01/09/2021
Lạc nội mạc tử cung không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu can thiệp không đúng thời điểm có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nữ giới.
Hiện nay, có không ít trường hợp tới các cơ sở y tế để điều trị vô sinh hiếm muộn sau khi đã phẫu thuật lạc nội mạc tử cung (LNMTC) trước đó.
Hình mô phỏng lạc nội mạc tử cung
Bệnh nhân N.T.T (26 tuổi, Hòa Bình), kết hôn 1 năm chưa có con. Qua thăm khám, siêu âm được chẩn đoán u LNMTC ở buồng trứng 2 bên, chị T đã quyết định mổ bóc tách. Sau phẫu thuật 1 năm, dù không kế hoạch nhưng vợ chồng chị vẫn không thể có con tự nhiên được.
Lúc này, gia đình tới thăm khám vô sinh hiếm muộn mới phát hiện chị T bị suy buồng trứng, dự trữ buồng trứng còn rất thấp, khối u tái phát, nhiều khả năng phải xin trứng nếu thực hiện hỗ trợ sinh sản.
Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Văn Thắng – Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Văn Thắng – Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trong điều trị vô sinh hiếm muộn ở nữ giới thì u LNMTC hay LNMTC là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. LNMTC không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu can thiệp không đúng thời điểm có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nữ giới.
LNMTC là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài buồng tử cung người phụ nữ. Trong khi đó, đáng lẽ các mô này phải ở trong buồng tử cung thì lại được tìm thấy ở các bộ phận khác trong cơ thể. Đây là một bệnh lý mãn tính, dễ tái phát và có thể gây ra các khối u tùy theo vị trí LNMTC xuất hiện: LNMTC ở buồng trứng (thường gặp nhất); LNMTC vào cơ tử cung (bệnh tuyến cơ tử cung) hoặc khối LNMTC ở các vị trí ít gặp hơn (thành bụng, vách âm đạo, sẹo mổ cũ…).
Sự xuất hiện của các khối u này có thể chèn ép lên các cơ quan sinh sản người phụ nữ dẫn đến tình trạng dính, tắc vòi trứng… ảnh hưởng xấu đến chức năng hoạt động của buồng trứng; tử cung cũng như khả năng tiếp nhận phôi. Các tác động này có thể dẫn tới vô sinh.
Triệu chứng điển hình của LNMTC là đau bụng vùng chậu mãn tính, thường đau bụng khi hành kinh, có thể đau không có tính chu kỳ, đau sau khi giao hợp hoặc đau khu trú theo kỳ kinh tại thành bụng quanh sẹo mổ lấy thai… gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi đi thăm khám vì lý do hiếm muộn.
Có nên phẫu thuật lạc nội mạc tử cung không?
Điều trị LNMTC bao gồm điều trị nội khoa và phẫu thuật với mục tiêu tăng khả năng có thai, giảm đau – cải thiện chất lượng cuộc sống và loại bỏ khối u ở người bệnh. Điều trị nội khoa là việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, một số thuốc nội tiết với mục đích chính là giảm đau hoặc ức chế sự phát triển khối u khi chưa có chỉ định phẫu thuật.
“Chỉ định phẫu thuật bóc u LNMTC ở buồng trứng trên phụ nữ hiếm muộn cần rất cân nhắc và thận trọng. Phẫu thuật không cải thiện rõ rệt khả năng có thai nhưng có thể làm giảm dự trữ buồng trứng gây suy buồng trứng sớm hoặc dính vùng chậu gây tắc vòi trứng… nhất là khi phẫu thuật lặp lại nhiều lần trên một người bệnh” – Bác sĩ Hồ Văn Thắng chia sẻ.
Vì vậy, phụ nữ hiếm muộn có LNMTC nhất là u lạc ở buồng trứng cần ưu tiên cho điều trị hiếm muộn hơn là điều trị LNMTC, cân nhắc áp dụng sớm các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để đạt được hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
“Điều trị cho nhóm bệnh nhân hiếm muộn có LNMTC, bác sĩ cần hướng đến lợi ích người bệnh, ưu tiên điều trị hiếm muộn hơn là hướng đến mục tiêu loại bỏ tổn thương bằng phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật lặp đi lặp lại. Phẫu thuật bóc u nên chỉ định sau khi hỗ trợ sinh sản hoặc chỉ ưu tiên thực hiện khi nghi ngờ ác tính, chèn ép nhiều cơ quan lân cận hoặc có yêu cầu cần thiết từ quá trình điều trị hiếm muộn” – Bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Sinh sản người và Phôi học Châu Âu cũng nhận định, thụ tinh ống nghiệm là phương pháp điều trị thích hợp cho phụ nữ hiếm muộn kèm LNMTC có vòi trứng bị tổn thương, hoặc có kèm vô sinh nam, và/hoặc khi các điều trị khác thất bại.
Theo: Phunuvietnam