Tết đầu tiên có con của cặp vợ chồng hiếm muộn gần 20 năm

06/02/2022

Tết năm nay, khi đã có cô con gái đầu lòng, vợ chồng anh chị sẽ tự tay gói bánh chưng – điều mà trước đây họ chưa từng làm.

“Sao mãi không chịu đẻ”?

Gần 20 năm cưới nhau, đáng lẽ giờ đây, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tám (sinh năm 1979) và chị Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1983), quê ở tỉnh Phú Thọ đã có con cái trưởng thành. Thế nhưng, phải đến tháng 10/2021, anh chị mới có con đầu lòng.

Năm 2003, vợ chồng anh Tám chính thức kết hôn. Ngay sau ngày cưới, cả hai đều mong muốn sớm sinh con để những năm sau chỉ tập trung làm kinh tế. Nhưng, một rồi hai năm trôi qua, họ vẫn chưa thể có con như mong muốn. Cũng trong thời gian này, anh Tám bị tiểu buốt và ra máu, phải điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tưởng rằng sau khi anh Tám khỏi bệnh, tin vui sẽ đến với vợ chồng họ nhưng không.

Năm 2006, họ quyết định thăm khám tại một bệnh viện tuyến trung ương. Các bác sĩ kết luận, sức khỏe sinh sản của chị Lan bình thường, nhưng tinh trùng của anh Tám yếu, buộc phải điều trị. Do kinh tế gia đình khó khăn, anh Tám không thể theo hết liệu trình. Trở về quê nhà, hễ ai mách thuốc hay thầy giỏi, vợ chồng anh đều tìm tới với hy vọng sớm có con.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tám và chị Nguyễn Thị Lan bên con gái Phương Thảo

Anh Nguyễn Văn Tám và chị Nguyễn Thị Lan bên con gái Phương Thảo

Sau 10 năm chạy chữa không kết quả, năm 2013, anh chị quyết tâm dành dụm tiền để thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, may mắn vẫn chưa mỉm cười với họ khi hai lần thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) đều thất bại.

Chị Lan nhớ lại: “Trải qua nhiều thất bại trong việc kiếm con, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, đã có những lần, vì quá áp lực và thất vọng, mình khuyên chồng dừng lại để tìm hạnh phúc mới. Thế nhưng, chưa khi nào anh Tám nghĩ tới việc dừng lại, Những lúc mình có suy nghĩ tiêu cực, anh luôn động viên, khích lệ vợ rằng “vợ chồng đã quyết tâm cùng nhau đi đoạn đường dài thì phải cùng nhau cố gắng, rồi con sẽ về với gia đình mình”.

May mắn có được người chồng tâm lý nhưng chị cũng phải chịu rất nhiều áp lực từ họ hàng hai bên nội ngoại và bạn bè. Những dịp lễ tết hay đám cưới hỏi, vợ chồng chị đều né tránh, không dám đi vì sợ ánh mắt soi xét của thiên hạ và cả những câu hỏi như cứa vào lòng “sao mãi không chịu đẻ”.

Vay ngân hàng 100 triệu đồng để “tìm con”

Lúc tưởng đã hết hy vọng, chị Lan một lần nữa được tiếp thêm động lực khi thấy người cháu họ hiếm muộn 7 năm đã có con nhờ phương pháp y học hiện đại. Được giới thiệu bệnh viện và bác sĩ “mát tay”, chị Lan quyết định vay ngân hàng 100 triệu đồng để chạy chữa thêm một lần nữa.

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị Lan tắc 2 vòi trứng, anh Tám cần uống thuốc để cải thiện chất lượng tinh trùng. Đầu năm 2021, chị Lan được chuyển phôi. May mắn là, tin vui đã đến với họ ngay lần đầu thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Chị Lan xúc động kể: “Khoảnh khắc bác sĩ đưa tờ kết quả và thông báo tin vui, vợ chồng mình chỉ biết khóc, nhưng đó không còn là những giọt nước mắt tủi hổ, muộn phiền vì không có con mà là những giọt nước mắt hạnh phúc vì lần đầu tiên được làm cha, làm mẹ”.

Trong thời gian mang thai, chị Lan luôn thấp thỏm lo lắng vì sợ con không ở lại được với mình đến cuối thai kỳ. Thậm chí, chị còn được chẩn đoán nhau thai tiền đạo bán trung tâm. Có những lúc, bác sĩ đã thông báo về các nguy cơ cho mẹ và bé khiến chị Lan càng thêm lo lắng. Nhưng thật may mắn, khi thai được 36 tuần, bé Phương Thảo đã chào đời khoẻ mạnh, nặng 2,8kg trong niềm hạnh phúc của gia đình.

Từ khi có bé đến nay, vợ chồng chị Lan vô cùng mãn nguyện. Dù vẫn còn nhiều vất vả do phải mưu sinh, trả nợ ngân hàng nhưng cả hai đều hạnh phúc vì giờ đây, mỗi ngày trở về nhà, họ đều nghe được âm thanh khóc cười của con thơ.

Nếu trước đây, tết đối với gia đình anh Tám, chị Lan là khoảng thời gian nặng nề, áp lực vì chuyện con cái thì năm nay, khi đã có con, mọi muộn phiền quá khứ gần như được giải tỏa hết. Để mừng niềm hạnh phúc trọn vẹn, tết này, vợ chồng anh Tám, chị Lan tự tay gói bánh chưng – điều mà trước đây họ chưa bao giờ làm.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung thăm khám cho bệnh nhân

Là người tiếp nhận, khám và điều trị cho vợ chồng chị Lan, bác sĩ Nguyễn Thành Trung – thuộc chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn TP.Hà Nội – cho biết, vợ chồng chị Lan đến khám với tâm trạng khá lo lắng do đã đi khám ở nhiều nơi và nhiều năm (18 năm) mà chưa được toại nguyện: “Sau khi tư vấn và chỉ định làm các xét nghiệm, chúng tôi thấy chị Lan đã nhiều tuổi và có tình trạng giảm dự trữ buồng trứng nên đã tư vấn và định hướng can thiệp bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sớm“.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung nói thêm: “Tôi cũng đã điều trị cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn trong nhiều năm qua, nhưng gia đình chị Lan, anh Tám là một trường hợp rất đặc biệt và để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc về tình yêu và tình nghĩa vợ chồng. Mặc dù chung sống với nhau rất lâu năm mà chưa có con, chạy chữa nhiều nơi với biết bao vất vả, khó khăn nhưng anh chị vẫn luôn bên nhau. Sau khi biết anh chị thành công và sinh em bé, tôi rất hạnh phúc và tự hào khi cũng góp một phần nhỏ bé vào niềm vui lớn của anh chị”.

An Bình (Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh)


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐẶT LỊCH KHÁM