Vắc-xin Covid 19 và phụ nữ mang thai

25/06/2021

Phụ nữ chuẩn bị mang thai hay chuẩn bị tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm và những  phụ nữ đang mang thai có nên tiêm phòng vắc-xin COVID-19 hay không? Đây là có lẽ là câu hỏi đang được rất nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản quan tâm tìm lời giải đáp.

Như chúng ta đã biết, ngoài thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế bao gồm: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế thì sự ra đời của vắc-xin ngừa CoVid-19 được kỳ vọng sẽ chặn đứng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Sars-Cov-2 trên toàn cầu. Bằng chứng là tại các nước trước đây có tỉ lệ lây lan rất nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng như Mỹ và một số nước tại Châu Âu thì sau một thời gian thực hiện tiêm vắc-xin trên diện rộng thì hiện nay dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát.

Dựa trên cách thức hoạt động của các loại vắc xin trong cơ thể, các chuyên gia tin rằng chúng không có khả năng gây rủi ro cho những người đang mang thai. Tuy nhiên, hiện có rất ít dữ liệu về tính an toàn của vắc-xin COVID-19 ở người mang thai. Các thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu tính an toàn của vắc xin COVID-19 và mức độ hoạt động của chúng đối với người mang thai vẫn đang được tiến hành theo kế hoạch.

Khuyến nghị về tiêm vắc-xin cho người mang thai và chuẩn bị mang thai:

  • Theo khuyến cáo ACOG và CDC (Hoa Kỳ), phụ nữ đang mang thai và phụ nữ cho con bú có thể tiêm vắc-xin Covid 19. Tuy nhiên tại Việt Nam, do chưa có đủ bằng chứng lâm sàng về tính an toàn nên phụ nữ đang mang thai và cho con bú được xếp vào nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng (Theo Quyết định 1624/QĐ – Bộ Y tế). Vì vậy, việc tuân thủ thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế vẫn là biện pháp dự phòng hữu hiệu nhất.
  • Nên tiêm chủng vắc-xin Covid 19 cho tất cả những phụ nữ có kế hoạch chuẩn bị mang thai hoặc chuẩn bị tiến hành các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản bao gồm:
  • Chuẩn bị bơm tinh trùng vào buồng tử cung
  • Chuẩn bị kích trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm
  • Chuẩn bị chuyển phôi

Bạn cần thông báo với bác sỹ về thời điểm tiêm vắc-xin để có thể cân nhắc thời điểm bắt đầu tiến hành hỗ trợ sinh sản sao cho vừa đảm bảo việc chống dịch, vừa đảm bảo an toàn. Hiện tại, chưa có khuyến cáo về thời gian an toàn từ lúc tiêm Vac-xin đến khi bắt đầu hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên dựa trên thời gian xuất hiện 1 số tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin, chúng nên tiến hành hỗ trợ sinh sản sau tiêm vắc-xin >4 tuần.

  • Vắc-xin Covid 19 không có mối liên hệ với vô sinh, không ảnh hưởng đến hoạt động chức năng sinh sản.
  • Tuy nhiên, việc tiêm chủng chỉ được tiến hành sau khi được thăm khám, đánh giá sức khoẻ đủ điều kiện tiến hành tiêm chủng và bạn đã được giải thích rõ những lợi ích cũng như yếu tố nguy cơ, tai biến có thể xảy ra sau tiêm. Không nên tiêm vắc xin COVID-19 với nhóm:
  • Tiêm vắc-xin khác trong vòng 14 ngày.
  • Đã mắc Covid trong vòng 6 tháng.
  • Giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
  • Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc 90 ngày trước có điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19.
  • Đang mắc bệnh cấp tính, người bị suy giảm khả năng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù.

 


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐẶT LỊCH KHÁM