13 năm ròng rã tìm con và “trái ngọt” nơi cuối hành trình

06/02/2024

Hơn 13 năm hiếm muộn, 4 lần can thiệp phẫu thuật, 3 lần chuyển phôi không thành công, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng, anh Trịnh Duy Hùng (Hà Nội) vẫn kiên trì không từ bỏ hành trình tìm con. Để rồi ở lần chuyển phôi thứ 4, anh chị vỡ òa hạnh phúc khi chào đón hai “thiên thần”nhỏ, bù đắp bao nỗi vất vả gian nan hơn 1 thập kỷ mang định kiến “gái độc không con”.

Lần đầu tiên sau 13 năm kết hôn chị Hằng không còn sợ Tết, không còn sợ những lời bàn tán dị nghị, những ánh mắt xét nét hay những câu hỏi quặn thắt lòng mình: Bao giờ sinh con? Không đẻ được à?

Mùa xuân này, trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh chị sẽ tràn ngập tiếng con trẻ cười khúc khích, nội ngoại quây quần bế bồng cháu yêu.

Hơn thập kỷ không thấy “hai vạch”

Như bao cặp vợ chồng khác, năm 2009 chị Nguyễn Thị Hằng và anh Trịnh Duy Hùng về chung một nhà và mong muốn tình yêu sớm “kết trái” là những đứa trẻ nô đùa trong mái ấm nhỏ. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau kết hôn chị Hằng phải nhập viện mổ u nang buồng trứng, cũng kể từ đây hành trình tìm con bắt đầu với những thang thuốc Đông Tây Y nhưng đều không có kết quả.

Năm 2012 thăm khám ở một bệnh viện tại Hà Nội, bác sĩ kết luận chị Hằng bị tắc cả hai bên vòi trứng, khó có thai tự nhiên và tư vấn làm Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nếu muốn sớm có em bé. Lần đó, hai vợ chồng gom góp vốn liếng ra viện bắt đầu hành trình chọc trứng, chuyển phôi với hi vọng sớm đón được con yêu về nhà.

 

13 NĂm ĐỢi ChỜ, CÁc Con ĐÃ ĐẾn NhƯ MỘt GiẤc MƠ

“Lần đầu chuyển phôi không đậu, 3 tháng sau em chuyển phôi lại, rồi 1 năm sau chuyển phôi lần thứ 3 cũng không thấy hai vạch. Đợi chờ, hi vọng rồi lại thất vọng, hai vợ chồng em ôm nhau khóc cạn nước mắt mỗi lần nhìn kết quả xét nghiệm Beta”, chị Hằng nhớ lại.

3 lần chuyển phôi không thành công, hành trình tìm con đã lấy đi cả gia tài và sức khỏe. Không còn đủ kinh tế để chạy chữa tại các bệnh viện lớn, hai vợ chồng đành lại quay với những thang thuốc bắc, thuốc nam. Bất kể ai giới thiệu ở đâu có “thuốc hay, thầy giỏi” chị Hằng cũng tìm đến. Bền bỉ 7 năm đợi chờ may mắn từ những thang thuốc đó, chị Hằng vẫn nhận lại kết quả “không thể có thai”.

Khó khăn chồng chất khó khăn, bệnh chồng bệnh, cuối năm 2020 trong một lần đi khám, bác sĩ cho biết chị bị U xơ tử cung, kích thước gần 100mm và phải thực hiện mổ lấy khối U ra càng sớm càng tốt không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh con sau này. Lại một lần nữa chị lại đối diện với hai chữ “phẫu thuật” mặc dù kinh tế gia đình vẫn rơi vào cảnh lao đao sau hành trình tìm con suốt 10 năm dài vất vả.

“Tháng 10 năm 2021, em ra Hà Nội mổ u xơ tử cung. Lần đó ca mổ của em gặp vấn đề về bục ruột non nên lại mổ thêm lần nữa để xử lý. Sau ca phẫu thuật em lại bị tắc ruột non phải nằm viện gần 3 tháng, Tết 2021 em mới được về quê”, chị Hằng kể lại quãng thời gian tăm tối vì sức khỏe.

Kiên trì không từ bỏ và “ánh sáng nơi cuối con đường”

Không khuất phục trước khó khăn cùng với khát khao cháy bỏng gọi hai tiếng “con yêu”, khi sức khỏe dần đi vào ổn định, giữa năm 2022 qua lời giới thiệu của một người chị cùng quê đã thực hiện IVF thành công tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chị Hằng anh Hùng một lần nữa mang theo quyết tâm và hi vọng đi “tìm con”.

“Tháng 4 năm 2022, hai vợ chồng bắt đầu ra Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Bác sĩ Mỹ là người thăm khám đầu tiên cho vợ chồng, em kể lại hành trình tìm con hơn 10 năm của mình, những khó khăn vất vả phải trải qua và khao khát tìm con. Bác Mỹ động viện hai vợ chồng nhiều lắm đồng thời tư vấn làm IVF vì 2 bên vòi trứng của em vẫn bị tắc. Bác đưa ra phác đồ điều trị từng giai đoạn, bác cũng đồng hành với hai vợ chồng suốt hành trình IVF tại Bệnh viện”. Chị Hằng nhớ lại kỷ niệm khi được bác sĩ Mỹ thăm khám, tư vấn động viên.

“Dựa vào tiền sử chuyển phôi thất bại nhiều lần, ở lần tạo phôi này khi chị Hằng được 13 phôi ngày 3 loại tốt, bác sĩ đã tư vấn gia đình nuôi lên ngày 5 để tăng tỷ lệ phôi làm tổ. Ở Bệnh viện chúng tôi, rất nhiều trường hợp đã đón con thành công mặc dù trước đó đã từng chuyển phôi thất bại nhiều lần ở nơi khác. Ngày đó với trường hợp của chị Hằng chúng tôi có niềm tin mãnh liệt vào kết quả tốt đẹp sẽ đến với vợ chồng anh chị”, Ths BS Phạm Thị Mỹ – Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết.

Ngày 11/6/2022 chị Hằng bắt đầu chuyển phôi. Giấc mơ mà anh chị đã ao ước hơn 1 thập kỷ qua đã thành hiện thực, quá nhiều sự mong mỏi chờ đợi giờ đây đã hóa phép màu, nơi cuối con đường đã có ánh sáng. Ngày thứ 8 sau chuyển phôi, cầm que thử thai trên tay, người phụ nữ ấy đã vỡ òa hạnh phúc khi nhìn thấy hai vạch hiện rõ.

“Cầm chiếc que thử thai trên tay mà người em run run vì hạnh phúc, chồng em rớm nước mắt hỏi vợ, không phải mơ đúng không em? Giây phút đó em sẽ không bao giờ quên được, giây phút mà 13 năm qua em chờ đợi, con yêu đang đến rất gần rồi”.

Chuyển phôi thành công nhưng hành trình mang thai lại gặp muôn vàn khó khăn, vết mổ cũ trên thành bụng của chị bị áp xe suốt cả thai kỳ, tình trạng bán tắc ruột non và rò đường tiêu hóa, cổ tử cung ngắn… khiến hành trình mang thai đối mặt với nhiều nguy hiểm.

“Suốt từ tuần thứ 12 đến 25 tuần vết mổ cũ trên thành bụng của em sưng lên và chảy mủ. Bác sĩ nói, trường hợp vết mổ đó chảy mủ vào trong thì khó giữ được thai làm em lo sợ vô cùng. Rất may là sau đó em được điều trị thuốc, mủ vỡ ra, vết mổ lành lại nên mẹ con em mới gặp nhau an toàn”, chị Hằng kể lại.

Hành trình mang thai vất vả và nhiều nguy cơ, cùng với đó là mang song thai nên đến tuần 38 bác sĩ chỉ định can thiệp mổ lấy thai. Ngày 7/2/2023, ca mổ lấy thai thành công mang 2 “thiên thần” nhỏ Trịnh Duy Khuê và Trịnh Anh Thơ về bên gia đình nhỏ sau hơn 1 thập kỷ kiếm tìm.

“Hạnh phúc vô cùng, tiếng hai con òa khóc cũng là lúc giọt nước mắt hạnh phúc của chồng em lăn dài. Anh ấy khóc tu tu như một đứa trẻ. Chưa bao giờ em thấy chồng mình như vậy. Để có được hạnh phúc như ngày hôm nay thật sự không dễ dàng. 13 năm qua vượt bao khó khăn vất vả, có những lúc tuyệt vọng nhưng nỗi khát khao được làm cha làm mẹ của hai vợ chồng chưa khi nào lụi tắt. Cảm ơn các con đã đến bên bố mẹ, cảm ơn các y bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã mang con đến với gia đình em”, chị Hằng xúc động khi nghĩ về hành trình đã qua.

Mỗi gia đình hiếm muộn đều gặp những khó khăn thử thách trên hành trình tìm con, nhưng có lẽ rằng chính niềm tin, sự kiên trì nỗ lực không từ bỏ đã mang “trái ngọt” đến với những cặp vợ chồng. Câu chuyện hiếm muộn của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng và anh Trịnh Duy Hùng là một ví dụ điển hình cho ý chí không khuất phục trước số phận, cho dù thất bại nhiều lần nhưng vợ chồng anh chị vẫn động viên nhau cố gắng, đồng lòng tìm kiếm hạnh phúc nơi cuối hành trình.


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN