09/12/2024
Tối 7-12, tại Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tổ chức chương trình Gala “Hạt mầm khát vọng” lần thứ 2 và công bố, trao quyết định cho 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% trong chương trình hỗ trợ quân nhân hiếm muộn-Yêu thương lan tỏa năm 2024.
Gala “Hạt mầm khát vọng” 2024 không chỉ là một chương trình nghệ thuật đặc sắc, một lễ công bố và trao tặng hỗ trợ đơn thuần mà còn là cuộc hội ngộ và trở về nhà – nơi hạnh phúc của các gia đình quân nhân được đơm hoa, kết trái.
Tiếp thêm sức mạnh cho các gia đình nhân hiếm muộn
Hiện nay, toàn quân có khoảng 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Với đặc thù công tác, nhiều quân nhân thực hiện nhiệm vụ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nơi biên cương, hải đảo trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế.
10 gia đình quân nhân được nhận hỗ trợ 100% chi phí làm thụ tinh trong nghiệm trong chương trình hỗ trợ quân nhân hiếm muộn-Yêu thương lan tỏa năm 2024.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên. Tuy nhiên, hành trình tìm con của các quân nhân hiếm muộn vẫn còn nhiều gian nan, vất vả và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội.
Trước thực tế đó, với mong muốn được đồng hành cũng như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để các gia đình quân nhân kiên trì, bền bỉ trong hành trình tìm con; từ năm 2021, chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn – Yêu thương lan tỏa” đã được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội triển khai với các hỗ trợ thiết thực như: Miễn phí khám, tư vấn, siêu âm, xét nghiệm tinh dịch đồ; giảm 20% chi phí xét nghiệm cận lâm sàng; voucher 3 triệu đồng khi thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đặc biệt, không dừng lại ở đó, mỗi năm, bệnh viện còn dành tặng 10 gói “Hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm” cho 10 gia đình quân nhân thông qua hình thức xét duyệt hồ sơ.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội xúc động nói: “Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các gia đình hiếm muộn, chúng tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bên cạnh áp lực, định kiến của xã hội thì áp lực tài chính cũng là một trong những yếu tố khiến hành trình tìm con của các gia đình kéo dài.
Đặc biệt, với các quân nhân, do đặc thù nghề nghiệp, thường xuyên công tác xa gia đình mà chưa thể có con hoặc chưa có nhiều thời gian để thực hiện thăm khám, điều trị hiếm muộn sớm. Chính vì vậy, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội mong muốn được sẻ chia, hỗ trợ các gia đình để hành trình tìm con yêu của những người lính thuận lợi hơn.
Ba năm qua, bên cạnh hàng nghìn gia đình nhận hỗ trợ miễn phí khám, tư vấn; giảm giá xét nghiệm hay tặng voucher thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thì 30 gia đình nhận các gói miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm của chương trình “Yêu thương lan toả” cũng đã có những trái ngọt với 29 em bé chào đời khỏe mạnh, một số đang trong những tuần cuối của thai kỳ hoặc đang trong quá trình thực hiện. Kết quả này không chỉ là niềm hạnh phúc của mỗi cán bộ, nhân viên bệnh viện mà còn minh chứng cho những nỗ lực bền bỉ, không từ bỏ của các gia đình hiếm muộn”.
Giọt nước mắt hạnh phúc
Có mặt tại chương trình, gia đình Đại úy QNCN Ngô Văn Cường và Đại úy QNCN Nguyễn Thị Hạnh đang công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật không khỏi xúc động khi cách đây 2 năm, trong Gala lần đầu tiên tổ chức, vợ chồng Đại úy Ngô Văn Cường là một trong 10 gia đình được nhận gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm dành cho quân nhân năm 2022.
Gia đình Đại úy QNCN Ngô Văn Cường và Đại úy QNCN Nguyễn Thị Hạnh giao lưu tại chương trình.
Cũng tại đây, hai vợ chồng đã có những chia sẻ về hành trình tìm con đầy gian nan của mình. Với tiền sử sinh non, vỡ tử cung ở lần mang thai trước đó hay những lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thất bại cùng những biến cố gia đình liên tục ập đến khiến anh chị suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần; người phụ nữ nhỏ bé ấy đã trở nên chai sạn, dường như mất niềm tin vì “nỗi sợ” của những lần thất bại trước đó. Rất nhiều giọt nước mắt đồng cảm, sẻ chia đã rơi trong Gala Hạt mầm khát vọng năm đó.
Năm 2024, xuất hiện trên sân khấu “Hạt mầm khát vọng” không còn là hình ảnh của 2 vợ chồng với những giọt nước mắt tự ti, tủi thân khi chia sẻ về những gian khó đã trải qua mà thay vào đó là hình ảnh và những giọt nước mắt hạnh phúc của gia đình nhỏ 3 người – anh Cường, chị Hạnh và bé Ngô Bảo Châu 7 tháng tuổi. Quay ngược thời gian, gói hỗ trợ miễn phí của chương trình “Yêu thương lan toả” đã mang đến niềm hy vọng, vực lại tinh thần đang âm ỉ trong anh chị, cứ như thế, họ quay trở lại hành trình tìm con với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và tạo được 4 phôi. Sau 3 lần chuyển phôi liên tiếp thất bại và tưởng chừng như mất hết, đến lần thứ 4, một phôi duy nhất và cũng là cuối cùng đã mang đến phép màu cho anh chị.
