Chia sẻ hy vọng – Trọn vẹn ước mơ

06/08/2019

Một trong những mong ước lớn nhất của các cặp vợ chồng sau cưới là đón đứa con trào đời. Mong ước này đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn lại càng mãnh liệt hơn rất nhiều. Và khi mong ước đó trở thành hiện thực, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vui khôn xiết và vẫn ngỡ đó là giấc mơ tuyệt vời.

Nhân kỷ niệm 7 năm thành lập, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Tuần Lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2019”, chủ đề “Sẻ chia hy vọng – Trọn vẹn ước mơ”. Chương trình là hoạt động thường niên của bệnh viện nhằm cập nhật những thành tựu mới nhất trong điều trị vô sinh, hiếm muộn từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản.

Đặc biệt, tại hội thảo còn có sự góp mặt của hàng trăm cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn thành công. Trong đó, có những trường hợp hết sức đặc biệt mà chính câu chuyện của họ đã gây không ít xúc động cho những người có mặt tại buổi lễ cũng như truyền cảm hứng cho nhiều cặp vợ chồng khác đang mong có đứa con trào đời.

Gia đình chị Hoàng Thị Hạnh (sinh năm 1977) và anh Trần Xuân Chính (sinh năm 1974) ở Yên Bái, cùng con gái duy nhất sau 23 năm lấy nhau. Ảnh: Hiền Minh

Những giấc mơ thành hiện thực

Gia đình chị Hoàng Thị Hạnh (sinh năm 1977) và anh Trần Xuân Chính (sinh năm 1974) ở Yên Bái, vui vẻ và hạnh phúc khi bế trên tay đứa con gái mới 11 tháng tuổi. Đây là đứa con duy nhất của vợ chồng chị Hạnh sau 23 năm lấy nhau. Trước đó, năm 1995, anh chị có sinh một cháu nhưng khi được 1,5 tháng thì cháu mất, không rõ lý do. Từ đó đến năm 2017, anh chị luôn luôn hy vọng và mơ ước có đứa con. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn, anh chị chỉ có đủ chi phí để thăm khám ở một số bệnh viện phía Bắc và tìm nguyên nhân hiếm muộn. Nguyên nhân được các bác sĩ chỉ ra là do chị Hạnh bị tắc ống dẫn trứng và chị đã được mổ nội soi. Song, hai vợ chồng chị vẫn thấy có “tin vui”.

Năm 2017, sau nhiều lần suy nghĩ, anh chị đã đi vay người thân hơn 200 triệu đồng để “tìm kiếm” đứa con tại bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Rất may, lần thứ 2 chị làm thụ tinh trong ống nghiệm đã thành công và một bé gái đã ra đời khỏe mạnh.

“Đến bây giờ, cả hai vợ chồng vẫn cứ ngỡ là mơ và giấc mơ kỳ diệu đã trở thành hiện thực với gia đình”, chị Hạnh xúc động chia sẻ.

Một trường hợp khác là gia đình anh Trần Hoàng Điệp và chị Phạm Thị Dịu (cùng 32 tuổi, ở Hưng Yên). Anh chị hiếm muộn con sau 5 năm lấy nhau. Và điều kỳ diệu đã đến với gia đình bé nhỏ, đúng ngày 10/3 vừa rồi, chị Dịu đã sinh 3 bé khỏe mạnh, trong đó có 2 bé gái đều 2,3 kg và 1 bé trai 2,2 kg.

“Bác sĩ nói, gia đình mình rất may mắn khi lần đầu tiên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đã thành công ngoài mong đợi. Trước đó, dù bác sĩ đã can thiệp để giữ được 2 phôi khỏe mạnh nhất, tuy nhiên lại có tới 3 phôi khỏe mạnh. Mình nghĩ đó là duyên có con, nên gia đình đã quyết tâm để lại và sinh 3 cháu. Đặc biệt, bé trai út khi sinh ra vẫn còn nằm trong bọc điều – một trường hợp hy hữu trong số 80.000 ca sinh con”, anh Trần Hoàng Điệp chia sẻ.

Theo BS. Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện, tính đến thời điểm hiện tại, hai trường hợp trên chỉ là số ít trong số hàng nghìn ca mà các bác sĩ đã giúp các gia đình hiếm muộn có được hạnh phúc trọn vẹn khi trào đón đứa con của mình.

BS.CK.II Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, tiếp nhận hàng chục nghìn ca đến khám và điều trị trong nhiều năm qua, đồng nghĩa với việc chúng tôi chứng kiến, lắng nghe hàng chục nghìn câu chuyện, nỗi niềm khác nhau từ người hiếm muộn. Riêng với những người phải nhờ đến kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm để có con thì câu chuyện của họ có phần đặc biệt và nhiều nỗi niềm hơn. Hiện nay, dù tỷ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện là khá cao, từ 50-60% nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc có những trường hợp mà y học không thể can thiệp. Đó cũng là điều mà những người gắn bó với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản như chúng tôi trăn trở và tự dặn mình phải luôn nỗ lực. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhắn nhủ với các bệnh nhân rằng, chỉ cần bệnh nhân tin tưởng và không bỏ cuộc, các bác sĩ sẽ nỗ lực hết mình vì những ước mơ chính đáng và thiêng liêng.

Gia đình anh Trần Hoàng Điệp và chị Phạm Thị Dịu (cùng 32 tuổi, ở Hưng Yên) vui mừng “khoe” 3 thiên thần bé nhỏ tại Hội thảo. Ảnh: Hiền Minh

Tiến bộ mới trong điều trị vô sinh nam

Cũng tại hội thảo, Ths.Bs Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại – Tiết niệu và Nam học, cho biết, theo thống kê, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân. Như vậy, tỷ lệ vô sinh ở cả nam và nữ là ngang nhau. Tuy nhiên, trước đây, vì nhiều lý do, quan niệm cho rằng vô sinh thường xuất phát từ nữ giới. Ngày nay, sự tiến bộ của y học cùng sự xuất hiện của các kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh nam, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới được tìm ra và có thể chữa trị được. Ứng với mỗi nguyên nhân đều có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.

Đối với trường hợp vô sinh ở nhóm có tinh trùng thì việc điều trị hướng đến mục đích làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng bằng cách dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc phẫu thuật ngoại khoa.

Riêng nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng) thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam. Đây có thể hiểu là tình trạng nam giới xuất tinh nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch.

Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn. Nguyên nhân thứ hai do tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng, tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc, thường sẽ khó khăn hơn. Hướng điều trị cho người không có tinh trùng nguyên nhân do tắc là mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Còn trong trường hợp không có tinh trùng do tinh hoàn sản xuất kém có thể mổ vi phẫu để tòm từng con tinh trùng và tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi rồi chuyển vào tử cung người phụ nữ.

Kỹ thuật mổ vi phẫu khá mới tại Việt Nam hiện nay là Micro Tese, tức vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn. Kỹ thuật này đã được áp dụng thành công thời gian qua tại bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Kết quả cho thấy, tìm thấy tinh trùng rất cao, ít tổn thương mô tinh hoàn, ít biến chứng. Đây là kỹ thuật dùng để điều trị nhóm không có tinh trùng, kể cả khi tinh hoàn bị teo hay tổn thương nặng do biến chứng của quai bị. Đây cũng được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng cho những bệnh nhân vô tinh hiện nay.

“Đã có 200 trường hợp được áp dụng kỹ thuật này thành công tại bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội trong hơn 2 năm vừa qua. Đặc biệt, đã có 40 cháu bé ra đời khỏe mạnh từ kỹ thuật này. Còn lại là các trường hợp đang mang thai, đang ở giai đoạn phôi”, Ths.Bs Đinh Hữu Việt cho biết.

Cũng theo Ths.BS.Lê Thị Thu Hiền, các bác sĩ luôn muốn nhắn nhủ tới các cặp vợ chồng rằng, trong hành trình điều trị hiếm muộn, tâm lý, tư tưởng của người bệnh mới là yếu tố quan trọng, quyết định nhiều đến khả năng thành công. Đặc biệt, nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiến bộ ngày nay có thể hiện thực hoá giấc mơ tìm kiếm đứa con thân yêu của các cặp vợ chồng.

Nguồn báo : http://thanglong.chinhphu.vn/chia-se-hy-vong-tron-ven-uoc-mo


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐẶT LỊCH KHÁM