20/04/2025
Trong không khí của những ngày kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, đoàn công tác của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã trở về Quảng Trị- vùng “đất lửa”- nơi chứng kiến khát vọng sống, khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc Việt Nam để tri ân các cựu chiến binh, các gia đình chính sách với mong muốn lan toả yêu thương, gìn giữ và tôn vinh giá trị của hoà bình.
Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết đã chia đất nước thành hai miền Nam-Bắc, lấy cầu Hiền Lương nằm trên vĩ tuyến 17 thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm giới tuyến quân sự tạm thời. Suốt 20 năm, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt đất nước và cũng là khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc. Nỗi đau và khát vọng đã trở thành sức mạnh quật cường để rồi quân và dân Quảng Trị góp phần làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc, cùng đất nước đi tới ngày thống nhất.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ.
Nhưng để có hoà bình, thống nhất, cũng như nhiều địa phương trên đất nước này, máu xương của biết bao thế hệ người Việt đã phải đánh đổi. Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia (Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn). Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn với hơn 10.000 phần mộ chí. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972), cũng gần ngần ấy người con đất Việt đã ngã xuống. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam – được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có. Thành cổ, sông Thạch Hãn đã trở thành những “nghĩa trang không bia mộ”. Xương máu các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước…cho hôm nay bầu trời Quảng Trị bình yên trong mỗi sớm mai.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao những món quà tri ân cho các cựu chiến binh, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao những món quà tri ân cho các cựu chiến binh, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh chia sẻ và tri ân những công ơn của các cựu chiến binh, các gia đình chính sách trên địa bàn huyện Hướng Hoá, Quảng Trị.
Hiệp Sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị trao quà tri ân cho các cựu chiến binh, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị.
Chia sẻ và trao những món quà tri ân cho các cựu chiến binh, các gia đình chính sách trên địa bàn hai huyện Đăkrông, Hướng Hóa, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh mà còn là giá trị sống cao quý nhất của con người. Cho nên hòa bình còn là sự bình an, đồng hành, cộng tác và yêu thương giữa các quốc gia, giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo và giữa con người với con người. Với những người hậu sinh như chúng ta phải có trách nhiệm lan tỏa yêu thương, gìn giữ và tôn vinh giá trị của hòa bình để dựng xây tương lai.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh thăm hỏi, chia sẻ với những người lính từng vào sinh ra tử.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cùng các cựu chiến binh huyện Hướng Hoá cùng hát vang bài “Cô gái Pa Kô”.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh mà còn là giá trị sống cao quý nhất của con người. Cho nên hòa bình còn là sự bình an, đồng hành, cộng tác và yêu thương giữa các quốc gia, giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo và giữa con người với con người. Với những người được hưởng nền hoà bình độc lập như chúng ta phải có trách nhiệm lan tỏa yêu thương, gìn giữ và tôn vinh giá trị của hòa bình để dựng xây tương lai.
Người Công giáo có câu “Phúc cho ai xây dựng hòa bình”. Tâm tình đó được Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh gắn vào mình như một hành trang, và là động lực để vượt qua những trở ngại. Vì ước muốn dựng xây hòa bình nên ông luôn lấy ích lợi của dân tộc và của Giáo hội làm đầu. 40 năm qua là một hành trình thầm lặng và bền bỉ của ông Lê Đức Thịnh trong giúp đỡ chính quyền và Giáo hội gỡ bỏ những rào cản cách biệt, giảm đi những hiểu lầm, tích cực xây dựng kênh đối thoại trong thông cảm và tôn trọng. 40 năm cũng là hành trình tìm đến sẻ chia với nhiều thân phận nghèo khổ. Không chỉ giúp đỡ người nghèo, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh còn khơi dậy nhân đức bác ái trong mỗi người để cùng chung tay vào công tác an sinh xã hội. Ông luôn tâm niệm rằng, mình làm tốt, người khác nhìn vào cùng tham gia thì thi đua yêu nước mới lan tỏa. Trong khó khăn mà phát huy được tình đoàn kết thì dù khó mấy cũng sẽ tìm thấy hạnh phúc. Chính vì những nỗ lực không ngừng nghỉ cho đất nước và Giáo hội, ông Lê Đức Thịnh là người châu Á đầu tiên được Toà thánh Vatican ban tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá từ năm 2007.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, tại tỉnh Quảng Trị, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã trao tặng 400 suất quà cho các cựu chiến binh, gia đình chính sách trên địa bàn hai huyện Đăk Rông và Hướng Hoá, mỗi phần quà trị giá 1,5 triệu đồng. Đoàn cũng tới thăm, tri ân và chia sẻ với ông Trần Văn Khai, 91 tuổi, thương binh hạng 3, ở khối 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá; thăm Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị và ủng hộ 200 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo tỉnh Quảng Trị. Cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã tới thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị; gửi tặng nhiều Tủ thuốc biên cương cho bộ đội biên phòng TP.Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Nghệ An. Những hoạt động trên nằm trong chuỗi các hoạt động “uống nước nhớ nguồn” được triển khai tại một số tỉnh với sự phối hợp của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Việt Phú An, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Cty Cổ phần đầu tư Việt Phú An trao qùa tri ân cho các cựu chiến binh và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Đăkrông.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trao quà tri ân cho các cựu chiến binh và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Hướng Hoá.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trao qùa tri ân cho các cựu chiến binh và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Hướng Hoá.
Cầm trên tay món quà tri ân của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác, bệnh binh Nguyễn Hữu Chỉnh, ở thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa xúc động nhớ tới những đồng đội không bao giờ trở về. “Món quà của Hiệp sĩ – một người con ưu tú của đồng bào Công giáo không chỉ dành riêng cho tôi mà còn kính dâng cho những đồng đội đã ngã xuống của tôi nữa. Chúng tôi vô cùng cảm động và trân quý sự quan tâm của chính quyền, Mặt trận và những người như Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh luôn dành ân tình này cho các cựu chiến binh, các gia đình chính sách. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục phát huy tinh thần của người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, bảo ban con cháu góp sức dựng xây quê hương”, ông Nguyễn Hữu Chỉnh chia sẻ.
Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị.
Trân trọng những nghĩa cử của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác, ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Tỉnh Quảng Trị cho rằng, hành trình của Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh đang đi là hành trình của một người Công giáo tiêu biểu trong hòa hợp dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, hướng mọi người đến giá trị chân, thiện, mỹ, giá trị của hòa bình và những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Theo ông Đào Mạnh Hùng, Quảng Trị là mảnh đất chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và sau chiến tranh. Quảng Trị hiện có 120.000 gia đình chính sách, hơn 11.500 hộ nghèo, cận nghèo. Trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng cả hệ thống chính trị Quảng Trị đã dành tất cả tình cảm cũng như nguồn lực đầu tư của địa phương và nguồn lực của xã hội để chăm sóc cho hộ nghèo và các gia đình chính sách.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác thăm hỏi, tri ân gia đình ông Trần Văn Khai, 91 tuổi, thương binh hạng 3, ở khối 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Quảng Trị đã thăm hỏi, chăm sóc toàn bộ gia đình chính sách và các hộ gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Cùng với nguồn ngân sách của Trung ương và của địa phương chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng và sửa chữa nhà cho gia đình chính sách trước thời điểm 30/6 năm nay. Cùng với đó, thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, chúng tôi cũng đang nỗ lực vận động, hỗ trợ 5.825 hộ đang khó khăn về nhà ở hoàn thành trước 30/6 năm nay”, ông Đào Mạnh Hùng chia sẻ và cho biết, trong những ngày này, rất nhiều hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đã được sống trong ngôi nhà mới.
Đoàn công tác của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao 200 triệu đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tỉnh Quảng Trị.
Đoàn công tác của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh thăm Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, cùng dự có ông Nguyễn Hữu Dũng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã tới thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị.
Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị trao thư cảm ơn tới Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác.
Là người con của quê hương Quảng Trị, với ông Đào Mạnh Hùng, cái giá của hòa bình là sự hy sinh xương máu của lớp lớp cha ông. Điều đó rất thiêng liêng và không bao giờ được quên lãng. Cho nên trách nhiệm của những người con trên quê hương Quảng Trị là làm sao để hòa bình, độc lập dân tộc ngày càng trường tồn, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Chúng tôi nhớ mãi buổi hôm đó, giữa lồng lộng nắng gió ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã bắt nhịp cùng các cựu chiến binh ca vang bài hát “Cô gái Pa Kô”: “Ơ vì đất nước quê hương em bước lên đường/ Chan chứa tình rừng xanh yêu thương/ Gửi theo anh bộ đội giải phóng/ Tình em mong lòng em chờ/ Ngày chiến thắng nhớ về thăm bản em/ Rừng hương cây sắc hoa thơm ngọt ngào/ Đẹp tựa ngàn cánh sao lung linh để rừng thương núi nhớ/ Ngày chiến thắng anh về cùng bản làng em hát/ Người con gái Pa Kô”.
Bài hát của nhạc sĩ Huy Thục sáng tác để nói về tình yêu đất nước, khát vọng hoà bình của đồng bào Pa Kô trong cuộc kháng chiến chính nghĩa vĩ đại của dân tộc nay lại được cất lên bằng khát vọng của tinh thần đoàn kết, đồng hành, cộng tác và yêu thương để gìn giữ và tôn vinh những giá trị hòa bình – giá trị cao quý để Quảng Trị trở thành điểm đến của hòa bình.
Nguồn: Đại Đoàn Kết