Hạnh phúc không đến muộn của những bà mẹ hiếm muộn

28/05/2020

Sau nỗi đau hỏng thai lần đầu, lần thứ hai biết mình mang thai vào năm thứ chín của hôn nhân, Triệu Thị Liên nén chặt niềm hạnh phúc vào tận sâu trái tim mình. Cuối cùng, em đã có được mầm sống đầu tiên hiện hữu trong cơ thể sau chín năm đằng đẵng chờ đợi bằng phép màu của thụ tinh trong ống nghiệm.

7b454fbe8201785f2110

Sản phụ Triệu Thị Liên chờ đợi từng ngày chào đón hai cô con gái đầu lòng chào đời.

Mầm sống kỳ diệu sau chín năm đi tìm hạnh phúc làm mẹ

Bốn năm sau ngày cưới (2014), cô gái dân tộc Dao đỏ lần đầu tiên cảm nhận được niềm hạnh phúc khi có thai sau một hành trình dài chạy chữa. Thế nhưng, niềm vui đến quá ngắn vì thai nằm ngoài tử cung. Tình duyên mẹ con của Triệu Thị Liên (Yên Bái) bị đứt đoạn. Và sự đứt đoạn đó, tưởng chừng cứ kéo dài mãi, bởi số tiền lên tới trăm triệu đồng cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm là một số tiền khổng lồ với vợ chồng người nông dân sống dựa vào trồng trọt ở nương rẫy.

Thời gian đó, không một bài thuốc nam, bắc nào mà vợ chồng Liên không tìm về uống. Năm 2016, lần đầu tiên vợ chồng Liên mạnh dạn xuống Hà Nội, tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để mong cơ hội có con. Lúc này, Liên mới biết bản thân mình là nguyên nhân chính không thể có con được.

“Chồng em khỏe mạnh, em bị mắc bệnh tắc vòi trứng. Đến năm thứ bảy hôn nhân, em thương chồng không muốn cố nữa. Thế nhưng, chồng em bảo, mình đã đi được với nhau bảy năm rồi, tại sao không cố tiếp”, Liên ngậm ngùi nói. Lúc đó, họ đã cùng nhau vượt qua được nỗi buồn chưa có con cái bằng một niềm an ủi, nhận một bé gái còn đỏ hỏn về làm con nuôi.

Sụt 15 kg, phải thở ô-xy lúc nghén, bị cường giáp nhưng quyết tâm giữ con.

Liên và chồng – Triệu Văn Sơn đã lên kế hoạch 10 năm tiếp theo, mỗi năm cố gắng dành dụm được 10 triệu đồng để có đủ số tiền cho một lần làm thụ tinh trong ống nghiệm. Thế nhưng số phận đã mỉm cười với Sơn – Liên khi năm 2019, em cùng chín cặp vợ chồng khác được nhận suất hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí bởi Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Sau khi hồ sơ được thông qua, Liên quết định thực hiện ngay quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Chuyển phôi chỉ mới sáu ngày, hai vợ chồng đã hồi hộp thử thai thấy hai vạch. “Lần thứ hai nhìn thấy mình có hai vạch, thật sự là hạnh phúc quá lớn với vợ chồng em”, Liên kể.

Nếu như Liên thuận lợi mới một lần chuyển phôi đã thành công chuyển phôi thì hành trình mang thai của Liên lại không hề đơn giản. 17 ngày sau chuyển phôi, Liên đã nghén nặng, nôn ra máu, không uống được cả một giọt nước. Có thời điểm, Liên phải thở ô-xy. Gia đình đã bàn bạc nên bỏ đi một bé nhưng Liên từ chối.

Nhiều ngày phải nằm viện liên tiếp để truyền dịch, tiêm thuốc giảm nghén, nhưng cơn nghén hành hạ khiến Liên mắc thêm một căn bệnh khác – cường giáp do thai nghén, phải sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Liên sụt 15 cân trong suốt quá trình mang thai, phải thở ô-xy nhưng vẫn kiên trì đến cùng “Em không thể bỏ con nào được. Em chỉ nghĩ, nếu có duyên thì cả hai con sẽ ở lại với mình”, Liên khoe.

Ở tuần thai 36, Liên đang chuẩn bị các thủ tục trở về quê Yên Bái để sinh hạ hai cô công chúa. Liên khoe, hai bé đã nặng hơn 2,2 kg và dù mẹ nghén sụt ký nhưng con phát triển vẫn rất khỏe mạnh.

Cũng như Liên, sản phụ Phạm Thị Tơ (Nam Định) cũng là trường hợp được làm thụ tinh ống nghiệm miễn phí cũng đang ở tuần 36 thai kỳ. Tơ cũng bị tắc một bên vòi trứng nhưng gia đình cũng quá eo hẹp về kinh tế không có tiền để làm thụ tinh ống nghiệm. Ngày được bệnh viện thông báo là một trong 10 suất miễn phí, hai vợ chồng ôm nhau khóc. Chín năm sau hôn nhân, họ đã sắp được lên chức. Dù rằng Tơ mang thai cũng không thuận lợi, phải khâu cổ tử cung vì cổ tử cung ngắn để giữ thai nhưng em cũng không giấu được hạnh phúc đến bật khóc vì đã giữ thai được đến tuần 36 và sắp được chào đón con gái của mình chào đời.

Sản phụ Phạm Thị Tơ không giấu được hạnh phúc khi chuẩn bị đón con chào đời sau chín năm đi khắp nơi chạy chữa, điều trị.

Mở rộng cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

ThS, BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trong những lần hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, bệnh viện đã cân nhắc và xem xét nới lỏng nhiều tiêu chí cho các trường hợp đặc biệt. Thí dụ, tiêu chí để được miễn phí làm IVF là họ chưa từng làm thụ tinh ống nghiệm hoặc đã mới thất bại một lần, nhưng có bệnh nhân bị thất bại thụ tinh trong ống nghiệm rất nhiều lần, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên cũng được ưu tiên.

Với trường hợp sản phụ Triệu Thị Liên, BS Hiền cho biết, Liên không khó để can thiệp về y học, nhưng là trường hợp rất khó khăn về kinh tế, nếu không hỗ trợ, bạn ấy có thể không đủ chi phí trong suốt quá trình mang thai, bệnh viện phải cân nhắc vì phải hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho Liên trong suốt quá trình mang thai và điều trị tại bệnh viện.

Hiện nay, tỷ lệ làm IVF thành công tại bệnh viện đạt khoảng 70% chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% chuyển phôi tươi. Bệnh viện đã can thiệp được nhiều ca khó như bố mẹ mang gen bệnh lý như tan máu bẩm sinh, teo cơ tủy, người chồng tinh trùng yếu hoặc dị dạng, không có tinh trùng; Sản phụ tắc vòi trứng…

Ngoài kỹ thuật hiện đại là MicroTese (Kỹ thuật vi phẫu trích tinh trùng tinh hoàn), hiện nay, bệnh viện cũng đang đưa vào triển khai Timelapse – nuôi cấy phôi liên tục để lựa chọn phôi phát triển tốt nhất, tăng xác suất có thai ngay lần đầu tiên.

ThS, BS Lê Thị Thu Hiền chia sẻ về các kỹ thuật hiện đại hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Năm 2020, bệnh viện tiếp tục hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn với nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn như giành 5.000 suất khám miễn phí hỗ trợ cho cả các cặp khám cũ. Mỗi cặp khám mới và cũ trong tuần lễ vàng đều hỗ trợ 5 triệu đồng làm IVF. Ngoài việc duy trì hỗ trợ 10 cặp miễn phí làm IVF, bệnh viện còn tặng thêm 20 ca phẫu thuật nội soi trong trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần (chuyển phôi nhiều lần thất bại) và 20 cặp làm kỹ thuật Microtese.

“Hiện nay, vấn đề phát hiện sớm dị tật thai nhi tại Việt Nam đang được quan tâm và chúng tôi cũng đang triển khai mạnh hơn các kỹ thuật chẩn đoán thai trước sinh. Nhiều ca bệnh thất bại do dính buồng tử cung, tử cung có vách ngăn… cũng được các bác sĩ bệnh viện tiến hành phẫu thuật để tăng cơ hội có thai. Việc phẫu thuật nội soi thăm dò để tìm nguyên nhân là một hướng để giúp các bệnh nhân chưa tìm ra nguyên nhân không thụ thai. Chúng tôi muốn mở rộng hơn các kỹ thuật bao quát để hỗ trợ cho cả vợ, chồng không may bị hiếm muộn”, BS Hiền nói.

Theo: Nhandan.com.vn


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN