KHO THÓC – GẠO CỦA MẸ HIẾM MUỘN SAU 8 NĂM MONG CON

06/10/2020

Gửi Thóc Gạo của bố mẹ!

Vậy là các con đã đến bên bố mẹ được 15 tháng rồi. Nhanh quá các con ạ! Cảm xúc mới ngày nào mẹ mang bầu với biết bao bỡ ngỡ, lo sợ nhưng cũng đầy hi vọng như mới ngày hôm qua thôi, bố và mẹ đã được nếm trái ngọt sau 8 năm xây dựng hạnh phúc.

Các con ơi! Chặng đường mà bố mẹ đã đi qua với bao thăng trầm, vất vả nhưng các con đã viết tiếp những năm tháng ngọt ngào sau đó. Giờ đây, mẹ viết đôi lời dành cho các con để sau này lớn lên, các con hiểu và trân quý cuộc đời hơn.

Bố mẹ lấy nhau ngay khi mẹ vừa ra trường, tuy còn trẻ nhưng mẹ cũng rất háo hức được làm mẹ bởi mẹ hiểu rằng, sau kết hôn việc quan trọng nhất của đời người phụ nữ là được làm mẹ. Phải hơn 1 năm sau, mẹ mới được cầm que thử 2 vạch đầu tiên, khỏi phải nói, lần đầu cầm que thử cảm xúc thật lâng lâng khó tả. Lần đầu tiên siêu âm ở tuần thai thứ 6 đã thấy tim thai, mẹ hạnh phúc lắm. Hạnh phúc chưa được bao lâu thi tới tuần thai thứ 9, mẹ bất ngờ bị ra huyết đen. Tức tốc tới bệnh viện, mẹ chết lặng trên bàn siêu âm khi bác sĩ thông báo thai chết lưu, mẹ lạnh toát người, run rẩy bước ra ngoài. Nhìn thấy bố bên ngoài phòng siêu âm hướng mắt về phía mẹ chờ đợi báo tin, mẹ oà khóc. Mẹ mếu máo nói về tình hình của đứa bé … bố nắm tay mẹ an ủi. Bố xiết chặt tay, mẹ biết bố cũng rất buồn ma ko dám nói. Mẹ nhớ như in ngày 8/9/2012, mẹ bị đình chỉ thai kì, niềm vui vì sắp được làm mẹ như còn nguyên vẹn mà bỗng chốc vụt tắt.

Sau lần thai lưu ấy, mẹ bắt đầu hành trình uống thuốc nam, thuốc bắc, ai mách đâu mẹ đi đấy, ai chỉ đâu mẹ cũng có mặt. Giống đời muộn con nên mọi người thương lại hay mách chỗ này chỗ kia, vậy là khắp nơi bố mẹ chở nhau đi… Ngày ấy, mẹ nhớ nhất là lúc mẹ mới đi dạy, lương khởi điểm còn thấp, bố thì làm linh tinh ở nhà cũng không có tiền nhiều mà cứ đi suốt như thế… Chao ôi! Khó khăn lại càng thêm khó khăn, vậy nhưng khát khao được làm mẹ chưa bao giờ mẹ bỏ cuộc. Uống thuốc nam, thuốc bắc mãi không có kết quả mẹ lại bắt đầu tìm đến các phòng khám tư. Cũng tại ngày ấy chưa có tiền và cũng là không tìm hiểu kĩ càng nên mẹ đến các phòng khám chưa uy tín, bác sĩ phần lớn là chưa có kinh nghiệm nên không đem lại kết quả gì, thế là kết quả thi chưa thấy mà nợ lại thêm nợ.

kho thoc gao

Bẵng đi khoảng 2 năm, khi bố mẹ có một khoản trong tay, điều đầu tiên mà bố mẹ nghĩ tới là kiếm tìm hạnh phúc gia đình trọn vẹn – đó là sinh con. Suốt thời gian đã qua không một đêm nào mẹ chợp mắt ngủ ngon vì luôn dằn vặt bản thân: tại sao người khác làm được mà mình thì không? Nỗi đau đớn vì tuột mất cơ hội lúc nào cũng hiện hữu trong đầu và một nỗi niềm canh cánh là làm cách nào để sinh được con.

Có lẽ nhân duyên đến với mẹ và cũng là may mắn của mẹ khi gặp được một bác đã từng làm IVF tại Bệnh viện Nam Học và Hiếm muộn. Biết bác ý sau nhiều năm hiếm muộn cũng nhiều năm thì có bầu, mẹ đã hỏi chuyển và biết bác thực hiện IVF tại viện. Mẹ hỏi và được bác tư vấn rất nhiệt tình, bác động viên mẹ rất nhiều. Lúc ấy mẹ như được tiếp thêm sức mạnh về tinh thần để quyết tâm vào cuộc hành trình tìm con.

Sau lần trò chuyện ấy, tới hè 2016, bố mẹ bắt đầu cuộc hành trình đầy vất vả và chông gai này. Quả nhiên, bố mẹ lựa chọn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn là không sai, mẹ đã từng tới thăm khám rất nhiều bệnh viện nhưng hình ảnh của nơi đây là điều mẹ chưa bao giờ nghĩ tới. Đúng chuẩn xanh- sạch- đẹp và rất là văn minh, các con à.

Giờ đây, khi nhớ lại khoảnh khắc ngày đầu tiên đến viện mẹ lại bồi hồi xúc động. Đã 4 năm trôi qua mà như mới ngày hôm qua, hôm kia thôi các con à! Ngày ấy viện còn rất nhỏ, các phòng còn chật nhưng rất sạch sẽ, các bác lao công dọn dẹp và lau chùi suốt, mẹ cảm giác như không phải vào viện mà như đang ở sảnh của một khu nghỉ dưỡng nào đó. Các bác sĩ, y tá, kể cả bác bảo vệ hay chú coi xe cũng rất hồ hởi nhiệt tình và thân thiện. Cảm giác đến viện rất thoải mái, gần gũi, không áp lực một chút nào. Sau khi thăm khám, mẹ chọn bác Hưởng để tư vấn bởi cũng nghe kể về bác Hưởng rất nhiều. Thật đúng như lời “đồn”, bác ấy siêu nhiệt tình và dễ gần, tư vấn ngắn gọn nhưng dễ hiểu và dễ “làm theo”. Ngay sau khi có kết quả, mặc dù bác khuyên làm IUI vì tuổi còn trẻ nhưng bố mẹ chọn phương pháp IVF luôn.

Mẹ được kê đơn thuốc kích trứng luôn sau đó, mẹ vẫn nhớ những mũi tiêm kích trứng vào thành bụng, nhớ cả những hôm kích trứng, bụng mẹ căng tròn và lâm nhẩm đau do hội trứng quá kích, mẹ nhớ cả ngày chọc trứng với biết bao lo lắng, sợ đau và hoang mang về chất lượng trứng thế nào. Nhưng tất cả chẳng là gì các con ạ, vì mẹ luôn nghĩ, đằng sau những đau đớn, vất vả ấy là cả một tương lai đẹp đang chờ mẹ phía trước. Hồi hộp nhất là hôm nghe kết quả báo phôi, mẹ được 15 phôi và toàn là phôi tốt hết, niềm vui không gì nói hết được.

Mẹ được chỉ định chuyển phôi tươi, khỏi phải nói mẹ háo hức thế nào! Mẹ cẩn thận trong ăn uống, tất cả các món ăn do các mẹ thành công rỉ tai mẹ đều thực hiện: cháo cá chép, bơ, đậu bắp, thịt bò… trong đi lại và sinh hoạt cũng cẩn trọng hơn. 2 ngày, 3 ngày sau chuyển phôi dần dần cũng qua, mẹ bắt đầu hồi hộp và lo lắng, suốt ngày mẹ căng mắt đọc tìm dấu hiệu sau chuyển phôi và lắng nghe cơ thể. Mẹ cũng thấy lẩm nhẩm đau bụng, thấy râm ran trong người. Mẹ tâm sự với các bạn cùng chọc trứng ngày hôm đó, người có dấu hiệu, người không… lại càng hoang mang hơn.

Thế rồi ngày 11sau chuyển phôi cũng tới, mẹ thử que và bất ngờ là 1 vạch, mẹ thử beta, kết quả cũng không khả quan. Mẹ lo lắng nhắn tin hỏi bác sĩ Hưởng và nhận được câu trả lời: “sạch kinh em lên siêu âm bơm nước tìm nguyên nhân nhé”. Bác ấy luôn thế các con ạ! Nói và tư vấn rất ít nhưng vẫn khiến bệnh nhân an tâm, mẹ cũng không ngoại lệ. Tất cả mọi lo lắng hay thắc mắc mẹ đều trao đổi với bác ấy, sau đó mẹ đều yên lòng hơn.

Sau khi bơm nước tìm nguyên nhân, mẹ phát hiện bị polyp và bác Hưởng chỉ định cho mẹ mổ luôn chu kì đó. Sau ca mổ khoảng 3 tháng, mẹ tiếp tục hành trình lên viện để chuẩn bị chuyển phôi trữ, mẹ quên sao được những chuyến xe từ 2h sáng. Mệt mỏi vì công việc giảng dạy cộng với áp lực chuyện con cái nên không ngày nào mẹ cảm thấy vui vẻ cả, thế nhưng mẹ vẫn cần mẫn đi thăm khám đúng lịch. Lần chuyển phôi này bác Hưởng khen rất tốt, mọi chỉ số về niêm mạc, nội tiết đều đạt yêu cầu và có quyền hi vọng, mẹ rất mừng.

Sau chuyển phôi mẹ ở lại Hà Nội, đi lại nhẹ nhàng, ăn uống cẩn thận. Tới ngày 11 sau chuyển phôi mẹ bắt đầu thử beta, thật ngạc nhiên, kết quả là 112U/L. Mẹ không tin vào mắt mình khi tra kết quả, vậy là mẹ đã có cơ hội thật rồi, mẹ nhắn tin cho bác Hưởng, bác chúc mừng và kê thêm thuốc. Sau đó mẹ vẫn sinh hoạt như bình thường. Thế nhưng tới ngày 21 sau chuyển phôi, tới lịch hẹn siêu âm, mẹ háo hức cùng bà ngoại tới bệnh viện. Tới lượt vào khám, tim mẹ bắt đầu chộn rộn. Vậy mà… bác sĩ nói không tìm thấy túi thai. Tai mẹ như ù đi, mẹ hỏi lại bác sĩ và vẫn nhận được câu trả lời đó, Bác sĩ nói “có thể em bị thai sinh hoá rồi, em làm lại xét nghiệm beta để đánh giá và kết quả như nào cũng yên tâm nhé, em còn nhiều phôi nên đừng áp lực quá”. Ra khỏi phòng siêu âm, tay chân mẹ lóng ngóng, run rẩy, mẹ nhìn thấy bà ngoại hướng mắt về phía mẹ chờ đợi báo tin, bất giác mẹ trào nước mắt, mẹ báo tin với bà trong nghẹn ngào, các bệnh nhân nhìn về phía mẹ ái ngại. Mẹ nhớ tới ngày đi siêu âm và biết tin bị thai lưu, sao giống nhau đến thế. Vậy là mẹ lại đánh mất cơ hội làm mẹ.

Hè năm 2017, mẹ lại tiếp tục hành trình đi kiếm tìm hạnh phúc. Mẹ nhớ như in những ngày hè tháng 6, trời nắng như đổ lửa, con đường dẫn vào bệnh viện dát nắng vàng tươi, nóng nực, mệt mỏi nhưng cứ đặt chân tới viện, mỉm cười chào bác bảo vệ, cô lao công hay vẫy tay chào mấy cô y tá là dường như tan biến hết. Ấy thế mà nhanh thật, đã 2 năm gắn bó với viện, mọi ngóc ngách, phòng làm việc như đã trở lên quen thuộc, các bác sĩ, y tá, nhân viên như đã thân quen rồi. Lần này mẹ vẫn được bác sĩ Hưởng ưu tiên theo dõi và chỉ định phác đồ điều trị. Thế rồi ngày chuyển phôi cũng đến, mẹ lại háo hức và cẩn thận như 2 lần trước, mọi lo toan công việc đều gạt sang một bên nhường chỗ cho việc chuyển phôi lần này.

Thất bại 2 lần làm sức ép về việc phải thành công bằng mọi giá làm cho mẹ càng thêm áp lực. Bởi vậy, dù đã chuyển phôi nhưng mẹ luôn cáu gắt, càng lo lắng mẹ càng nóng nảy, tâm lý không thoải mái nên mẹ ăn kém và mất ngủ triền miên. Mỗi tối mẹ nằm thao thức không sao ngủ nổi, mẹ trằn trọc đếm từng ngày để thử beta. Cái gì đến rồi cũng sẽ đến, mẹ cố gắng chờ đến 11 ngày, mẹ vào viện thử máu. 2 tiếng trôi qua trong lo lắng, hồi hộp và xen chút lo sợ nữa. Mẹ ngồi và nguyện cầu cho mọi chuyện được theo ý muốn. Nhưng không các con a! Ông trời lại thử thách mẹ thêm lần nữa, kết quả beta rất thấp, mẹ chết lặng khi nhìn vào tờ giấy ấy. Vậy là mẹ lại đánh mất cơ hội nữa rồi. Ấy vậy mà mẹ không khóc được. Mẹ không buồn ư? Mẹ có chứ! Mẹ thất vọng, mẹ tủi thân nhưng lúc ấy mẹ không biết đối diện với sự thật như thế nào? Mẹ nghĩ tới sự mong ngóng của ông bà 2 bên, mẹ nghĩ về bố và nghĩ về tương lai của mẹ và cũng có lẽ mẹ không khóc được bởi nước mắt đã cạn rồi. Mẹ trở về nhà ngay sau đó, lại những ngày cô đơn trống vắng trong căn nhà nhỏ. Mẹ khao khát được làm mẹ, mẹ khao khát có được một gia đình đúng nghĩa. Giấc mơ làm mẹ đi cả vào trong giấc ngủ, đó là một cuộc sống giản đơn, có một tổ ấm nhỏ, nơi có bố và các con, nơi dừng chân của những muộn phiền và là nơi tình yêu gia đình từ đó mà hoàn hảo và khi tỉnh dậy nước mắt mẹ lăn dài và mặn đắng. Mẹ khóc nấc lên trong đêm và nghĩ về kiếp đàn bà muộn con. Mẹ lại nhớ về câu nói của những người không đồng cảm với hoàn cảnh của mẹ: “cây xanh không trái, gái độc không con”, “ăn ở thế nào mà không đẻ được”, … người ta còn nói nhiều lắm bởi lúc này mẹ đã lấy chồng những 7 năm cơ mà.

Rồi cũng có nhiều đêm mẹ chép miệng hay là bỏ cuộc, hay xin con nuôi, hay nhờ người mang thai hộ. Nhưng tất cả mọi phương án chỉ là mơ hồ, là phi lý bởi muốn làm mẹ thì mọi giá phải do chính mình mang nặng đẻ đau và được nuôi bằng dòng máu của chính mình. Lấy lại tinh thần bằng những chuyến đi chơi cùng đồng nghiệp, bằng những buổi làm công quả ở một ngôi chùa gần nhà, bằng giấc mơ làm mẹ – cuộc hành trình lại tiếp tục bắt đầu.

Lần chuyển phôi thứ tư vào năm 2018, mẹ được bác Hưởng tư vấn nuôi ngày 5. Có chút do dự và lo sợ ra về tay trắng nhưng mẹ có niềm tin chắc chắn vào kinh nghiệm của bác sĩ, mẹ liều lĩnh làm theo. Lần này, mọi xét nghiệm và siêu âm mẹ xem xét rất kĩ, làm mọi cái theo yêu cầu bởi đây có thể là lần cuối cùng của mẹ. Hôm nghe báo kết quả phôi, mẹ gần như muốn khóc khi biết tin được 3 phôi ngày 5, 1 khá và 2 trung bình. Mẹ tức tốc gọi cho bố để nghe quyết định từ bố. Cuộc gọi điện đầy nước mắt và run sợ, bố trấn an “anh tìm hiểu thấy phôi ngày 5 tỉ lệ thành công cao, em cứ nghe theo tư vấn của anh Hưởng nhé”. Mẹ an lòng đến lạ! Vậy là mẹ lên phòng chờ chuyển phôi muộn nhất. Ngày hôm đó không phải là ca làm của bác Hưởng nhưng mẹ vẫn muốn được bác chuyển phôi nên nhắn tin nhờ, bác đáp lại “Ok”. Vậy là 3 phôi bé nhỏ lần lượt được chuyển vào cơ thể mẹ. Mẹ ấp ủ hi vọng bởi sự trấn an của bố và bằng tay nghề cũng như sự tận tâm, nhiệt tình của bác Hưởng. Lần chuyển phôi này, mẹ được kê thêm thuốc dành cho những mẹ mắc hội chứng anti hoặc chuyển phôi nhiều lần nhưng thất bại, các y tá hướng dẫn mẹ có thể tự tiêm tại nhà nhưng mẹ không đủ can đảm. Hàng ngày, mẹ nhờ một bác y tá tại bệnh viện cơ sở tới tiêm, từng mũi tiêm dưới bụng, từng mảng thâm do tiếp xúc dưới da – có nhằm nhò gì con nhỉ, mẹ chịu đựng được hết.

Lần này mẹ tạo tâm lý thoải mái, ăn những gì mẹ muốn và đặc biệt ngủ nghỉ và uống thuốc đúng giờ. Trước khi đi ngủ, mẹ luôn nguyện cầu để mẹ con mình được hữu duyên gặp nhau và lời nguyện cầu ấy đã có hiệu nghiệm. Ngày 9 sau chuyển phôi, mẹ không thể chờ thêm và nhịn được tính tò mò nên quyết định gọi bên xét nghiệm tới nhà để thử máu. Mẹ háo hức, mẹ hồi hộp, lòng mẹ chộn rộn cảm xúc và mẹ vỡ oà sung sướng khi biết tin beta ngày 9 sau chuyển phôi là 292U/L. Người mẹ báo tin đầu tiên là bố, người thứ 2 là bác sĩ Hưởng – người có công trong việc tạo ra các con. Hạnh phúc thay, lần chuyển phôi cuối cùng đã thắng lợi, mẹ chẳng dám nghĩ tới nếu không có beta thì mẹ sẽ thế nào? Mẹ không dám nghĩ tới. Bác sĩ Hưởng yêu cầu mẹ duy trì đơn thuốc cũ – tất nhiên rồi, mẹ sẽ thực hiện y lệnh.

Ngày 20 sau chuyển phôi, mẹ đi siêu âm lần đầu tiên, trớ trêu thay cả 3 phôi đó đậu cả 3 thai, vậy là mẹ lại gian nan thêm lần nữa. Lúc đầu mẹ định giữ cả 3 thai, sau khi nghe tư vấn của Bs Trung, mẹ lại thêm trăn trở, tất nhiên với một phụ nữa 8 năm chưa có con thì càng đông càng quý nhưng mẹ sợ nhất là chỉ giữ các con được đến 27, 28 tuần – lúc ấy khổ các con khổ cả mẹ, thậm chí mẹ sẽ mất trắng. Và rồi, mẹ xin phép thêm một tuần suy nghĩ. Tuần đó là một tuần thật khó khăn với mẹ, bởi mẹ không biết phải làm thế nào cho đúng. Mẹ lên khắp các trang mạng tìm hiểu và cuối cùng mẹ nhắn tin cho một bạn mang thai 3, họ khuyên mẹ giữ 2 thai bởi để đa thai là một thiệt thòi lớn cho các con. Mẹ nhắm mắt bỏ đi một giọt máu đáng lẽ sẽ được sinh ra cùng các con.

Ngày mẹ đi giảm thiểu, trong đầu mẹ không có gì ngoài cảm giác lo sợ, mẹ sợ ảnh hưởng tới các thai còn lại, mẹ lại sợ cái thai đó oán lại mẹ. Nhưng có lẽ lòng mẹ ra sao thi ai cũng hiểu, mẹ chỉ mong sau này các con sẽ sống tốt cả phần của người anh em đã nhường lại sự sống để các con được tốt hơn. Giảm thiểu xong 5 ngày mẹ về nhà, vẫn khám thai định kì và theo lịch hẹn. Các con bắt đầu hành mẹ nghén, thật kì lạ mẹ chỉ nghén vào buổi sáng còn tới chiều lại ăn ngủ rất bình thường nhưng mẹ lại không ăn được nhiều, đồ ăn chủ yếu là rau và hoa quả. Có lẽ do không ăn được nên đây là một thiệt thòi lớn khi các con trong bụng mẹ. Mẹ vẫn thăm khám theo lịch hẹn, hàng tuần đi siêu âm, mẹ tiếp xúc với rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Có những người 5 năm, 10 năm thậm chí 20 năm chưa có con, người nghèo có, giàu có, công chức có, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đến đây đều có chung một niềm khát khao và hi vọng là đón được con yêu. Chẳng kể xa lạ, không phân biệt giàu nghèo, tri thức mọi người ngồi gần nhau kể cho nhau nghe về trường hợp của mình. Mẹ nhìn thấy trong mắt mọi người đều ánh lên niềm tin và hi vọng về một mái ấm đoàn viên sắp tới.

Quãng thời gian bầu bí, do áp lực bởi một lần thai lưu, một lần thai sinh hoá, 3 lần chuyển phôi thất bại và 8 năm chưa được làm mẹ nên tính cách mẹ thay đổi hoàn toàn. Như hiểu được tâm lý đó, mỗi lần siêu âm mẹ đều được các bác sĩ quan tâm, động viên, hỏi han về sức khoẻ và dặn dò ăn uống kĩ lưỡng. Ngoài ra mẹ còn được giải thích toàn bộ những thắc mắc thường gặp khi mang bầu. Mỗi lần siêu âm, được nhìn ngắm 2 tình yêu của mẹ, được nghe tư vấn của bác sĩ mẹ như trút đi một gánh nặng, tâm lý mẹ thoải mái và nhẹ nhàng hơn.

Tới tuần 18, trong một lần siêu âm định kì mẹ phát hiện hở cổ tử cung. Việc cần làm ngay lúc này là phải khâu cổ tử cung để các con được an toàn, mẹ được gây mê và khâu luôn ngày hôm đó. Tuần 24, mẹ cảm nhận rõ mồn một những cú đạp, trườn của 2 con trong bụng mẹ. Thật hạnh phúc biết nhường nào. Tới tuần thai thứ 28, một trong hai bé bắt đầu có dấu hiệu suy dinh dưỡng bào thai, mẹ bắt đầu lo sợ. Mẹ cố gắng ăn nhưng bất lực khi càng ngày các chỉ số càng lên chậm. Ở tuần 32, bác sĩ tư vấn mẹ tiêm trưởng thành phổi vì thai phát triển chậm, thai có thể dừng phát triển bất cứ lúc nào. Để cẩn thận mẹ nhập viện nội tiết trung ương kiểm soát tiểu đường sau đó mới tiêm. Mỗi ngày mẹ phải tiêm 4 mũi Isulin và thử máu 3 lần. Mẹ thật ám ảnh việc này và có lẽ không bao giờ mẹ quên được. Khi lượng đường ổn định mới được tiêm trưởng thành phổi và phải tiêm Isulin tới tận lúc sinh.

Sau khi tiêm trưởng thành phổi, các con dừng đạp mất 2 ngày. Mặc dù bác sĩ có nói trước nhưng mẹ vẫn lo sợ, gần như mẹ thức trắng đêm để chờ các con đạp. Tới ngày thứ 3 các con mới hoạt động bình thường, mẹ thở phào nhẹ nhõm. Sang tuần thai thứ 35, trong một lần siêu âm định kì, Bác sĩ phát hiện bé suy dinh dưỡng bị giảm nhịp tim, tiến hành chạy máy thấy nhịp tim thất thường và mẹ được chỉ định mổ. Vậy là các con mới được 35 tuần thai, số tuần thai không phải quá ít nhưng các con còn quá nhỏ. Để đảm bảo an toàn mẹ nghe theo lời Bs mà không có sự lựa chọn nào khác. Các con lần lượt ra đời cách nhau chỉ 1 phút. Do bị suy dinh dưỡng bào thai nên 2 con chỉ vỏn vẹn 1,4kg và 1,9kg, nghe các con cất tiếng khóc, trên bàn mổ mẹ nghẹn ngào xúc động, quên hết sợ hãi và đau đớn. Mẹ đặt tên cho cô chị là Minh Thư (tức người phụ nữ trong sáng, chân thành) còn cô em là Anh Thư (người con gái giỏi giang, có một cuộc sống bình an). Sở dĩ mẹ chọn 2 cái tên giống nhau là để sau này khi lớn lên các con sẽ luôn nhớ rằng chúng mình là cặp chị em song sinh để yêu thương và hoà hợp với nhau hơn. Mẹ cũng chọn cái tên ở nhà cho 2 con là Thóc – Gạo, cái tên thật giản dị, gần gũi với người dân quê mình, thóc gạo là lương thực không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người, là tài sản của bà con nông dân. Ông bà dùng thóc gạo để nuôi lớn bố mẹ, còn Thóc Gạo của bố mẹ sẽ viết tiếp tương lai hạnh phúc cho gia đình mình các con nhé!

