc phẫu thuật để làm hậu môn.
Nhớ lại những tháng ngày đó, chị tự thấy khâm phục vợ chồng mình bởi bao khó nhọc thuở ấy, những ngày tháng cơm hàng cháo chợ chẳng kiêng khem được sau sinh, rồi vật vạ ôm con đi tìm phòng trọ cũng đều vượt qua hết.
“Ở Hà Nội, tìm nhà trọ đã khó rồi, vợ chồng mình còn phải tìm nhà trọ có đường đi rộng để xe lăn đi được. Vất vả vô cùng trong khi đó, hai vợ chồng đi đến đâu là nửa tháng lại bị đuổi đến đó bởi con khóc đêm nhiều ảnh hưởng mọi người xung quanh, khiến họ không ngủ được.
Con ở viện 4 tháng trời chỉ có 2 vợ chồng chăm, nhiều khi không có tiền mình cứ xếp hàng đi lấy đồ từ thiện, việc gì mình cũng làm”, chị Hà đôi mắt đỏ hoe nhớ lại.
Sau 3 ca phẫu thuật, tình trạng vệ sinh không kiểm soát được của con chị đã hạn chế, từ đi vệ sinh 20-30 lần/ngày xuống còn 10 lần/ ngày, rồi 5-6 lần/ngày và bây giờ là 3-4 lần/ngày vì hậu môn mới của bé chưa co thắt được. Dù vậy nhưng hiện nay tiền bỉm của bé khá tốn kém, một tuần đã hết bịch bỉm 60 miếng và một tháng vợ chồng chị phải chi hết hơn 1 triệu tiền bỉm.
Mỗi lần con ngã chị chỉ biết lăn xe đến bên và an ủi con hãy tự mình đứng dậy.
Dù bây giờ vẫn gặp khó khăn khi con đi vệ sinh nhiều nhưng chị Hà cũng yên tâm phần nào mỗi lần nhìn thấy từng bước phát triển của con như những đứa bé bình thường. Nhìn từng bước con lẫy, con bò, con lẫm chẫm biết đi chị hạnh phúc lắm. Đặc biệt, ngày nghe con gọi 2 từ “bố, mẹ”, vợ chồng xúc động rưng rưng nước mắt.
“Con tập đi mỗi lần bị ngã, vợ chồng mình chẳng thể đỡ con được như bao người bố người mẹ khác. Mình chỉ biết nhẹ nhàng lăn xe đến cạnh con dỗ dành con nín rồi vịn xe mẹ đứng lên. Mình thường nói với con mỗi lần bị ngã rằng “Con đứng lên đi, bố mẹ không giúp gì được con đâu”, chị Hà chia sẻ.
Hiện nay, bé An Phúc đã được 2 tuổi biết đi và biết nói một số từ. Vợ chồng chị Hà cũng không còn vất vả như xưa nữa. Bé có thể giúp đỡ chị lấy đồ khi chị nhờ. Cứ buổi chiều đến, bé lại ngồi lọt thỏm trong lòng bố cùng bố trên chiếc xe lăn đi chơi khắp mọi nơi.
Chị Hà bảo, khoảnh khắc hạnh phúc nhất của gia đình chị là vào buổi tối khi hai vợ chồng kết thúc một ngày vất vả lên giường chơi đùa cùng con. Đó cũng là lúc mà bé An Phúc thích nhất bởi bé được nhìn thấy bố mẹ hoàn hảo nhất, được ngồi, nhảy trên người bố mẹ.
Có bố mẹ khuyết tật, chị Hà hiểu những thiệt thòi của con khi không được bố mẹ đưa đi chơi nên 1/6 này chị sẽ bù đắp cho con bằng những món quà mà con yêu thích. Dẫu không có nhiều tiền, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào trợ cấp và sự giúp đỡ của gia đình khoảng 2 triệu/tháng nhưng chị sẽ cố gắng mua cho con chiếc xe ô tô đồ chơi mà con yêu thích. Hơn hết, vợ chồng chị sẽ làm tất cả, dành những điều tốt đẹp nhất cho con, để đôi chân con sẽ thay đôi chân bố mẹ đi khắp muôn nơi.
Theo Hồng Nhung (Eva.vn)
——————
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Andrology And Fertility Hospital Of Hanoi
——————–
?1900 56 56 01
?431 Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội.
✏https://afhanoi.com
?️ “Kết nối yêu thương, Ươm mầm hạnh phúc!”
——————–
⏳Thứ 2 – Thứ 7
?Sáng: 7h30 – 12h, Chiều: 13h30 – 17h
⏳Chủ nhật
?Sáng: 7h30 – 12h, Chiều: (Nghỉ làm việc)