Những lưu ý khi tinh hoàn không đều

29/07/2021

Một số bệnh trong cơ thể của nam giới sẽ làm phát sinh hiện tượng thay đổi kích thước của hai bên tình hoàn. Khi hai bên tinh hoàn không đều nhau kèm theo một số triệu chứng bất thường sẽ là dấu hiệu của một số bệnh cần lưu ý và chữa trị.

Em Trần Huy Thanh (13 tuổi tại Hà Nội) bị quai bị một thời gian rồi khỏi, từ đó cũng không để ý đến những biểu hiện bất thường của cơ thể. Gần đây, em thấy hai bên tinh hoàn bị lệch không đều nhau, tuy nhiên em cũng không để ý lắm nên cũng không nói với bố mẹ. Cho đến khi em thấy một bên tinh hoàn teo nhỏ đi thấy rõ thì mới chia sẻ với gia đình. Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ cho biết Thanh bị biến chứng của bệnh quai bị.

 

Khi hai bên tinh hoàn không đều nhau kèm theo một số triệu chứng bất thường sẽ là dấu hiệu

của một số bệnh cần lưu ý và chữa trị – Bác sĩ nhấn mạnh

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt – Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, ở trẻ nhỏ kích thước hai tinh hoàn còn nhỏ và thường tương đối đồng đều về kích thước và chiều cao, ở trẻ lớn người bình thường 2 bên tinh hoàn cũng không hoàn toàn đối xứng và bên trái thường thấp hơn. Nam giới ở độ tuổi trưởng kích thước mỗi tinh hoàn trung bình tương đương 10-15gr. Hai bên tinh hoàn được coi là lệch nhau nếu thể tích của bên này dưới 2/3 của bên còn lại. Nếu tinh hoàn bị lệch mà không có thêm triệu chứng bất thường nào khác thì nam giới không cần lo lắng, bởi đây vốn chỉ là một hiện tượng bình thường.

Tuy nhiên, hai bên tinh hoàn bên cao bên thấp, to nhỏ khác nhau cần đi khám sớm để khẳng định không có bất thường, đặc biệt nếu kèm theo các biểu hiện khác như: Đau tinh hoàn, bìu sưng to, bìu lúc to lúc nhỏ, ửng đỏ hoặc tím tái… thì nam giới cần tìm đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, bởi đây có thể dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Theo bác sĩ Đinh Hữu Việt, một số nguyên nhân thay đổi kích thước tinh hoàn, tình trạng tinh hoàn không đều nhau, bên cao bên thấp có thể đó là biến chứng của bệnh quai bị teo tinh hoàn, do bệnh lý mạch máu, u tinh hoàn…

Quai bị biến chứng viêm tinh hoàn do virus quai bị tiêu diệt tế bào mô tinh hoàn làm các ống sinh tinh trong thoái hóa, tinh hoàn teo nhỏ, sẽ dẫn đến tinh hoàn bên bị viêm teo cao hơn bên lành. Khi tinh hoàn đã bị viêm teo thì chức năng sinh sản sẽ bị ảnh hưởng, nếu tinh hoàn còn lại vẫn đảm bảo chức năng thì nam giới có thể có con tự nhiên, tinh trùng yếu thì cần hỗ trợ sinh sản, trong trường hợp teo cả hai tinh hoàn không có tinh trùng cần mổ vi phẫu tìm tinh trùng (mổ micro TESE) để hỗ trợ sinh sản.

Đối với triệu chứng bìu sệ do bệnh lý mạch máu, thì giãn tĩnh mạch tinh dẫn đến tình trạng bìu to và thấp hơn bên lành, nếu giãn to có thể nhìn thấy các bìu tĩnh mạch giãn to ngay dưới da, tuy nhiên tinh hoàn bên có tĩnh mạch giãn có xu hướng teo nhỏ so với bên lành. Phẫu thuật vi phẫu thắt tĩnh mạch tinh là lựa chọn hàng đầu để tăng cường chức năng sinh sản, đề phòng bệnh tăng dần dẫn đến tinh hoàn teo nhỏ, đau tinh hoàn.

Nguyên nhân u tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn cũng làm cho kích thước bìu bên bị bệnh tăng hơn bên lành kèm theo có thể đau khó chịu ở bìu. Với u tinh hoàn nam giới nên trữ đông tinh trùng để bảo quản “con giống” của mình trước khi phẫu thuật tinh hoàn.

Thoát vị bẹn cũng là một nguyên nhân khiến bìu to, khối thoát vị di chuyển khiến bìu có thể trong tình trạng lúc to lúc nhỏ. Mổ nội soi phục hồi thành bụng là phương pháp hay được áp dụng. Bên cạnh đó, các bệnh xoắn tinh hoàn cũng là một trong những cấp cứu nam khoa cần được can thiệp sớm, khi bị xoắn tinh hoàn thường cao hơn, bùi nề đỏ, đau tinh hoàn đột ngột dữ dội.

Một trong những nguyên nhân nữa là do bị tinh hoàn lò xo, đây là hiện tượng do cấu trúc dây treo tinh hoàn dài và di động giống như một cái lò xo khiến tinh hoàn có thể di chuyển, khiến trạng thái của bìu cũng thay đổi. Tình trạng tinh hoàn di động tự do dễ bị xoắn hoặc di chuyển lên cao ảnh hưởng tới chức năng sinh sản. Vì vậy, cố định tinh hoàn xuống bìu là giải pháp an toàn mà y học thường thực hiện. Ngoài ra, chấn thương tinh hoàn có thể chảy máu, đóng cục dẫn đến thiếu máu, dần thu hẹp lại và có kích thước nhỏ hơn so với bên còn lại không bị tổn thương.

“Trong nhiều trường hợp, ngay từ nhỏ đã gặp phải tình trạng tinh hoàn bên to bên nhỏ, tuy nhiên sự chênh lệch không rõ ràng, đây là sự tạo thành bẩm sinh. Ở trẻ em còn có tình trạng ống phúc tinh mạc dẫn đến kích thước và độ cao của bìu, tinh hoàn thay đổi do bệnh tràn dịch màng tinh hoàn, nang thừng tinh, thoát vị bẹn, tinh hoàn ẩn. Thắt ống phúc tinh mạc để giải quyết thoát bị bẹn, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn và nang thừng tinh ở trẻ em. Đặc biệt với tinh hoàn ẩn nên mổ hạ tinh hoàn sớm trước khi trẻ hai tuổi hoặc sớm nhất có thể khi phát hiện bệnh”, bác sĩ Đinh Hữu Việt khuyến cáo.

Theo: Phunuvietnam


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN