06/07/2020
Chào chị!
Quá trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn như: hoàn thành hồ sơ, kích thích buồng trứng, chọc hút trứng (noãn) đến chuyển phôi. Trong đó, chuyển phôi là một trong những giai đoạn quan trọng nhất mà bệnh nhân phải trải qua.
Các bác sĩ bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thực hiện một ca chọc hút trứng. Trứng thu được từ quá trình này sẽ đem đi thụ tinh trong phòng thí nghiệm tạo thành phôi. Phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung nhờ thủ thuật chuyển phôi sau đó làm tổ, phát triển.
Khi thực hiện chuyển phôi, các chuyên viên phôi học sẽ đưa phôi vào một catheter (một ống thông nhỏ, dài, làm bằng nhựa mỏng và dẻo) có chứa môi trường, nhiệm vụ của bác sĩ sẽ đưa phôi vào vị trí hợp lý dưới hướng dẫn của siêu âm đường bụng. Chuyển phôi là một quá trình nhẹ nhàng, không gây đau đớn nhưng bản thân bệnh nhân vẫn luôn có những lo lắng nhất định. Do đó, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân cần lưu ý:
- Trước ngày chuyển phôi là giai đoạn rất quan trọng vì có thể tâm lý bệnh nhân sẽ rất nặng nề. Chúng ta cần sử dụng thuốc uống và thuốc đặt theo đúng chỉ định của bác sĩ với 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian.
- Trong ngày chuyển phôi, để đảm bảo an toàn và thuận lợi, người bệnh cần phải thực hiện: không trang điểm và không sử dụng nước hoa hay các loại hoá chất có mùi, đảm bảo sức khoẻ tốt nhất, uống nước và nhịn tiểu nhằm giúp cho quá trình chuyển phôi được dễ dàng hơn.
- Giai đoạn sau chuyển phôi là một quá trình kéo dài khoảng 10 đến 12 ngày cho đến khi thử thai. Tâm lý người bệnh trong giai đoạn này sẽ rất hồi hộp và lo lắng. Vì vậy, người bệnh cần đặc biệt lưu ý:
Tại bệnh viện: Sau chuyển phôi, khoảng 20 đến 30 phút, người bệnh có thể dậy đi tiểu để tránh đờ bàng quang, nằm nghỉ theo dõi tại giường một đến hai giờ dưới sự chăm sóc và chỉ được ra về khi có sự đồng ý của nhân viên y tế.
Quá trình theo dõi sau chuyển phôi tại nhà: Người bệnh cần thực hiện đúng theo đơn thuốc của bác sĩ, ăn uống bình thường, "ăn chín uống sôi", tránh các chất kích thích, thức ăn có thể gây táo bón hay đi lỏng. Vận động nhẹ nhàng, tránh lao động nặng và tuyệt đối không nằm bất động tại chỗ. Nếu công việc nhẹ nhàng, bạn có thể đi làm bình thường. Hãy giữ một tinh thần thoải mái, tránh stress. Vệ sinh toàn thân và bộ phận sinh dục tốt. Nên kiêng quan hệ cho đến khi thử thai. Trong quá trình theo dõi tại nhà, nếu bệnh nhân thấy đau bụng nhiều, ra máu âm đạo đỏ, khó thở... hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có lời khuyên tốt nhất. Người bệnh cần thử thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, tránh thử sớm gây hoang mang và lo lắng.
Quá trình sau chuyển phôi sẽ là một quá trình người bệnh đặt nhiều niềm tin và hy vọng, kèm theo đó là những lo lắng, bồn chồn. Do đó, hãy giữ một tinh thần thật lạc quan và thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Chúc chị sớm có tin vui!
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung Chuyên Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội