Vợ chồng em kết hôn được 1,5 năm nhưng chưa có em bé. Chúng em chỉ kế hoạch trong vòng 3-4 tháng sau khi cưới, thời gian còn lại là “thả” mà cũng không thành công. Em đã đi khám thì bác sĩ nói là bình thường. Bác sĩ cho em hỏi, như vậy thì vợ chồng em đã rơi vào trường hợp hiếm muộn hay chưa? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn!

20/06/2016

Một cặp vợ chồng được coi là hiếm muộn – vô sinh khi hai vợ chồng mong muốn có con, chung sống với nhau bình thường, không sử dụng một biện pháp ngừa thai nào mà sau một năm vẫn không có thai. Hiếm muộn có thể do nguyên nhân từ người chồng hoặc người vợ. Nói chung, khoảng 30% trường hợp nguyên nhân hiếm muộn là hoàn toàn do chồng, 30% nguyên nhân do vợ và phần còn lại là do nguyên nhân từ cả hai vợ chồng. Do đó, cả vợ và chồng đều phải có trách nhiệm đi khám để tìm nguyên nhân của tình trạng khó có con. Như trường hợp của bạn, bạn đã đi khám và bác sĩ kết luận bình thường thì bạn có thể yên tâm phần nào. Việc cần làm bây giờ là nên động viên chồng bạn đi kiểm tra sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe sinh sản. Trường hợp vợ chồng bạn chưa có con có thể do 2 nguyên nhân: Một là nguyên nhân xuất phát từ phía chồng bạn, hai là do cả hai có “quan hệ” không đúng thời điểm thuận lợi để thụ thai. Cũng có trường hợp cả hai vợ chồng đều bình thường về phương diện sinh sản, nhưng tinh trùng người chồng không thích hợp với chất nhầy ở cổ tử cung người vợ, làm cho tinh trùng bị chết và không đi vào đường sinh dục nữ được. Trường hợp này thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm sau giao hợp: bác sĩ sẽ lấy chất nhầy ở cổ tử cung người vợ vài giờ sau giao hợp để xem sự di động và khả năng sống của tinh trùng. Vì vậy, chồng bạn nên đi khám để biết nguyên nhân chính xác do đâu và có hướng khắc phục kịp thời. Các nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở nam giới có thể bao gồm: không có tinh trùng, tinh trùng quá ít, tinh trùng di động yếu, tinh trùng bị dị dạng. Các vấn đề này có thể được chẩn đoán khi làm xét nghiệm về tinh dịch (thường gọi là tinh dịch đồ). Ngoài ra, nam giới có thể hiếm muộn do bị bất lực, xuất tinh sớm hay xuất tinh ngược dòng (tinh dịch không được phóng ra ngoài, mà chảy ngược vào bàng quang, sau đó được đi tiểu ra ngoài). Sau khi đi khám và được bác sĩ tư vấn cách chữa trị hoặc điều chỉnh lối sống để sớm có em bé, vợ chồng bạn nên tuân thủ đúng như lời khuyên của bác sĩ. Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!

Bác sỹ Phạm Văn Hưởng – Bác sỹ chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn - Trưởng khoa khám bệnh


Chia sẻ: 

HỎI ĐÁP MỚI NHẤT