18 năm tìm con và hạnh phúc của người làm cha khi đón đứa con gái đầu lòng

30/05/2022

Bàn tay anh run rẩy khi lần đầu được bế đứa con mình mong đợi. Cảm xúc ấy không thể nói thành lời, chỉ biết là nước mắt cứ thế trào ra, bế con trong lòng mà vẫn cảm thấy như đang trong một giấc mơ.

Đó là cảm xúc của anh Nguyễn Văn Tám (Phú Thọ) cũng như nhiều người làm cha mẹ đi tìm kiếm con trong hành trình đằng đẵng hàng chục năm trời. Gia đình anh Nguyễn Văn Tám và chị Nguyễn Thị Lan hiếm muộn 18 năm do vợ tắc vòi trứng, chồng tinh trùng yếu, được BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội can thiệp hỗ trợ sinh sản và đã sinh bé gái ngày vào tháng 10/2021.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lan – anh Nguyễn Văn Tám (Phú Thọ) hạnh phúc bên con gái sau hành trình hiếm muộn 18 năm.

Mỗi gia đình là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng cuối cùng, họ đã chạm vào hạnh phúc thiêng liêng. Đó là gia đình chị Đỗ Thị Thu – anh Ma Minh Ngọc (Nam Định). Anh mắc hội chứng Klinefelter (nam giới mắc hội chứng này có một cặp nhiễm sắc thể giới tính X thay vì chỉ có một nhiễm sắc thể X, có bộ nhiễm sắc thể (NST) 47XXY (bình thường là 46XY) với đặc trưng là suy sinh dục, rối loạn nội tiết, tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém hoặc không sinh tinh) tưởng chừng không thể có được đứa con của chính mình. Cuối cùng, nhờ được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE tại Bệnh viện và thực hiện  thụ tinh ống nghiệm (TTTON) với trứng của vợ, cuối cùng, vợ chồng anh đã hạnh phúc đón bé sau nhiều năm nỗ lực chạy chữa.

Gia đình chị Tống Thị Thu Hà – anh Trần Khắc Đạt  (Phú Thọ): Hai vợ chồng kết hôn lần 2, với chồng/vợ trước đều có con riêng. Tuy nhiên, khi kết hôn với nhau, anh bị quai bị nên khi khám, bác sĩ phát hiện tình trạng của anh là vô tinh – không có tinh trùng trong tinh dịch. Khi này, con riêng của chị mất, 2 vợ chồng quyết sinh con chung. Anh được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro Tese để làm TTTON với trứng của vợ. Kết quả đã sinh được bé gái.

Hay gia đình chị Phạm Thị Bích  – anh Nguyễn Quốc Hưng (Lai Châu) phải mất 13 năm ròng “tìm con” với rất nhiều trăn trở. Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ – anh Hà Khánh Cương (Thái Nguyên) thì không may 2 vợ chồng mang gen Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), khả năng cao sinh con tự nhiên sẽ mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ. Do đó, anh chị đã được bác sĩ tư vấn thực hiện TTTON, đồng thời áp dụng chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi để có thể sinh bé khoẻ mạnh.

Chị Thu Hà – anh Khắc Đạt (Phú Thọ) hạnh phúc bên cô con gái nhỏ sinh ra nhờ TTTON.

BS.CK.II Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Qua từng năm, tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân hiếm muộn cần can thiệp các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điển hình là IVF càng tăng là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Bệnh viện, đúng với phương châm “tất cả vì người bệnh. “Chặng đường 10 năm không quá dài nhưng với những người gắn bó với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản như chúng tôi, đó là một chặng đường đầy thử thách, đầy trăn trở nhưng cũng tự hào và hạnh phúc. Trăn trở với muôn vàn nỗi niềm khác nhau từ người hiếm muộn, hạnh phúc khi được đồng hành cùng họ trong hành trình chạm đến mơ ước thiêng liêng. Ngoài những thành tựu mà Bệnh viện đã đạt được thời gian qua thì vẫn còn không ít trường hợp mà y học chưa thể can thiệp. Do đó, chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để giúp các gia đình hiếm muộn, đặc biệt là các trường hợp khó không rơi vào bế tắc trong hành trình tìm con”, BS Lợi trăn trở nói.

Trong nhiều năm qua, Bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục nghìn ca đến khám và điều trị. Trong đó, rất nhiều trường hợp thành công mà câu chuyện của họ không chỉ là minh chứng cho những điều “kỳ diệu” của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại mà còn là nguồn động lực to lớn cho những ai đang trong hoàn cảnh tương tự có thêm hy vọng.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 – 2022) và Hội thảo tổng kết “Tuần lễ Vàng Uơm mầm hạnh phúc 2022”, chủ đề “Trao yêu thương – nhận hạnh phúc” của BV ngày 29/5, nhiều trường hợp đặc biệt khác tham dự hội thảo như gia đình hiếm muộn nhiều năm (vợ tắc vòi trứng, chồng tinh trùng yếu), gia đình có chồng bị quai bị, ảnh hưởng đến việc sinh con tự nhiên khi tuổi cũng đã lớn, phải can thiệp kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE…. cũng nhận được sự quan tâm, đồng cảm lẫn khâm phục của mọi người.

Trong buổi hội thảo, các cặp vợ chồng đã tiến hành bốc thăm để nhận các giải thưởng giá trị gồm: 01 gói hỗ trợ Đặc biệt, trị giá 100 triệu đồng; 05 gói hỗ trợ Vàng, trị giá 30 triệu đồng/gói; 15 gói hỗ trợ Bạc, trị giá 10 triệu đồng/gói; 25 gói hỗ trợ Đồng, trị giá 5 triệu đồng/gói; 30 gói hỗ trợ Cơ bản, trị giá 2 triệu đồng/gói. Nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện còn dành tặng 10 gói hỗ trợ 50% chi phí thực hiện TTTON (tương đương 50 triệu đồng/gói). Bên cạnh đó, Bệnh viện còn trao giải cho các gia đình tham gia cuộc thi ảnh với chủ đề “Nụ cười thiên thần” và cuộc thi viết với chủ đề “Hành trình hạnh phúc”. Có 16 giải thưởng được trao cho mỗi cuộc thi, bao gồm 1 giải nhất, 5 giải nhì, 10 giải ba với giá trị lần lượt là 10 triệu đồng/giải, 5 triệu đồng/giải và 2 triệu đồng/giải.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền – Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện chia sẻ: “Hơn ai hết, chúng tôi cũng hiểu rõ gánh nặng chi phí mà các cặp vợ chồng phải chi trả để theo đuổi quá trình điều trị lâu dài dù chi phí này so với các nước trong khu vực đã thấp hơn nhiều. Do đó, ngoài nỗ lực trong công tác chuyên môn, chúng tôi luôn cố gắng để giúp đỡ các cặp vợ chồng rút ngắn thời gian trên hành trình tìm kiếm con yêu.


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN