Công nghệ Timelapse ứng dụng trong nuôi cấy và chọn lọc phôi giúp tăng tỷ lệ trong thụ tinh ống nghiệm

04/05/2021

Nuôi cấy phôi là quá trình quan trọng có tính quyết định thành công của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện tại, công nghệ Timelapse ứng dụng trong nuôi cấy và chọn lọc phôi đang được xem là giải pháp hiện đại, tân tiến giúp nâng cao chất lượng phôi, tăng tỷ lệ thành công cho bệnh nhân.

Thạc sỹ, Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động Timelapse hiện đang được bệnh viện sử dụng là một trong số những công nghệ hiện đại mà bệnh viện áp dụng nhằm góp phần giúp bệnh nhân vô sinh hiếm muộn có thêm hy vọng, giúp họ vững tin hơn trong hành trình tìm con. So với phương pháp nuôi cấy phôi truyền thống, hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động Timelapse có nhiều ưu điểm vượt trội hơn.

Camera quan sát liên tục

Thông thường, phôi sẽ được theo dõi sau khi thực hiện thụ tinh ở ngày 1 (kết quả thụ tinh), ngày 2, ngày 3 (phôi phân cắt), ngày 4 (phôi dâu), và ngày 5 (phôi nang). Điều này buộc phải đưa phôi ra khỏi điều kiện nuôi cấy vào một số thời điểm nhất định và quan sát, ghi nhận hình ảnh dưới kính hiển vi. Dựa vào hình ảnh tại thời điểm đó, với tiêu chuẩn xác định, chuyên viên phôi học sẽ đánh giá chất lượng phôi.

Chuyên viên phôi học quan sát phôi dưới kính hiển vi trong phương pháp truyền thống

Tuy nhiên, hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động Timelapse có thể khắc phục những nhược điểm của phương pháp truyền thống, giúp theo dõi phôi liên tục mà không gián đoạn môi trường nuôi cấy phôi. Timelapse cấu thành từ hệ thống máy ảnh chụp tự động, tủ nuôi phôi và có thể đi kèm hoặc không đi kèm một phần mềm đánh giá phôi. Timelapse cho phép thu thập hình ảnh phôi được ghi nhận tự động trong tủ cấy, phôi đang nuôi cấy trong tủ mà vẫn có hình ảnh đánh giá và toàn bộ sự kiện đều được ghi lại cứ khoảng 10 phút/1 lần. Do đó, thông tin về một phôi được thu thập tối đa khi sử dụng Timelapse. Ngoài ra, một phần mềm được tích hợp với “Trí tuệ nhân tạo – Artificial Intelligence” để phụ giúp các chuyên viên phôi học có thêm công cụ đánh giá chất lượng phôi. “Việc có thể có được thông tin tối đa, chi tiết về sự phát triển của phôi sẽ giúp chuyên viên phôi học lựa chọn phôi tối ưu nhất sử dụng cho chuyển phôi, đồng thời loại bỏ phôi có nguy cơ bất thường, giúp đạt tỷ lệ thành công cao trong các lần chuyển phôi, rút ngắn thời gian điều trị. – Thạc sỹ Nguyễn Minh Đức – Trưởng Labo Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết thêm.

Có thể nói, phương pháp Timelapse cho phép phát hiện và ghi nhận tất cả những sự kiện phôi phát triển tiền làm tổ mà phương pháp truyền thống trước đây chưa thực hiện triệt để hoặc bỏ qua. Mặt khác, công nghệ này giúp theo dõi phôi liên tục mà không xâm phạm vào môi trường tối ưu để nuôi cấy phôi. Đây là môi trường được mô phỏng như “lòng” mẹ để các mầm sống được nuôi dưỡng và phát triển tốt nhất.

Dữ liệu lớn, đánh giá chất lượng phôi liên tục

Ths.BS. Lê Thị Thu Hiền cho biết, hiện tại, Bệnh viện Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội lựa chọn hệ thống Timelapse EmbryoScope vì 2 ưu điểm lớn. Thứ nhất, đây là hệ thống nuôi phôi ổn định và có kinh nghiệm từ năm 2008, đã được hoàn chỉnh hệ thống cho đến năm 2020 và chiếm 90% các báo cáo của các chuyên gia về Timelaspe – Điều này đảm bảo phôi được nuôi ở điều kiện tối ưu. Thứ hai, hệ thống tích hợp dữ liệu trí tuệ nhận tạo (AI) lớn nhất thế giới dựa trên cơ sở của hơn 100 nghìn phôi với thuật toán hoàn chỉnh từ ngày 1 đến ngày 5. Do đó, kết quả phân tích phôi sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong nuôi cấy và theo dõi phôi tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Ngoài việc giúp nâng cao chất lượng phôi, tăng tỷ lệ có thai cho bệnh nhân, công nghệ này còn giúp nâng cao trải nghiệm cho bố mẹ khi có thể “quan sát” quá trình hình thành mầm sống của con mình thông qua hình ảnh được truyền tải trực tiếp từ hệ thống này.

Hiện tại, bệnh viện cũng áp dụng kỹ thuật nuôi phôi dài ngày với xu hướng nuôi phôi ngày 5, vì nhận thấy hiệu quả vượt trội so với việc nuôi phôi ngày 2 hoặc 3. Nghiên cứu cho thấy, từ tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ có thai, tỷ lệ thai trên 10 tuần, tỷ lệ em bé chào đời của nuôi phôi ngày 5 so với ngày 2,3 đều cao hơn hẳn. Ngoài ra, chuyển phôi ngày 5 cũng giúp hạn chế khả năng đa thai. Nuôi phôi ngày 5 cũng giúp tiết kiệm được số lần chuyển phôi và cả thời gian, công sức, hy vọng cũng như chi phí của bệnh nhân.

Trong hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh ống nghiệm, các kỹ thuật bổ trợ rất quan trọng, quyết định tỷ lệ thành công khi thực hiện. Hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động Timelapse là một trong những ứng dụng công nghệ nổi bật được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội ứng dụng để mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Bên cạnh trình độ chuyên môn, tay nghề vững vàng từ đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên phôi học, công nghệ hiện đại là yếu tố rất được bệnh viện chú trọng đầu tư và liên tục cập nhật.

Hiện tại, tỷ lệ có thai trong thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện luôn nằm trong nhóm cao, từ 60-65%. Ngoài ra, bệnh viện cũng rất thành công trong việc điều trị những ca khó như trường hợp mắc vô sinh do hội chứng Klinefelter, ung thư tinh hoàn, vô tinh do nhiều nguyên nhân (ứng dụng kỹ thuật vi phẫu Micro TESE), bệnh nhân nữ có bất thường như tử cung đôi, bệnh nhân vô sinh trên 20 năm, gia đình mang gen Thalasemia, Hemophilia, … Năm 2021, bệnh viện cũng chính thức đưa vào vận hành toà nhà mới cùng những trang bị vật chất, kỹ thuật hiện đại để đáp ứng như cầu khám chữa bệnh của người dân.


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN