26/12/2018
Các bé trai rất dễ gặp những dị tật về ống bẹn gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tình dục của trẻ sau này.
Ngay từ khi con trai ra đời, chị M.H (Tân Mai, Hà Nội) nhận thấy phần vùng kín của con hơi nhỉnh hơn các trẻ khác. Chị tâm sự với người lớn trong nhà, với chồng đều bị gạt đi vì “trẻ con nào chẳng vậy, lớn rồi là trông nó lại cân xứng với người hết”. Nhìn con vẫn khỏe mạnh, tăng cân bình thường, chị lại bỏ qua và không suy nghĩ gì nhiều. Thế nhưng, càng lớn, tình trạng của bé càng bất thường.
Thời gian đầu, bé nhà chị chỉ xuất hiện khối sa bìu nhỏ. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi bé ho, khóc, rặn khi đi đại tiện hay sau khi cố vận động mạnh. Chính vì điều này, nên gia đình chủ quan không cho bé thăm khám sớm. Tuy nhiên, đến gần 2 tuổi, các khối thoát vị phát triển lớn lên. Đến khi bé cảm thấy đau tức thường xuyên, chướng bụng, nôn trớ, không đại tiện được, gia đình mới hốt hoảng đưa con đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán rằng thoát vị bẹn bị nghẹt và cần phải mổ gấp.
Thoát vị bẹn ở trẻ
Thoát vị bẹn là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Đó là tình trạng phình lên một cách bất thường, hoặc dạng lồi, có thể nhìn thấy được và cảm thấy được ở khu vực háng. Bên trong phần phình lên là các tạng trong ổ bụng.
Trong quá trình phát triển của bé trai trong bụng mẹ, thừng tinh và hai tinh hoàn bắt đầu từ trong vị trí bình thường của bụng, di chuyển xuống ống bẹn và vào bìu, vào một túi chứa tinh hoàn. Đôi khi lối vào ống bẹn ở vòng bẹn không đóng kín sau khi sinh, để lại một điểm yếu trong thành bụng. Chất béo hoặc một phần của ruột non sẽ trượt vào điểm yếu này, gây ra thoát vị. Ở bé gái, thoát vị bẹn gián tiếp gây ra bởi các phần phụ hoặc ruột non. Thoát vị bẹn xảy ra ở 2-3% bé trai và dưới 1% đối với bé gái. Trẻ sinh non có nguy cơ cao lên đến 30% do thời gian để ống bẹn đóng lại ngắn hơn bình thường.
Ths.Bs Đinh Hữu Việt (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết thời gian phát hiện bệnh có thể là ngay sau sinh nhất là ở trẻ sinh non tháng hoặc có thể sau sinh vài tháng do sau một đợt trẻ ho nhiều hoặc rặn nhiều. Thoát vị bẹn không phải là một bệnh cấp cứu, tuy nhiên nếu sau một tuổi không thấy tự khỏi cần cho trẻ đi khám.
Bác sĩ cũng cảnh báo thêm ở bất kỳ độ tuổi nào khi thấy có dấu hiệu đau, khối thoát vị không đẩy lên được cần phải đi khám vì rất có thể đấy là dấu hiệu nghẹt cần can thiệp tức thì để tránh hoại tử ruột, hoại tử các tạng. Ngoài ra, thoát vị bẹn cũng là một trong các yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn, nghẹt ống dẫn tinh gây vô sinh.