Ngoài ra, Gala “Hạt mầm khát vọng” năm 2024 còn có sự tham gia của gần 30 gia đình quân nhân với các em bé là những trái ngọt đã được ươm từ những gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF của chương trình “Yêu thương lan tỏa” năm 2021, 2022, 2023. Các gia đình đã đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Nha Trang (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Tĩnh, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng… để mang những thông điệp tích cực, động viên các gia đình đang trên hành trình tìm kiếm con yêu, đặc biệt là các gia đình quân nhân hiếm muộn hãy luôn lạc quan, kiên trì, tin tưởng vào y học hiện đại, chuyên môn của các bác sĩ bởi nhất định con yêu sẽ về.
Vợ chồng Đại úy Hoàng Văn Phong công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 1 hạnh phúc bên 2 thiên thần nhỏ.
Bế trên tay cặp song sinh hơn một tháng tuổi, Đại úy Hoàng Văn Phong (1994), công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 1 và cô giáo mầm non Phùng Thị Hằng (1996) ở Lạng Sơn hạnh phúc chia sẻ về những cảm xúc khi lần đầu tiên được làm cha làm mẹ. Năm 2019, đôi bạn trẻ đã nên duyên vợ chồng sau quá trình gặp gỡ và tìm hiểu. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười nhưng một năm, hai năm, rồi ba năm, tin vui vẫn chưa đến với gia đình. Lúc này, hai vợ chồng quyết định đi khám và tin tưởng vào y học hiện đại sẽ giúp họ sớm có được những đứa con của riêng mình.
Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, được biết nguyên là do anh Phong tinh trùng yếu vì tiền sử quai bị lúc nhỏ và chị Hằng thì bị polyp buồng tử cung và để có con hai vợ chồng cần can thiệp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm là không hề nhỏ với thu nhập của hai vợ chồng, vì thế, đôi vợ chồng trẻ quyết định tạm dừng một thời gian để tích lũy thêm chút vốn liếng. Trong thời gian đó, thông qua các kênh truyền thông đại chúng, anh Phong biết đến chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn – Yêu thương lan tỏa” năm 2023 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng anh một lần nữa quyết tâm đến thăm khám, nộp hồ sơ xét duyệt và may mắn trở thành 1 trong 10 gia đình nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF. Trong quá trình thực hiện, gia đình Đại úy Hoàng Văn Phong luôn được bệnh viện và chỉ huy đơn vị tạo điều kiện tốt nhất để yên tâm điều trị. Và rồi, niềm hạnh phúc trọn vẹn đã đến trong hành trình tìm con, “hai trái ngọt” là cặp song sinh 2 bé trai đã chào đời ngày 21-10-2024 trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.
Có thể thấy, câu chuyện của các gia đình quân nhân hiếm muộn được hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm năm 2021, 2022, 2023 là nguồn động lực cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khác đang trong hành trình tìm kiếm con yêu. Có thể điểm khởi đầu sẽ vô cùng gian nan, vất vả, tưởng chừng sẽ phải bỏ cuộc nhưng với tình yêu thương, sự chia sẻ của cộng đồng cùng niềm tin, sự kiên trì thì cuối cùng phép màu sẽ đến với các gia đình.
Danh sách 10 gia đình quân nhân được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% trong chương trình Hỗ trợ Quân nhân hiếm muộn – Yêu thương lan tỏa 2024 (bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi,…), khoảng 100 triệu đồng tùy từng trường hợp.
Đó là: Gia đình Trịnh Công Trung (1992), Phạm Thị Ngân Hà (1995), đơn vị: Sư đoàn 395, Quân khu 3; Nguyễn Công Tùng (1990), Phạm Thị Hồng (1994), đơn vị: Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp, Binh chủng Tăng thiết giáp; Giang Đình Mạnh (1984), Trương Thị Thu (1989), đơn vị: Lữ đoàn 201, Binh chủng Tăng thiết giáp; Ty Duy Trường (1996), Lê Thị Oanh (1996), đơn vị: Sư đoàn 3, Quân khu 1; Nguyễn Trọng Nam (1994), Đoàn Thị Hồng Hải (1996), đơn vị: Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật; Hồ Văn Hiếu (1992), Lê Thị Minh (1993), đơn vị: Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Trọng Sơn (1988), Lê Thị Như Quỳnh (1990), đơn vị: Bộ CHQS tỉnh Nghệ An; Trần Thái Dương (1990), Đinh Thị Tuyết Mai (1991), đơn vị Bộ CHQS tỉnh Lào Cai; Vũ Đình Việt (1987), Lê Thị Thu Nhung (1988), đơn vị: Lữ đoàn Đặc công 198, Binh chủng Đặc công; Nguyễn Khắc Minh (1985), Đặng Phương Thảo (1985), đơn vị: Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5, Quân khu 4.
Nguồn: Quân đội nhân dân