Bệnh Quai Bị

01/08/2016

Trong thời gian gần đây Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tiếp nhận và khám cho bệnh nhân đến khám do viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn, chậm sinh con hoặc vô sinh đều có tiền sử bị quai bị.

a-5-1448937355757

(Ảnh minh họa)

I – Bệnh học Quai bị

Quai bị do virus có tên là Mumpsvirus, thuộc họ Pramisovirus. Bệnh kéo dài khoảng 10 ngày, hoặc hơn. Lâm sàng diễn tiến với những trường hợp điển hình:

  • Bệnh nhân bị sưng to một bên má, lệch mặt như đeo bị, bên trên quai hàm (dân gian gọi là quai bị). Sau vài ngày, bên má này giảm sưng thì có thể sưng to má bên kia. Do virus tấn công vào tuyến nước bọt.
  • Đặc biệt chỗ má sưng không hóa mủ (chẩn đoán phân biệt với viêm tuyến nước bọt ).
  • Sốt cao 39 -40 độ, kéo dài 3 – 4 ngày.
  • Bệnh nhân có thể khó chịu nhức đầu, đau trước tai , đau khi nhai nuốt : kéo dài 2 – 3 ngày

Có những trường hợp có những triệu chứng không điển hình, bệnh nhân tưởng nhầm là bệnh khác hoặc bỏ qua giai đoạn điều trị. Các thể không điển hình :

  • Quai bị dẫn đến viêm tuyến nước bọt mang tai (không hóa mủ) chiếm 70%. Thời gian mang bệnh có thể 18 – 21 ngày.
  • Viêm tinh hoàn : gặp ở người trưởng thành 10 – 30%.
  • Teo tinh hoàn : bị teo tinh hoàn hay không phải sau 2 tháng mới biết rõ.

Đường lây lan

  • Lây lan qua đường hô hấp, đường ăn uống, nói to hắt hơi, qua giọt nước bọt. Do đó dễ truyền bệnh cho người khác.
  • Virus tồn tại trong nước tiểu 2 -3 tuần (người ta nghi ngờ lây qua đường phân và nước tiểu).

Lứa tuổi mắc bệnh

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, trong đó:

  • Trẻ em thường bị từ 10-19 tuổi (lứa tuổi trường học , nhà trẻ).
  • Nam bị nhiều hơn nữ.
  • Ít gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Thời điểm

Thường là mùa xuân hoặc mùa đông.

Biến chứng của quai bị

  • Viêm tinh hoàn , mào tinh hoàn chiếm 20 -25% ở người sau tuổi dậy thì .
  • Bệnh nhân bị viêm sốt 3 – 7 ngày : 50% số tinh hoàn bị teo.
  • Nữ giới viêm buồng trứng chiếm 7% ( ít teo buồng trứng , ít bị biến chứng vô sinh).
  • Nữ bị quai bị 3 tháng đầu dễ bị sảy thai, 3 tháng cuối dễ sinh non, thai lưu.
  • Nhồi máu phổi (do một vùng phổi thiếu máu nuôi dưỡng).
  • Viêm tụy 3 – 7%.
  • Viêm não 0,5%.
  • Biến chứng khác: có thể bị viêm cơ tim, tuyến lệ, viêm tuyến giáp, viêm thần kinh thị giác ( đưa đến giảm thị lực tạm thời), viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.

Xét nghiệm

  • Phân lập virus từ máu, dịch họng, dịch tiết từ ống Stenon, nước tiểu hay dịch não tủy.
  • Các phản ứng huyết thanh: Test Elisa, miễn dịch huỳnh quang trung hòa bổ thế.

Tuy nhiên chẩn đoán bệnh quai bị vẫn chủ yếu dựa vào dấu hiệu lâm sàng và chính bản thân bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cũng tự chẩn đoán được bệnh và đến bệnh viện.

Phòng bệnh

Tiêm vắc xin từ 12 tháng tuổi trở lên (tiêm vắc xin tam liên M M R: Measles – Mumps- Rubella phòng Sởi, Quai bị, Rubella). Khi đã bị mắc bệnh quai bị thì có miễn dịch bền vững cả đời.

II – Một trong các biến chứng của quai bị dẫn đến teo tinh hoàn, giảm số lượng, chất lượng tinh trùng dẫn đến hiếm muộn và vô sinh.

Tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, trong 6 tháng mùa đông xuân (từ 01/12/2015 đến hết 31/05/2016), số lượng bệnh nhân đến khám có viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn có tiền sử quai bị là 58 trường hợp (chúng tôi lấy các trường hợp đủ số liệu thống kê).

Trong số đó, có 20 bệnh nhân được chẩn đoán không có tinh trùng trong tinh dịch (Azoospermie) do biến chứng teo tinh hoàn sau quai bị. Chúng tôi đã kiểm tra trên lâm sàng, siêu âm, tinh dịch đồ:

A.    Lâm sàng

  • Tinh hoàn teo nhỏ, thể tích 8-10ml theo thước Prader, (bình thường ở lứa tuổi trưởng thành, thể tích tinh hoàn từ 18- 25ml).
  • Mật độ tinh hoàn mềm, nhẽo.
  • Mào tinh nhỏ, mềm.