Quãng thời gian sau sinh, nuôi các con khó và vất vả nhiều hơn so với các bé khác nhưng tất cả mọi người đều cố gắng. Ngày tháng dần trôi, các con đã đem lại cho gia đình mình thật nhiều niềm vui và tiếng cười, mọi lo lắng, muộn phiền bỏ lại sau cánh cửa. Trong căn phòng ấm áp, các con thi nhau làm trò, bất giác, bài hát nhật kí của mẹ vang lên làm tim mẹ xao động, nước mắt mẹ đã rơi. Mẹ nhớ lại hành trình mẹ đã đi: 8 năm hiếm muộn, quãng thời gian thai lưu, thai sinh hoá và 4 lần chuyển phôi đầy vất vả. Mẹ nhớ cả những chuyến xe từ 2h sáng, hình ảnh bác chủ xe thương mẹ không lấy tiền và hàng nghìn lần hồi hộp đợi kết quả. Mẹ cũng sẽ nhớ như in những mũi tiêm bầm tím trên cơ thể mẹ, những viên thuốc nuôi dưỡng các con, nhớ cả những lần mẹ rơi vào tuyệt vọng, định chùn bước… đầu hàng trước số phận. Thế nhưng, dù có đau đớn thế nào thì khát khao làm mẹ – thiên chức của người phụ nữ chưa bao giờ làm mẹ chùn bước. Một hành trình dài đong đếm bằng nước mắt đã khép lại, cuối hành trình là hạnh phúc viên mãn. Mẹ đã đánh cược với thời gian và luôn hi vọng ông Trời không phụ lòng người kiên trì. Ánh sáng cuối con đường là có thật các con ạ. Việc của các con bây giờ là ăn ngoan, mau lớn, thông minh và trưởng thành – mọi gian khó ngoài kia bố mẹ sẽ giúp các con vượt lên tất cả. Đúng như lời thơ mẹ tặng hai con:

Ngôi nhà rộn rã tiếng cười

Từ khi Thóc Gạo ra đời đến nay

Để hai tố nữ về đây

Ông bà cha mẹ đêm ngày khát khao

Vì con, cha mẹ quản đâu

Thời gian công sức bao lâu ngại gì

Đường xa, dặm thẳm, đông hè…

Ruột đau chín khúc… cũng vì con yêu

Là vầng ánh sáng yêu kiều

Là hoa xinh những sớm chiều chăm lo

Gia đình nhỏ, hạnh phúc to

Hai thiên thần ấy- cả kho báu vàng

 

Qua đây, gia đình Thóc Gạo xin chân thành cảm ơn Bệnh viện Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ, y tá, công nhân viên toàn viện. Có được trái ngọt như hôm nay là nhờ tài năng, y đức của các bác sĩ, y tá, công lao của các bác, các cô và gia đình hai con không bao giờ quên.

Khi lớn lên, bài học đầu tiên mà Thóc Gạo được học chính là sự biết ơn chân thành tới tất cả mọi người. Mẹ Thóc Gạo đã và đang chia sẻ thành công sau 8 năm hiếm muộn tới tất cả các mẹ hiếm muộn khác bằng niềm tin và hi vọng mọi người sẽ may mắn như mình. Chúc cho tất cả phụ nữ chúng ta đạt được ước mơ làm mẹ, luôn nuôi con khoẻ, dạy con ngoan và hãy luôn tin rằng: phép màu cũng cần có thời gian các mẹ nhé!

Theo: Mẹ Trịnh Thị Huyền (Giải Nhì cuộc thi Gọi tên con nhé!)


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN