Mang thai sau 20 năm điều trị hiếm muộn

22/08/2016

Khi mọi hy vọng đều bị dập tắt, phép màu đã đến với vợ chồng chị Thủy. Họ chào đón đứa con đầu lòng khi chỉ còn thiếu 1 tháng nữa là tròn 20 năm chạy chữa hiếm muộn.

Tại hội thảo kỷ niệm 4 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện chuyên khoa Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội, chị Đinh Thị Bích Thủy (sinh năm 1976, ở Hà Nội) khiến cả khán phòng nghẹn ngào khi kể lại hành trình gian nan chữa hiếm muộn của mình.

Mang thai sau 20 nam dieu tri hiem muon hinh anh 1
Vợ chồng chị Thủy, anh Việt với 2 đứa con bồng trên tay sau 20 năm chạy chữa hiếm muộn. Ảnh: PV.

Chị Thủy kết hôn cùng anh Phạm Huy Việt (sinh năm 1971, ở Hà Nội) từ năm 1995. Hạnh phúc đơn sơ dường như không thể đủ đầy khi hết năm này qua năm khác, anh chị vẫn không thể có con. Suốt thời gian sau đó, anh chị đi khám khắp nơi, chữa trị khắp nơi song hạnh phúc vẫn không thể mỉm cười cùng họ.

Điều đó khiến chị Thủy chán nản, tuyệt vọng, tâm trạng uất ức. Dù vậy, vợ chồng chị vẫn luôn sát cánh bên nhau như vậy nhưng nỗi khát khao có được đứa con khiến cả hai luôn đau đáu suốt gần 20 năm.

Năm 2012, cơ duyên đưa vợ chồng anh chị đến Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và gặp bác sĩ Thu Hiền. Tại đây, BS Hiền khuyên vợ chồng chị thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) nhưng lần đầu không thành công.

Chị Thủy kể lại câu chuyện của mình trong tiếng nấc nghẹn: “Bác sĩ động viên tôi tiếp tục thực hiện nhưng thú thật, trong lòng tôi không có hy vọng gì. Đặc biệt, trước khi đặt phôi một tháng, tôi còn phải phẫu thuật cắt bỏ khối u nên chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể có thai. Tôi luôn mỉm cười nhưng thực ra rất đau khổ, xót xa. Tôi nhớ như in lời bác sĩ Hiền nói với tôi lúc đó: Chị cố lên, đừng buồn nữa, em sẽ làm cho chị thêm một lần nữa”.

Nghe theo lời bác sĩ, chị Thủy thực hiện thêm một lần IVF. 14 ngày sau, chị xuống viện thử máu và vỡ òa khi hay tin mình mang thai. Thế nhưng, niềm vui quá bất ngờ khiến vợ chồng chị không tin vào sự thật.

“Dù que thử thai báo hai vạch, rồi ngay cả lúc bác sĩ thông báo có thai, tôi vẫn không tin. Niềm vui lớn quá khiến chúng tôi không hình dung nổi. Khi thai trong bụng được 3 tháng, thậm chí 5-6 tháng, tôi vẫn không tin rằng mình có thai. Tôi hay phải hỏi chồng rằng: ‘Em có thai thật không anh?”, chị tâm sự.

Ngày 11/2/2015, chị Thủy sinh được bé trai trong niềm hạnh phúc tột độ. Anh chị cho biết, đó là thời điểm chỉ còn một tháng nữa là tròn 20 năm chạy chữa hiếm muộn. Sau đó vợ chồng chị quyết định có thêm bé thứ 2. Hiện tại bé đã được hơn 9 tháng.

Còn anh Đỗ Đại Dương (ở Hà Nội) và vợ cũng không giấu được sự hãnh diện với đứa con gái 4 tuổi được sinh ra nhờ sự nỗ lực vô bờ bến của vợ chồng anh cũng như các bác sĩ tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Anh Dương bị tai nạn từ năm 19 tuổi làm đứt tủy sống, liệt hoàn toàn 2 chi dưới, không đi được, phải ngồi xe lăn. Năm 36 tuổi, anh lập gia đình. Sau khi đến các bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ cho biết trường hợp của anh rất khó có con, gần như là vô vọng. Năm 2012, anh đến Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và được chọc hút tinh trùng, thực hiện TTTON và thành công ngay lần đầu tiên.

BS.CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện, cho hay đây là cơ sở y tế ngoài công lập đầu tiên ở miền Bắc được cấp phép chính thức hiện kỹ thuật TTTON từ ngày 14/1/2013. Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong các ca được bệnh viện hỗ trợ.

Từ khi thành lập, Khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đã đón nhận 12.781 lượt bệnh nhân tới khám, chữa bệnh trong đó có 2.368 cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật TTTON với tỷ lệ thành công rất cao (tương đương với tỷ lệ của các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm lớn trong nước và quốc tế).

Ths.BS. Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc bệnh viện cũng cho biết: “Tại bệnh viện, các trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai. Với người vợ nguyên nhân hay gặp nhất là tắc 2 vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung…

Với người chồng thường do bất thường số lượng, chất lượng tinh trùng trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch tinh hoặc không tinh trùng do tắc ống dẫn tinh, xuất tinh ngược… Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của các cặp vợ chồng khi điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện cũng khá cao nhờ áp dụng phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp”.

Hiện tỷ lệ có thai trong bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) đạt 31%, tỷ lệ có thai trong chuyển phôi tươi đạt 42% và chuyển phôi đông lạnh 65%.

Hà Quyên

Theo: http://news.zing.vn/mang-thai-sau-20-nam-dieu-tri-hiem-muon-post675273.html


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐẶT LỊCH KHÁM