06/08/2019
Riêng nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng) thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam. Hiện đã có kỹ thuật mổ vi phẫu khá mới tại Việt Nam giúp cho các bệnh nhân có cơ hội được làm bố.
Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội thảo kỷ niệm 7 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, ngày 4/8.
Trong báo cáo “Cập nhật tiến độ mới trong điều trị vô sinh nam”, ThS.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại – Tiết niệu và Nam học cho biết: Theo thống kê, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân. Như vậy, tỷ lệ vô sinh ở cả nam và nữ là ngang nhau.
Tuy nhiên, trước đây, vì nhiều lý do, quan niệm cho rằng vô sinh thường xuất phát từ nữ giới. Ngày nay, sự tiến bộ của y học cùng sự xuất hiện của các kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh nam, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới được tìm ra và có thể chữa trị được.
Đông đảo bệnh nhân đến khám trong Tuần lễ vàng của bệnh viện. Ảnh M.T
Đối với trường hợp vô sinh ở nhóm có tinh trùng thì việc điều trị hướng đến mục đích làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng bằng cách dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc phẫu thuật ngoại khoa.
Riêng nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng) thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn. Nguyên nhân thứ hai do tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng, tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc, thường sẽ khó khăn hơn.
Chuyên viên phôi học thực hiện các thủ thuật trong Lab. Ảnh: M.T
Hướng điều trị cho người không có tinh trùng nguyên nhân do tắc là mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Còn trong trường hợp không có tinh trùng do tinh hoàn sản xuất kém có thể mổ vi phẫu để tim từng con tinh trùng và tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi rồi chuyển vào tử cung người phụ nữ.
Kỹ thuật mổ vi phẫu khá mới tại Việt Nam hiện nay là Micro TESE (microdisection testicular sperm extraction) tức vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội áp dụng thành công thời gian qua cho thấy kết quả tìm thấy tinh trùng rất cao, ít tổn thương mô tinh hoàn, ít biến chứng.
Đây là kỹ thuật dùng để điều trị nhóm không có tinh trùng, kể cả khi tinh hoàn bị teo hay tổn thương nặng do biến chứng của quai bị. Đây cũng được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng cho những bệnh nhân vô tinh.
Hạnh phúc của người làm bố. Ảnh: M.T
Tại hội thảo, nhiều cặp vợ chồng chia sẻ về hành trình điều trị đặc biệt của họ tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Như trường hợp chị Lò Thị Nhung, phải “gom” trứng 5 lần mới có thể làm thụ tinh ống nghiệm và sinh được 1 con trai khoẻ mạnh khiến nhiều người xúc động và khâm phục nghị lực của người mẹ này.
Ngoài ra còn có trường hợp gia đình anh Đào Phú Khánh – Vũ Thị Phượng thành công nhờ kỹ thuật Micro TESE mang thai 3, sinh 2 trai 1 gái khoẻ mạnh. Trường hợp một gia đình khác thành công nhờ kỹ thuật Micro TESE là gia đình anh Hoàng Văn Duy, chị Nguyễn Thị Hằng. Hay gia đình chị Lê Thị Xuân mắc Thalassemia (hội chứng máu khó đông) cũng đã có được 1 trai, 1 gái nhờ thụ tinh ống nghiệm.
Vợ chồng anh Hoàng Văn Duy, chị Nguyễn Thị Hằng xúc động chia sẻ hành trình tìm con. Ảnh: M.T
Không trực tiếp chia sẻ trên sân khấu nhưng nhiều trường hợp đặc biệt khác tham dự hội thảo như gia đình hiếm muộn 23 năm, gia đình khuyết tật cả 2 vợ chồng, gia đình vô sinh không rõ nguyên nhân làm IVF lần đầu thành công sinh 3… cũng nhận được sự quan tâm, đồng cảm lẫn khâm phục của khách mời tham gia hội thảo.
Các trường hợp đặc biệt giao lưu trong chương trình. Ảnh: M.T
BS.CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Tiếp nhận hàng chục nghìn ca đến khám và điều trị trong nhiều năm qua, đồng nghĩa với việc chúng tôi chứng kiến, lắng nghe hàng chục nghìn câu chuyện, nỗi niềm khác nhau từ người hiếm muộn. Riêng với những người phải nhờ đến kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm để có con thì câu chuyện của họ có phần đặc biệt và nhiều nỗi niềm hơn.
Hiện nay, dù tỷ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện là khá cao, từ 50-60% nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc có những trường hợp mà y học không thể can thiệp. Đó cũng là điều mà những người gắn bó với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản như chúng tôi trăn trở và tự dặn mình phải luôn nỗ lực. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhắn nhủ với quý bệnh nhân rằng, chỉ cần bệnh nhân tin tưởng và không bỏ cuộc, các bác sĩ sẽ nỗ lực hết mình vì những ước mơ chính đáng và thiêng liêng.”
Nguồn báo : http://giadinh.net.vn/y-te/co-hoi-lam-bo-cho-nguoi-vo-sinh-do-khong-co-tinh-trung-20190805185623462.htm