13/01/2021
Ngày 01/07/2020 là ngày mà anh Trần Anh Tú (sinh năm 1975) và chị Đỗ Thị Huệ (sinh năm 1981) ở Thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa không thể nào quên bởi giấc mơ làm cha mẹ của anh chị đã trở thành hiện thực khi con yêu chào đời sau 19 năm gia đình ra Bắc vào Nam tìm con nhờ phương pháp mổ MicroTESE – vi phẫu tinh hoàn để tìm tinh trùng trong đó. Đây có thể coi là cứu cánh cuối cùng của những bệnh nhân vô tinh (không có tinh trùng) hiện nay.
Như bao cặp đôi khác, anh chị cũng trải qua một quãng thời gian dài tìm hiểu và yêu thương nhau trước khi tiến tới hôn nhân vào năm 2001. Cuộc sống vợ chồng son cứ thế trôi qua trong niềm vui và hạnh phúc, chuyện con cái anh chị cũng không vội vàng, hai vợ chồng bảo nhau “trời thương lúc nào thì mình có lúc đó”. Thế nhưng, một năm sau ngày cưới, anh chị mãi chẳng thấy có tin vui dù không thực hiện biện pháp phòng tránh nào. Sốt ruột, năm 2002, hai vợ chồng bèn đưa nhau tới Bệnh viện tỉnh để khám, bác sĩ kết luận anh không có tinh trùng. Lúc này, trời đất như sụp đổ với anh chị, không có tinh trùng thì phải làm sao để có con đây?
Thời điểm đó, các bệnh viện chuyên về vô sinh – hiếm muộn còn rất ít, các kĩ thuật, phương pháp điều trị cũng chưa phát triển được như hiện nay và chi phí điều trị cũng là một gánh nặng lớn với các gia đình. Không tin rằng cả đời này mình không thể có con, anh chị trở về nhà, tập trung làm kinh tế để có chi phí trang trải cho hành trình dài tìm kiếm con sắp tới.
Ước mơ về mái ấm gia đình luôn thường trực trong anh chị (Hình: Internet)
Năm 2007, anh chị quyết định chuyển vào Nam sinh sống, phần vì công việc, phần vì ở đây các phương pháp điều trị Vô sinh – Hiếm muộn cũng phát triển hơn. Anh chị đã tới thăm khám ở những bệnh viện lớn, nổi tiếng trong điều trị Vô sinh – Hiếm muộn, đi tới đâu, các bác sĩ cũng kết luận chồng không có tinh trùng, không thể có con. Chẳng nản chí, anh chị về nhà, Y học hiện đại không thể giúp thì tìm tới thuốc nam, các loại lá, thảo dược, biết đâu lại hợp thầy hợp thuốc, con sẽ về. Uống thuốc suốt 1 năm trời, ngày tái khám tại một bệnh viện chuyên Nam học ở phía Nam, anh chị lại lặng đi khi nhận kết quả xét nghiệm của anh, vẫn là không có tinh trùng. Bác sĩ tư vấn, trường hợp của anh, dù có mổ thì cũng không thành công vì không có khả năng có con.
Có lẽ ông trời đang muốn thử thách hai vợ chồng nên chưa thể cho anh chị được hưởng niềm hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Lại tiếp tục rong ruổi tìm thầy tìm thuốc, cứ ai mách đâu có thuốc tốt thầy giỏi, anh chị lại đưa nhau đến khám và bốc thuốc, gần 300 thang thuốc Bắc đã được anh Tú uống suốt hơn 1 năm ròng. Nghỉ ngơi vài năm cho thuốc ngấm, hai vợ chồng lại đến Bệnh viện để kiểm tra. Lần này, anh chị hy vọng lắm, ấy thế mà, kết quả vẫn là con số O tròn trĩnh. Chẳng còn nước mắt để khóc nữa, chị Huệ cố gắng động viên chồng. Giờ không có tinh trùng thì mình đi xin từ ngân hàng tinh trùng, cơ hội làm cha mẹ của mình vẫn còn.
Nhưng 2 lần thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ tinh trùng xin từ ngân hàng tinh trùng của Bệnh viện cũng thất bại. Chị nghĩ, không có con thì vợ chồng cố gắng làm lụng, kiếm tiền để làm gì. Không có con thì của cải làm ra cũng đâu có ý nghĩa.
Bẵng đi một thời gian, vào một ngày đầu năm 2019, trong một lần đọc tin tức trên mạng xã hội, chị Huệ tình cờ biết một cặp vợ chồng khá lớn tuổi đã đón được con yêu thành công khi thực hiện IVF tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Như được tiếp thêm động lực, đầu tháng 2 năm đó, anh chị mua vé máy bay Bắc để khám với hy vọng biết đâu lần này may mắn sẽ mỉm cười với 2 vợ chồng.
Thạc sỹ, Bác si Đinh Hữu Việt – Trưởng khoa Ngoại – Tiết niệu và Nam học đang tư vấn cho bệnh nhân
Tại Bệnh viện, sau khi thăm khám cho cả hai vợ chồng, Thạc sỹ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt đã trực tiếp tư vấn cho anh chị, Bác sĩ nói: “Trường hợp của gia đình, khả năng tìm thấy tinh trùng sau khi mổ vi phẫu tìm tinh trùng MicroTESE là 40%”. Nghe đến đây, mắt chị cứ nhòe đi, không phải là có khả năng nữa mà là có thể thành công tới 40%. Giống như ánh sáng cuối con đường, anh chị quyết định làm hồ sơ và đợi chu kì kinh tới của chị thực hiện luôn. Ngày chị chọc trứng cũng là ngày anh được Thạc sỹ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt mổ tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn của anh. Chị chọc được 7 trứng, kết hợp với tinh trùng của anh tạo được 6 phôi và ở lần chuyển phôi đầu tiên chị đã đậu thai. Trải qua 36 tuần thai, trộm vía sức khỏe của chị tốt, không bị ốm nghén nhiều, bé Trần Anh Dũng ra đời ngày 01/07/2020 với cân nặng 3.3kg.
Chị Đỗ Thị Huệ bên câu con trai kháu khỉnh (Hình: Nhân vật cung cấp)
Vậy là, 19 năm chờ đợi, 19 năm với biết bao nước mắt, cuối cùng, hạnh phúc đã đến với gia đình anh Tú chị Huệ. Bé Sóc (tên thường gọi ở nhà) là trái ngọt được kết tinh từ tình yêu của anh chị và được ươm mầm từ nhưng đôi bàn tay, khối óc và tấm lòng của các đội ngũ Y bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Hành trình tìm con của gia đình anh Tú chị Huệ chắc hẳn khiến nhiều người bất ngờ vì sự quyết tâm và tình cảm anh chị dành cho nhau. Tuy vất vả nhưng chắc chắn những ngày tiếp theo, tổ ấm của anh chị sẽ luôn ngập tràn hạnh phúc và tiếng cười của thiên thần nhỏ.
TLinh