Phần lớn các bệnh nhân đến với chúng tôi sau khi đã được chẩn đoán mắc bệnh quai bị hoặc có tiền sử quai bị gây viêm teo tinh hoàn và dẫn đến vô sinh. Khám lâm sàng phát hiện thấy 93.1% (tương ứng 54 trường hợp) có teo tinh hoàn, trong số đó, teo tinh hoàn 2 bên là 49 trường hợp (90.7%) và teo tinh hoàn 1 bên là 5 trường hợp (9.3%). Và tất cả các trường hợp đều thấy mật độ tinh hoàn mềm, nhẽo nên tiên lượng khả năng sinh tinh sẽ khó.

Tổng số (N) Thể tích tinh hoàn bình thường Teo tinh hoàn
Teo 1 bên Teo 2 bên
58 4 5 49
100% 6.9% 8.6% 84.5%

B.    Siêu âm

Với những trường hợp điển hình, siêu âm đo kích thước tinh hoàn có thể thấy kích thước giảm cả 3 chiều biến đổi hình dạng tinh hoàn: tinh hoàn mất hình hạt đậu điển hình mà trở thành hình dẹt, nhu mô tăng âm, âm vang không đồng nhất, giảm tưới máu trên phổ Doppler.

Đôi khi có thể gặp những nốt vôi hóa của nhu mô tinh hoàn, nhu mô mào tinh, vôi hóa màng tinh hoàn, có thể gặp tràn dịch màng tinh hoàn cũ, đã vách hóa.

Ngoài ra, có thể gặp các bệnh lý đi kèm như giãn tĩnh mạch tinh…

Siêu âm các trường hợp teo tinh hoàn sau quai bị đều thấy kích thước tinh hoàn giảm cả 3 chiều. Đặc biệt có 1 trường hợp, bệnh nhân N. ở Lào Cai, tinh hoàn Trái bị teo sau quai bị chỉ còn 1 dải xơ nối giữa thừng tinh với đáy bìu.

C.    Tinh dịch đồ

Thể tích mỗi lần xuất tinh giảm (<1.5ml theo tiêu chuẩn của WHO 2010), mật độ (số lượng tinh trùng trong mỗi ml tinh dịch dưới 15 triệu), tổng số tinh trùng, cả độ di động, tỷ lệ sống và hình dạng bình thường của tinh trùng đều giảm. Những trường hợp nặng có thể không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch. Sau ly tâm toàn bộ mẫu tinh dịch với tốc độ 3000 vòng/phút, và soi trên vật kính 10X và 40X, chỉ phát hiện 1 -2 tinh trùng di động yếu hoặc bất động (OAT- Oligo Astheno Teratospermie), hay thậm chí không phát hiện thấy tinh trùng sau ly tâm (Azoospermie).

Chúng tôi nhận thấy số bệnh nhân có tinh dịch đồ bình thường sau quai bị chiếm 26.8% (có hoặc không có teo tinh hoàn). Số bệnh nhân bị thiểu, nhược, quái tinh (OAT) chiếm 37.5% (21 trường hợp) và số bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch (Azoospermie) là 35.7% (tương ứng là 20 trường hợp). Với những bệnh nhân này, sẽ rất khó để có thể có con tự nhiên, buộc phải tiến hành các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Ngoài ra còn có 2 trường hợp bệnh nhân nam nhỏ hơn 13 tuổi, chưa dạy thì nên không làm được tinh dịch đồ.

Tổng số TDĐ bình thường OAT Azoospermie
56 15 21 20
100% 26.8% 37.5% 35.7%

III – Phòng và chữa bệnh

Khi giai đoạn cấp xảy ra, bệnh nhân hạn chế đi lại, không thể dục thể thao, kiêng vận động mạnh, nằm nghỉ ngơi tại giường để giảm đau, sưng tinh hoàn, viêm tinh hoàn dẫn đến teo tinh hoàn. Bệnh nhân hạn chế đến những nơi tập trung đông người (xe bus, trường học, siêu thị… nếu bắt buộc nên đeo khẩu trang để hạn chế lây lan ra cho cộng đồng).

  • Kháng sinh
  • Giảm đau
  • Hạ sốt
  • Chống phù nề
  • An thần
  • Vitamin C và nhóm B tăng cường thể lực
  • Vệ sinh răng miệng
  • Đeo khẩu trang tránh lây nhiễm cho người khác
  • Không rượu bia, ăn uống nhẹ
  • Không quan hệ tình dục

Bệnh nhân đến với chúng tôi thường sau 15 ngày thậm chí 1- 2 tháng từ khi mắc bệnh để kiểm tra số lượng, chất lượng tinh trùng và tinh hoàn, do sợ ảnh hưởng đến sinh sản sau này hoặc bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp của bệnh, phần lớn là những trường hợp sau khi đã kết hôn, không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có con (vô sinh). Do đó chúng tôi xin cảnh báo các bạn trẻ trong lứa tuổi sinh sản cần hiểu biết bệnh quai bị , điều trị và phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm với cộng đồng, và nguy cơ cho bản thân. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, xin mời đến với Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để được khám, tư vấn và điều trị.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. 


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN