Hạnh phúc vỡ òa của những gia đình hiếm muộn

28/05/2020

Sau nhiều năm “kiếm tìm” và chờ đợi, nhiều gia đình hiếm muộn đã vỡ òa trong hạnh phúc khi được thấy con của chính mình lớn dần trong bụng mẹ và chờ đợi đến ngày con chào đời.

Sản phụ Triệu Thị Liên chờ đợi từng ngày chào đón hai cô con gái đầu lòng chào đời.

Gần 10 năm đi tìm hạnh phúc làm mẹ!

Kết hôn năm 2011, Triệu Thị Liên – một cô gái dân tộc Dao đỏ (ở Yên Bái) nghĩ, cuộc hôn nhân của mình sẽ vẹn toàn hơn sau khi hai vợ chồng trẻ được đón những đứa con thơ chào đời. Tuy nhiên, phải 4 năm sau ngày cưới, cô mới được cảm nhận niềm hạnh phúc lần đầu tiên khi có thai sau một hành trình dài chữa bệnh. Nhưng niềm vui ấy lại quá ngắn ngủi khi cô biết tin, thai nằm ngoài tử cung.

Sau một thời gian chạy chữa bệnh, niềm vui bị đứt quãng, điều kiện kinh tế của gia đình lại khó khăn khi cả hai vợ chồng đều sống dựa vào trồng trọ ở nương rẫy, thậm chí, cô gái trẻ ấy đã có lúc muốn buông xuôi, dừng lại cuộc hôn nhân này.

Năm 2016, hai vợ chồng Liên quyết định xuống Hà Nội lần đầu tiên để “kiếm tìm” đứa con của chính mình. Lúc này, Liên mới biết nguyên nhân không thể có con là do mình bị mắc bệnh tắc vòi trứng.

Đến năm thứ bảy của cuộc hôn nhân, Liên đã muốn dừng cuộc hôn nhân này nhưng chồng cô không mong muốn và hai vợ chồng đã cùng nhau vượt qua nỗi buồn bằng một niềm hạnh phúc khác, là đón nhận một bé gái còn đỏ hỏn làm con nuôi.

Sau niềm vui ấy, Liên và chồng đã lên kế hoạch 10 năm tiếp theo, mỗi năm cố gắng dành dụm 10 triệu đồng để có đủ số tiền cho một lần làm thụ tinh trong ống nghiệm (tư vấn của bác sĩ khi hai vợ chồng lần đầu tiên xuống Hà Nội).

Niềm vui nối tiếp niềm vui, năm 2019, hai vợ chồng Liên cùng 9 cặp vợ chồng khác đã được nhận sự hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí tại bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, dành những gia đình hiếm muộn, khó khăn về tài chính kinh tế.

Sau khi hồ sơ được thông qua, Liên quết định thực hiện ngay quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Chuyển phôi chỉ mới sáu ngày, hai vợ chồng đã hồi hộp thử thai thấy hai vạch. “Lần thứ hai nhìn thấy mình có hai vạch, thật sự là hạnh phúc quá lớn với vợ chồng mình”, Liên xúc động.

Trong quá trình mang thai sinh đôi, Liên bị nghén nặng, nôn ra máu, có thời điểm, phải thở ô-xy. Nhiều ngày phải nằm viện liên tiếp để truyền dịch, tiêm thuốc giảm nghén, nhưng cơn nghén hành hạ khiến Liên mắc thêm một căn bệnh khác – cường giáp do thai nghén và phải sang bệnh viện Bạch Mai điều trị. Liên sụt 15kg trong suốt quá trình mang thai, phải thở ô-xy nhưng cô vẫn kiên trì đến cùng “hạnh phúc đã đến với em, đến với gia đình em, em không thể bỏ một bé nào và thật may mắn, hiện tại hai bé gái sinh đôi đã sắp đến ngày chào đời. Hai bé đều có cân nặng hơn 2,2 kg rồi”, Triệu Thị Liên khoe trong niềm vui khôn siết.

Sản phụ Phạm Thị Tơ không giấu được hạnh phúc khi chuẩn bị đón con chào đời sau chín năm chạy chữa, điều trị.

Cũng như Liên, sản phụ Phạm Thị Tơ (Nam Định) cũng là trường hợp được làm thụ tinh ống nghiệm miễn phí cũng đang ở tuần 36 thai kỳ. Tơ cũng bị tắc một bên vòi trứng nhưng kinh tế gia đình cũng quá eo hẹp, chồng lại liên tục phải đi làm xa. Hai vợ chồng Tơ cũng đã tìm nhiều cách, sử dụng thuốc nam, thuốc bắc…nhưng đều không thành công.

Ngày được thông báo là một trong 10 ca được miễn phí hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. “Hai vợ chồng còn không tin vào cuộc điện thoại thông báo được miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm, mình đã gọi đi gọi lại số điện thoại đó để hỏi lại, cứ như là đang mơ vậy”, chị Tơ vui mừng kể lại.

Chín năm sau hôn nhân, hai vợ chồng Tơ cũng sắp được lên chức bố, mẹ. Dù rằng Tơ mang thai không thuận lợi, phải khâu cổ tử cung để giữ thai nhưng chị cũng không giấu được hạnh phúc đến bật khóc vì đã giữ thai được đến tuần 36 và sắp được chào đón con gái mình chào đời.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp mà Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã triển khai miễn phí cho những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

ThS. BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, những trường hợp hiếm muộn mà bệnh viện hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng họ hoàn toàn có thể có con vì các kỹ thuật ngày nay đã phát triển hơn rất nhiều.

Hiện nay, tỷ lệ làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công tại Bệnh viện đạt khoảng 70% chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% chuyển phôi tươi. Bệnh viện đã can thiệp được nhiều ca khó như bố mẹ mang gen bệnh lý như tan máu bẩm sinh, teo cơ tủy, người chồng tinh trùng yếu hoặc dị dạng, không có tinh trùng; sản phụ tắc vòi trứng…

Năm 2020, Bệnh viện tiếp tục hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn với nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn như 5000 suất khám, tư vấn miễn phí cho các cặp vợ chồng khám mới, đồng thời hỗ trợ voucher trị giá 5 triệu đồng khi làm IVF. Đối với các cặp vợ chồng đã từng thăm khám tại Bệnh viện, có nhu cầu đăng ký hồ sơ thực hiện IVF trong thời gian này cũng được hỗ trợ voucher trị giá 5tr. Ngoài việc duy trì hỗ trợ 10 cặp miễn phí làm IVF, Bệnh viện còn tặng thêm 20 ca phẫu thuật nội soi trong trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần (chuyển phôi nhiều lần thất bại) và 20 cặp làm kỹ thuật Microtese.

Hiện, Bệnh viện cũng đã thực hiện thường quy kỹ thuật hiện đại là MicroTese (kỹ thuật mổ vi phẫu tìm tinh trùng). Với kỹ thuật này, những người không có tinh trùng hoặc ít tinh trùng vẫn có cơ hội có con của chính mình. Hiện, bệnh viện cũng đang đưa vào triển khai kỹ thuật Timelapse – nuôi cấy phôi liên tục để lựa chọn phôi phát triển tốt nhất, tăng xác suất có thai ngay lần đầu tiên.

Theo Thanglong.chinhphu.vn


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN