Xét nghiệm trước chuyển phôi cho Bệnh lý đơn gen (PGT-M)

26/09/2024

Xét nghiệm trước chuyển phôi cho bệnh lý đơn gen (PGT-M) giúp xác định những bất thường về mặt di truyền của phôi. Trên cơ sở đó giúp chọn được phôi tốt, tăng tỷ lệ mang thai và sinh ra em bé khỏe mạnh.

XÉt NghiỆm TrƯỚc ChuyỂn PhÔi Cho BỆnh LÝ ĐƠn Gen 01

  1. Xét nghiệm trước chuyển phôi cho bệnh lý đơn gen (PGT-M)
    1. Giới thiệu
      • Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bệnh lý đơn gen (pre-implantation genetic testing for monogenic disease, PGT-M) là một xét nghiệm di truyền trên một số tế bào của phôi để xác định tình trạng mang đột biến biết trước trên bố mẹ nhằm lựa chọn phôi không mắc bệnh lý di truyền trong gia đình.
    2. Nguyên lý xét nghiệm
      • Một số nguy cơ có thể dẫn đến sai kết quả khi thực hiện xét nghiệm trên mẫu sinh thiết phôi:
      • Nhiễm mẫu: có thể nhiễm từ các tế bào hạt của mẹ, nhiễm tế bào từ môi trường, từ nhân viên y tế vào mẫu sinh thiết. Do đó có thể dẫn đến sai kết quả.
      • Do lượng vật chất di truyền (DNA) từ 5-7 tế bào phôi trên mẫu sinh thiết là rất ít, WGA (khuếch đại toàn bộ hệ gen) được thực hiện để tăng lượng DNA. WGA có thể dẫn tới ADO tỷ lệ 20-25% (allen drop out – mất allen) là hiện tượng 1 vùng DNA không được khuếch đại, dẫn đến kết quả âm tính giả do đột biến không được nhân lên, AB (amplification bias) – khuếch đại lệch.
      • Để hạn chế những nguy cơ trên, ESHRE khuyến cáo cần thực hiện kết hợp hai phương pháp trực tiếp và gián tiếp trong PGT-M:
      • Phương pháp trực tiếp: Xác định trực tiếp các đột biến đã biết từ bố mẹ trên phôi, tùy loại đột biến mà kỹ thuật xét nghiệm được chỉ định phù hợp (giải trình tự Sanger, PCR, Stripassay,…).
      • Phương pháp gián tiếp: hay còn gọi là phương pháp phân tích di truyền liên kết (linkage analysis) để xác định các marker di truyền đi cùng với đột biến, từ đó gián tiếp xác định có hay không đột biến trên mẫu phôi. Có thể dùng các markers STR (short tandem repeats – đoạn lặp ngắn) hoặc SNP (single nucleotide polymorphism – đa hình đơn nucleotide) để thiết kế thí nghiệm.
    3. Quy trình thực hiện xét nghiệm trước chuyển phôi cho bệnh lý đơn gen (PGT-M)
      • Bước 1: Tư vấn, thu thập thông tin di truyền:Bác sĩ tư vấn di truyền sẽ thu thập các thông tin về bệnh lý, nguyện vọng, tình trạng di truyền của cả gia đình cũng như có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm di truyền để xác định nguyên nhân di truyền và tình trạng mang gen di truyền của các thành viên trong gia đình.
      • Bước 2: Xây dựng bộ chỉ thị liên kết (STR hoặc SNP) – hay còn gọi là tiền PGT-M
        • >> Mẫu của hai thế hệ (bố mẹ và con hoặc ông bà nội ngoại và bố mẹ trong trường hợp không có mẫu con) được thu thập để xây dựng chỉ thị (markers) bộ di truyền liên kết.
        • >> Xác định bộ chỉ thị cho gia đình với đầy đủ các tiêu chí theo quy định.
      • Bước 3: Thụ tinh nhân tạo (IVF): Quy trình thụ tinh nhân tạo được tiến hành để tạo phôi.
      • Bước 4: Sinh thiết phôi: Chuyên viên phôi sẽ sinh thiết một vài tế bào từ phôi cần xét nghiệm. Việc sinh thiết này gần như không ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi.
      • Bước 5: Thực hiện quy trình PGT-M
        • >> Mẫu sinh thiết phôi được gửi đến phòng thí nghiệm để thực hiện xét nghiệm PGT-M theo quy trình đã được thiết kế riêng cho gia đình.
        • >> WGA: khuếch đại toàn bộ hệ gen của mẫu phôi.
        • >> Xác định đột biến trên phôi bằng phương pháp trực tiếp.
        • >> Xác định đột biến trên phôi bằng phương pháp gián tiếp.
        • >> Báo cáo và tư vấn kết quả để lựa chọn phôi chuyển.
      • Bước 6: Chuyển phôi: Những phôi không mang bất thường di truyền được xem xét để chuyển. Bác sĩ sẽ quyết định việc chuyển phôi nào, các phôi chưa dùng đến có thể trữ đông để bảo quản.
      • Bước 7: Chọc ối: Do tỷ lệ bỏ lọt đột biến vẫn có thể xảy ra khoảng 1%, chọc ối để xác định kiểu gen của thai nhi cần thực hiện lúc 16 tuần thai.
    4. Các kết quả có thể có
      • Phôi không mang đột biến: khuyến cáo chuyển phôi và theo dõi
      • Phôi mang đột biến dạng dị hợp:
        • >> Với bệnh gen lặn/NST thường, phôi mang đột biến dị hợp vẫn có thể chuyển phôi
        • >> Với bệnh gen lặn/NST X, cần kết hợp với xét nghiệm xác định giới tính của phôi để chuyển phôi với phôi nữ (mang gen giống mẹ) và không chuyển phôi với phôi nam (gây bệnh)
        • >> Với bệnh gen trội, phôi mang đột biến dị hợp sẽ gây bệnh, do đó không chuyển phôi
    5. Ứng dụng của xét nghiệm
      • PGT-M thường được chỉ định cho bệnh nhân có nguy cơ cao truyền những bất thường di truyền đơn gen cho thế hệ sau:
        • Cả vợ và chồng đều mang đột biến đơn gen cùng 1 gen (Thalassemia, Cystic fibrosis).
        • Vợ mang đột biến gen lặn trên nhiễm sắc thể X (Teo cơ Duchenne).
        • Vợ hoặc chồng mang đột biến gen trội (bệnh Huntington, Marfan).
        • Vợ hoặc chồng có đột biến liên quan đến bệnh lý ung thư di truyền (gen BRCA1,2 gây tăng nguy cơ mắc ung thư vú, buồng trứng…)
        • Đã có con hoặc đang mang thai có bất thường di truyền đơn gen.

PGT-M được thiết kế riêng cho từng gia đình tùy thuộc vào trạng thái di truyền mà họ đang mang. PGT-M có thể giải quyết hầu hết các dạng bất thường di truyền đơn gen hiện nay.


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN