20/07/2023
Theo các bác sĩ, chưa có bằng chứng thấy rằng em bé IVF có sức khỏe kém hơn thai tự nhiên vì vậy các bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm.
IVF – In Vitro Fertilization, đây là tên viết tắt của phương pháp hỗ trợ sinh sản: thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này thực hiện bằng cách để trứng của người phụ nữ và tinh trùng của nam giới kết hợp ở bên ngoài cơ thể, cụ thể là ở trong môi trường của phòng thí nghiệm. Để đem lại hiệu quả cao nhất, trước khi cho trứng kết hợp với tinh trùng, các bác sĩ sẽ tiến hành lọc rửa tinh trùng, lựa chọn sản phẩm tốt và khỏe mạnh.
Hiện nay, có rất nhiều gia đình tìm đến phương pháp này, đặc biệt là các cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc em bé sinh ra bằng phương pháp IVF liệu có yếu ớt hay kém thông minh so với em bé sinh ra bằng phương pháp thụ thai thường hay không.
Chị Mai (35 tuổi, sống tại Hà Nội) mong muốn tìm đến phương pháp IVF khi đã nhiều năm tìm con nhưng không thành công. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ lại lo lắng khi nghe người nhà nói rằng em bé IVF thường kém thông minh, hay bị bệnh và chắc chắn không được như em bé thông thường. Điều này khiến bà mẹ trẻ hoang mang, không biết có nên thực hiện IVF hay không.
BSCKI Hồ Văn Thắng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Trao đổi về vấn đề này, BSCKI Hồ Văn Thắng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nhận định:
Trong tự nhiên, tinh trùng sẽ bơi từ âm đạo đến vị trí 2/3 ngoài vòi tử cung gặp trứng, hàng trăm tinh trùng bám xung quanh trứng tiết ra một loại men đặc hiệu đục thủng màng trứng và một tinh trùng nhanh nhất sẽ xâm nhập vào để thụ tinh. Đối với IVF, hiện nay hầu hết các trung tâm hỗ trợ sinh sản đều sử dụng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) tức là 1 tinh trùng sẽ được tiêm trực tiếp vào 1 trứng để thụ tinh.
Điều này đã khiến cho nhiều gia đình băn khoăn liệu rằng như vậy có phải đã bỏ qua sự chọn lọc tự nhiên của tinh trùng? Vì trong tự nhiên thì chỉ có những tinh trùng khỏe, bơi tốt mới đến được với trứng. Tuy nhiên các bạn có thể bỏ qua băn khoăn này, hoàn toàn yên tâm vì mẫu tinh trùng của chồng trước khi được sử dụng để làm IVF đều đã phải trải qua quá trình lọc rửa nhiều bước để lựa chọn những tinh trùng tốt nhất (về hình thái, khả năng di động) trước khi dùng để thụ tinh.
Ngoài ra, quá trình thực hiện IVF không có tác động vào nhân noãn và nhân ở đầu tinh trùng, do đó cũng không làm thay đổi vất chất di truyền của bố mẹ di truyền cho phôi thai. Chính vì vậy, phôi thai từ IVF cũng tương tự thai tự nhiên.
Năm 1978, Louise Joy Brown – em bé IVF đầu tiên cất tiếng khóc chào đời và kể từ đó đến nay đã có hơn 8 triệu trẻ em sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm, hiện tại mỗi năm có khoảng 2 triệu trẻ sinh ra từ kỹ thuật này. Đã có rất nhiều nghiên cứu theo dõi, đánh giá sức khỏe cho thấy rằng các em bé sinh ra từ IVF phát triển hoàn toàn bình thường giống như những đứa trẻ khác, chưa có bằng chứng thấy rằng em bé IVF có sức khỏe kém hơn thai tự nhiên vì vậy các bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm.
Sau khi đặt phôi vào buồng tử cung, phôi thai làm tổ và thai nhi sẽ phát triển tương tự như thai tự nhiên, do đó các mẹ bầu IVF cũng sẽ có chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi tương tự như các trường hợp thai tự nhiên.
Thai IVF sẽ có thêm thuốc nội tiết hỗ trợ hoàng thể trong 12 tuần đầu, lịch siêu âm kiểm tra thai có thể dày hơn nên các mẹ bầu cần tuân thủ theo đơn và hướng dẫn của bác sỹ. Từ mốc thai 12 tuần trở đi, đa phần sẽ không cần sử dụng thêm nội tiết hỗ trợ, khi đó mẹ bầu chỉ cần sử dụng các loại Vitamin cần thiết cho phụ nữ mang thai như sắt, canxi,… và có lịch khám thai tương tự thai tự nhiên. Ngoài ra, với các mẹ bầu IVF có tiền sử mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản cần được sự thăm khám, theo dõi và điều trị theo chế độ riêng của bác sỹ chuyên khoa.