Bé Bùi An Na (17/02/2021)

19/08/2024

Họ tên Bố: Bùi Thanh Tiềm
Họ tên Mẹ: Bùi Thị Huê
Họ tên Bé: Bùi An Na
Ngày sinh Bé: 17/02/2021
Ngày chuyển phôi: 05/06/2020
-------------------------------

Tlv2024 Ltk Biển Trưng Bày Ctv 05

Con yêu của gia đình!

Món quà tuyệt vời nhất đối với bố mẹ đó chính là con! Mẹ bắt đầu về chung nhà với bố con ngày 07/06/2014, khi mẹ mới tốt nghiệp trường Cao đẳng thì bố mẹ tổ chức đám cưới, ai cũng nghĩ mẹ cưới chạy, sợ bụng bầu to lên, chứ một cô sinh viên mới thi xong tốt nghiệp mà lại tổ chức đám cưới luôn, thế nhưng câu chuyện không như họ nghĩ, bố mẹ đến với nhau vì tình yêu nên khi cảm thấy đủ chín muồi sẽ kết duyên để vun vén cho gia đình nhỏ!

Thấy mẹ chẳng hề như lời đồn, mẹ không mang thai dân làng bắt đầu dị nghị, chắc mẹ không biết chửa đẻ, bọn nó chắc ăn ngủ với nhau rồi chứ làm gì chưa? Sao ngủ rồi mà không chửa không biết lấy về làm gì không biết? Gia đình nhà ngoại cách nhà nội 80km, bố con bận đi làm, ngày đó bố mẹ quen nhau là do cơ duyên một lần đi đám cưới, điện thoại khi đó dùng vẫn chỉ là Nokia đen trắng, hay điện thoại bàn, viết thư tay cho nhau, tính đến khi cưới bố chỉ bốn lần lên ngoại và gặp mẹ được hai lần, thì một lần bố con lên thăm nhà xong rồi về, lần nhà trai lên thăm nhà mẹ bận thi tốt nghiệp không về được, một lần nữa lên dạm ngõ gặp được mẹ và cuối cùng là cưới. Có rất nhiều câu nói, ánh mắt soi xét của hàng xóm, láng giềng, những người không quen biết dị nghị về mẹ, rồi cả việc người ta quan niệm mùa màng mất mùa, hay bất cứ cái gì không may mắn đều do mẹ, một người phụ nữ không biết đẻ con. Mẹ sợ, ám ảnh đến mức không dám đi đến chỗ đông người, Tết đến không dám đi chúc Tết nhà ai, làm gì, đi đâu cũng phải khép nép không lỡ nếu có sự tham gia của mẹ, hay gặp mẹ mà công việc của họ gặp khó khăn, không thành công thì họ lại đổ lỗi do mẹ “gái độc không con”. Chắc cảm giác này không chỉ mẹ hiểu và cảm nhận được mà các mẹ cũng ở hoàn cảnh như mẹ có lẽ cũng hiểu và đồng cảm với mẹ. Nhưng dường như có một phép màu với mẹ, bên cạnh mẹ luôn có bố con, chia sẻ, đồng hành, an ủi, động viên mẹ, cho mẹ động lực để cố gắng có được trái ngọt ngày hôm nay chính là con!

Sau khi cưới được một năm, mẹ đã nghe rất nhiều tư vấn của các bà, đặc biệt là bà ngoại con, nghe các bà truyền tai nhau, thầy lang bắt mạch, bốc thuốc giỏi, chắc do bà cũng mong mỏi có cháu nên cũng nghe ngóng, hỏi thăm, lúc đó bố mẹ cũng nghe theo rồi đi cắt thuốc. Mẹ chẳng nhớ là đã cắt bao nhiêu thang thuốc, uống bao nhiêu thầy lang, chỉ nhớ rằng uống rất nhiều, cứ thầy này sau ba thang thuốc không có kết quả mẹ và bố lại đi thầy khác, đúng kiểu có bệnh vái tứ phương, nghe đâu mách cũng đi, kết quả là chẳng thấy mang thai đâu chỉ tốn kém thời gian và tiền bạc. Mẹ không phủ nhận là thuốc nam không hiệu quả, cũng có rất nhiều thành công, nhưng chắc do bố mẹ chưa biết nguyên nhân của mình là gì và uống thuốc không phù hợp.

Vào năm 2016 vô tình qua mạng xã hội Facebook mẹ đã tình cờ biết đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Mẹ đã tâm sự với bố con rồi mẹ và bố quyết định lên viện khám. Mẹ nhớ như in hình ảnh viện khi ấy là dãy nhà B bây giờ, mới xuống xe mẹ rất vui khi được các bác bảo vệ ra mở cửa xe, che ô cho mẹ vào đến cửa bệnh viện, các chị lễ tân khom người cúi chào, rồi mẹ được chị lễ tân hướng dẫn lấy số thự tự và sổ thăm khám hướng dẫn cách viết, do nhà xa, nói là xa nhưng so với các mẹ khác mấy trăm km lên đến hàng 1000km, thì quãng đường 100km đến viện của mẹ vẫn rất gần. Mẹ thao thức cả đêm không ngủ được vì chờ đến ngày mai để lên viện, sáng ra hơn 4 giờ sáng mẹ và bố đi ra đường quốc lộ gửi xe máy quán ven đường ăn sáng để đón xe khách ra bến xe và bắt taxi vào viện, mệt là thế, mất ngủ, nhưng cầm số thứ tự trên tay ngồi đợi gọi tên mà mẹ lo lắng, hồi hộp không sao tả nổi, chờ đến hơn 9 giờ sáng thì bố mẹ cũng được gọi tên! Bước vào phòng tư vấn mẹ run lắm con ạ! Bố nắm tay mẹ ngồi xuống ghế, bác sĩ rất ân cần, mẹ nhớ hôm đó là bác Mỹ khám cho bố mẹ, bác sĩ nở nụ cười chào bố mẹ và mới bắt đầu trò chuyện. Mẹ ngạc nhiên vì khi nghe bác sĩ thăm khám cứ như một người tâm lý học chứ không hề áp lực của một bệnh nhân bị tra hỏi về tiểu sử bệnh án, mỗi lần thăm hỏi tiểu sử bệnh lý của mẹ và bố bác đều rất nhẹ nhàng, niềm nở, tạo cảm giác rất gần gũi, dường như bác hiểu được cảm giác của bố mẹ đang nghĩ gì vậy? Bác đưa ra những chỉ định cho bố mẹ đi làm các xét nghiệm ban đầu, ra khỏi phòng khám bỡ ngỡ chưa biết nên làm gì đầu tiên thì bố mẹ lại được các chị lễ tân hướng dẫn tận tình các bước tiếp theo, bất ngờ chưa hết ở đấy, mẹ còn ngạc nhiên khi bước vào nhà WC vì quá sạch sẽ và thơm tho, cứ như đi khách sạn 5 sao con ạ! Vì viện rất là đông mọi người đến thăm khám, mà nhà vệ sinh công cộng nhưng ngoài ý thức của những người đến viện sử dụng thì để có được sự sạch sẽ đó là nhờ có sự lau chùi, quyét dọn của các cô lao công, phải đánh giá rằng dịch vụ ở đây cho mẹ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chưa hết đâu con khi đến trưa xuống căng tin nhà ăn, khi đó vẫn còn mua phiếu ăn từ 25.000 đồng một suất, ai nói sợ ăn cơm viện, chứ bố mẹ lại cảm nhận cơm ở viện ngon, sạch sẽ con ạ. Xung quanh cũng có quán ăn, nhưng chắc là do nấu ăn ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên viện ngoài nhân viên trong viện và bệnh nhân đến khám ăn, mẹ thấy có cả các bác tài xế cũng vào viện ăn!

Ăn xong, ngồi chờ ở ghế đợi mãi hơn 11 giờ bố mẹ cũng có kết quả xét nghiệm, quay lại phòng khám ban đầu, cảm giác của mẹ vẫn là rất lo lắng… Bác sĩ cầm kết quả và giải thích các chỉ số trong kết quả, bố con tinh trùng hơi yếu, mẹ thì vòi trứng thông hạn chế một bên nhưng vẫn có khả năng mang thai tự nhiên chưa cần can thiệp, bác sĩ kê đơn thuốc cho bố mẹ hỗ trợ thêm chất lượng trứng và tinh trùng, hướng dẫn chế độ ăn uống và sinh hoạt. Ôi! nghe thế mà mẹ vui rơi cả nước mắt, thế nhưng… mong mãi mà cứ tháng này qua tháng kia mẹ mong chờ hy vọng, chu kỳ kinh chỉ cần chậm nửa ngày mẹ mừng lắm, hí hửng chuẩn bị thử que. Mẹ mua nhiều que thử lắm, đề phòng khi cần có dùng luôn, đủ các loại que thử thai luôn, chưa kịp thử thì chị nguyệt lại ghé thăm mẹ, cảm giác hụt hẫng, thất vọng tràn trề con ạ, có lẽ do mẹ quá khao khát và mong con.

Khi biết kết quả đi khám và uống thuốc mà vẫn chưa có kết quả thì bà ngoại con lại cắt thuốc nam cho bố và mẹ tiếp tục uống, uống mãi cũng chẳng thấy có tin vui, mẹ còn được bạn tư vấn giới thiệu một phòng khám trong Thanh Hóa điều trị vô sinh hiếm muộn, chắc nhiều mẹ cũng biết đến phòng khám này trong Thanh Hóa, cứ nghe đâu có thể điều trị hiếm muộn mà quảng cáo kinh phí ít là bố mẹ lại tìm đến, quãng đường từ nhà mình vào đến Thanh Hóa 80km, bố mẹ đi xe máy vào tận nơi, thăm khám 02 lần vẫn chưa rõ nguyên nhân, thì mẹ tâm sự với bố, cơ sở vật chất ở đây mẹ cảm thấy chưa được như ngoài Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nên bố mẹ quyết định không tiếp tục khám.

Năm 2017 mẹ và bố con lại tiếp tục lên viện thăm khám, lần này kết quả chụp tử cung vòi trứng của mẹ thông hạn chế cả hai bên, bác sĩ cho mẹ lời khuyên có thể IUI hoặc tiếp tục áp dụng chế độ, ăn uống, sinh hoạt, kèm theo thuốc. Mẹ còn được nghe các bác tư vấn làm các bước IVF. Ôi! Nghĩ đến cón số 80 – 100 triệu mẹ và bố chỉ biết nắm tay nhau như hiểu ý nhau rằng mình làm gì có tiền. Rồi bố mẹ lại dắt nhau về hy vọng có phép màu, nhưng chẳng có phép màu nào con ạ, bố mẹ đã cố gắng kiếm tiền, chắt chiu, để coi như có chút vốn để dành nuôi con nếu phép màu đến. Nhưng mãi đến năm 2019 phép màu chẳng thấy xuất hiện mẹ tâm sự cùng bố lên Hà Nội thăm khám tại một phòng khám mẹ theo dõi qua trang Facebook có hỗ trợ chi phí làm IVF, nghe thế mẹ mừng lắm chỉ 30 triệu thôi, mẹ giục bố con xin phép nghỉ công việc lên thăm khám, nhưng khi đến thăm khám bố mẹ đều rất ngạc nhiên vì thực tế không như quảng cáo con ạ! So với thực tế thì đúng là đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, đối lập 100% so với viện Nam học, bố mẹ vẫn làm các xét nghiệm, sau khi cầm kết quả trên tay, bố mẹ nhìn nhau như có thần giao cách cảm hiểu ý nhau. Bố mẹ quyết định bắt taxi sang Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, không một phút chần chừ bố mẹ quyết định làm hồ sơ IUI và ra về chờ ngày kinh lên làm các bước tiếp theo, trên đường đi xe khách quãng đường 100km bố mẹ trò chuyện và đưa ra quyết định làm IVF, tối về mẹ đã điện lại cho bác sĩ Mỹ quyết định làm IVF.

Sau 12 ngày tiêm kích trứng thì ngày 27/11/2019 mẹ có lịch chọc trứng, do AMH của mẹ thấp, dự trữ buồng trứng cũng ít, may mắn mẹ đã chọc được 9 chứng tạo được 7 phôi, nhưng lại có 1 phôi lỗi, 3 phôi trung bình ngày 3 và 3 tốt. Hôm lên nghe kết quả phôi bố con bận đi làm chỉ có mình mẹ đi, cơ duyên lại cho mẹ được gặp bác Hiền, bác tư vấn cho mẹ chuyển phôi tươi vì 3 phôi trung bình nếu trữ đông sau này giã ra cũng ảnh hưởng chất lượng. Mẹ đã gọi điện cho bố con và thống nhất chuyển, mẹ thuê trọ gần viện có bà ngoại chăm sóc và nghỉ ngơi hồi hộp chờ 12 ngày xét nghiệm thì không có beta, cảm giác như cả bầu trời sụp đổ con ạ! Buồn lắm, nhưng sợ bà ngoại con lo lắng cho mẹ, mẹ phải kìm nước mắt. Rồi mẹ bắt xe cho bà ngoại về quê, còn mẹ tự bắt xe khách về, bà con quay lưng đi lên xe mẹ vỡ ào trong nước mắt vì không thể kìm nén được nữa, khóc như đứa trẻ lên ba, mặc cho tất cả mọi người xung quanh đều đang nhìn mẹ và không hiểu điều gì? Rồi chú phụ xe gọi mẹ lên xe về, mẹ ngồi một mình góc cuối của xe mắt nhìn ra ngoài đường phố thấy Hà Nội nhộn nhịp là thế, nhưng sao mẹ buồn, mẹ đau lòng lắm con à!

Sau lần chuyển phôi thất bại được bác sĩ cho tìm hiểu nguyên nhân sau, vòi trứng của mẹ do ứ dịch, buồng tử cung bị polyp, thì mẹ được bác sĩ tư vấn mổ cắt vòi trứng và nạo polyp. Các mom khác thì mổ hôm trước hôm sau được về còn mẹ thì phải nằm đến ngày thứ ba thì được hơi bác sĩ mới cho ra viện.  Hành trình ấy bên cạnh mẹ luôn có bố con sát cánh cùng mẹ! Nghỉ một chu kỳ mẹ lại tiếp tục canh niêm mạc, lần này niêm mạc mẹ được 11mm, lần đó canh niêm mạc vào đúng đợt Tết Nguyên Đán, cảm giác Tết người người nhà nhà sum vầy đông đủ đón Tết, còn bố mẹ dắt nhau trên chuyến hành trình tìm con yêu, chưa bao giờ chuyến xe đầu năm mà lại vắng vẻ, im lặng đến thế. Sáng mùng 2 Tết bắt xe ra viện cả chặng đường đi chỉ có mỗi bố và mẹ trên xe khách cùng bác tài, hy vọng phép màu đến, nhưng lần này lại thai sinh hoá, mẹ hết phôi và hết cả kinh tế! Tết năm nào mẹ cũng buồn, nhưng có lẽ Tết năm đó là cái Tết tồi tệ nhất đối với mẹ. Nản lòng mẹ đã khóc rất nhiều, mẹ không còn gào khóc ồn ào như lần đầu mẹ nằm một mình trong căn phòng, nước mắt cứ rơi ướt cả gối lúc nào không hay, chắc có lẽ cảm giác của mẹ lúc này rất nhiều các mẹ hiếm muộn như mẹ đều hiểu, tuyệt vọng, chán nản, nhạc Tết nhộn nhịp của xóm làng, không khí Tết vui vẻ của mọi người, nhìn gia đình khác con bồng, con bế đi chúc Tết mà lòng mẹ càng buồn hơn. Mẹ đã nghĩ đến việc cho bố con giải thoát, mẹ đã đề cập đến việc ly hôn, khóc ròng rã mấy ngày liền khi thất bại, thậm chí mẹ còn cáu gắt, quát mắng bố con, nhưng may mắn bố con đã không bỏ mặc mẹ, an ủi, động viên mẹ, tiếp tục cùng mẹ đồng hành. Bố mẹ bắt đầu tìm nguyên nhân, trên hành trình tìm kiếm con yêu, ngoài vấn đề về kinh tế ra, nếu như không có sự đồng hành của bố con có lẽ mẹ không có đủ nghị lực để được ngắm nhìn và ôm con ngủ mỗi đêm như bây giờ.

Mẹ lấy lại tinh thần và tiếp tục vay mượn để bắt đầu lại hành trình IVF. Mẹ vẫn lựa chọn tin tưởng vào bệnh viện, mặc dù cho ở Hà Nội có rất nhiều các bệnh viện có lĩnh vực và chuyên môn về hiếm muộn, nhưng với mẹ nơi đây như chính là ngôi nhà để cho những gia đình có hoàn cảnh giống như bố mẹ, có thiên chức làm bố, làm mẹ. Mẹ nhớ ngày mẹ chọc trứng lần 2 vào ngày 1/4/2020 khi đấy trên thế giới đang phải gồng mình lên chống dịch Covid-19, Việt Nam mình có ca bệnh đầu tiên, cả nước thực hiện chỉ thị số 14 của chính phủ bắt đầu giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở yên đó” nếu không có việc gì cần thiết không ra khỏi nhà, các trục đường quốc lộ đều lập chốt kiểm dịch ra vào các địa bàn. Mẹ có lịch tiêm mũi rụng trứng câu nói các mẹ hay nói với nhau, tức là mũi này là mũi tiêm theo lịch hẹn của bác sĩ trước ngày chọc trứng và được tiêm tại viện, nên mẹ đã lên viện trước vào ngày 31/3. Tối hôm đó sau khi đi tiêm ở viện về phòng trọ mẹ thấy có số điện thoại lạ gọi mẹ định không nghe máy, nhưng linh tính mách bảo sao mẹ lại cầm máy lên bắt máy, đầu giây bên kia giọng nói rất nhẹ nhàng:

– “Cho chị hỏi đây có phải số máy em Bùi Thị Huê, mã bệnh nhân 23843, ở Yên Thuỷ, Hoà Bình không?

– “Mẹ nghĩ trong đầu chắc lại là lừa đảo gì đây!”

Nhưng không con ạ, là bác sĩ Hiền của viện gọi cho mẹ vì bác lo lắng cho các bệnh nhân sợ trải qua quá trình gian nan vất vả, đến ngày chọc trứng tạo phôi rồi, không lên được viện thì thật sự đáng tiếc cho công sức, tiền của, thời gian mà các gia đình đã bỏ ra. Thật sự nghe được cuộc gọi quan tâm của bác sĩ mà mẹ cảm thấy ấm lòng, ngay cả người thân quen cũng chưa hỏi han quan tâm mình như thế? Số tiền lần này bố mẹ làm IVF vay các bác nội ngoại hai bên, người thân, quý lắm con ạ, cho dù vay được vài trăm nghìn thôi cũng quý lắm. Lúc bấy giờ đại dịch COVID -19 hoành hành, kiếm tiền khó khăn lắm, cái cảnh đi viện chỉ mang tiền đi chứ có thời gian đâu mà làm kiếm tiền, ông bà nội con ngoài 60 tuổi rồi ở nhà là hậu phương vững chắc hỗ trợ bố mẹ công việc chăn nuôi, đồng ruộng, các bác cơ quan tạo điều kiện cho bố mẹ lên viện thăm khám và làm IVF lần hai. Lần này bố mẹ đều hiểu rằng gánh nặng đè lên vai của bố mẹ lớn lắm, có những lúc mà bố và mẹ chỉ dùng ánh mắt để nhìn nhau hiểu được suy nghĩ của nhau, nắm tay nhau, vì bao nhiêu tình cảm, hiểu và chia sẻ cho nhau bố mẹ đi đến chặng đường này giờ không còn cần lời nói để nói với nhau nữa, chỉ cần cái nắm tay của bố con thôi, cho mẹ thêm nghị lực rất nhiều!

Với kết quả 6 trứng và có được 6 phôi mẹ trữ lại 3 phôi ngày 3 và nuôi 3 phôi lên ngày 5 thì được 2 phôi khá ngày 5, 1 phôi chậm phát triển nuôi lên ngày 6 không phát triển. Sau chọc trứng mẹ nghỉ một chu kỳ kinh và mẹ được bác sĩ tư vấn chuyển 2 phôi khá ngày 5, mẹ được bác sĩ cho tiêm thêm lovenox và dùng các thuốc nội tiết như các mom khác, lần này chuyển phôi xong mẹ và bố quyết định về nhà. Trên xe taxi chở về nhà mẹ luôn tự nhủ trong lòng gọi con bám chặt mẹ cùng về nhà với mẹ con nhé! Ông bà nội ngoại, bố mẹ đang đợi con ở nhà mình… Cả quá trình sau chuyển phôi chờ ngày xét nghiệm beta, ông bà và bố con luôn động viên mẹ, nấu ăn cho mẹ, bà nội con còn sợ mẹ buồn nên bà toàn tranh thủ đi làm sớm về ở nhà nói chuyện cùng mẹ cho đỡ buồn, bố thì đi làm tranh thủ về sớm nấu ăn cho mẹ, ngày ngày đun nước gừng cho mẹ ngâm chân. Chờ 12 ngày để xét nghiệm beta sao mà nó lâu hơn cả 365 ngày luôn con ạ, mẹ hồi hộp lo lắng lắm, đến ngày thứ 7 mẹ lâm râm bụng dưới, đáy quần chíp nghe ướt. Mẹ sợ quá nghĩ hay chị nguyệt ghé thăm mình rồi, trong lòng bất an, mẹ ra thắp hương cho ông bà tổ tiên, vái lạy ông bà phù hộ cho con bám chặt lấy mẹ đừng buông mẹ. Rón rén mẹ đi xuống nhà vệ sinh kiểm tra, tim mẹ như muốn ngừng thở! Mẹ thấy dịch màu nâu, lo quá mẹ nhắn tin cho bác sĩ Thắng hỏi, cứ nghĩ bác bận sẽ không có thời gian trả lời tin nhắn của mẹ, nhưng chỉ vài giây sau bác có bảo mẹ là máu báo phôi làm tổ, mẹ cần uống giảm co, nằm nghỉ ngơi. Mẹ lo lắng nằm cứ thắp thỏm, trong thâm tâm thì bảo chờ đến 12 ngày thử que và thử beta nhưng mẹ không sao nằm được, mẹ dậy lấy que thử thai mà mẹ đã chuẩn bị sẵn liều thử xem như nào? Thử xong mà mẹ run cầm que trên tay mà mẹ run rơi cả xuống đất, đầu tiên lên 1 vạch căng đét, mẹ như nghẹn thở, chết lặng đi, nhặt que lên rụi rụi mắt thì thấy có vạch thứ hai đang hiện lên dần! Ôi! Mẹ mừng mà nước mắt cũng rơi con ạ, mẹ vội lấy điện thoại ra định gọi cho bố con, nhưng mà bố đang đi làm mà mẹ gọi kiểu hồi hộp quá sợ không nói được gì, nên mẹ chụp ảnh, nhắn tin cho bố, bố con đã xem nhưng đúng là chưa được làm bố lần nào? Bố con nhắn lại cho mẹ “Là sao? Anh không hiểu”, mẹ mừng quá nên bảo bố về sớm đi. Đợi một lúc bố con về mẹ có giải thích về việc ra máu báo, que lên hai vạch rồi xin chỉ định bác sĩ, bác bảo mẹ test beta mới đánh giá chính xác được việc mang thai và nay mới ngày 7 việc thử que và thử máu để biết chỉ số beta là còn quá sớm. Nhưng mẹ nào chờ được đến ngày 12, mẹ đăng ký lấy máu tại nhà, nghe bác sĩ nói thế mẹ lại hồi hộp cùng bố con chờ đợi kết quả beta. Mẹ thì nằm trong phòng đợi, bố con cứ đứng lên ngồi xuống đi ra rồi lại đi vào, không ai nói câu gì? Thi thoảng mẹ lại liếc nhìn điện thoại chờ tin nhắn báo kết quả xét nghiệm. Chờ gần 11h trưa tin nhắn báo về, tim mẹ đập loạn nhịp luôn mẹ mở ra xem, kết quả báo 66,07, mẹ gọi bố con vào cho bố cùng xem kết quả và gửi cho bác Thắng. Mẹ cũng tìm hiểu kỹ về kết quả sau xét nghiệm beta sau chuyển phôi, mặc dù mẹ không làm theo chỉ định nhưng bác tư vấn mẹ duy trì thuốc và xét nghiệm lại vào ngày 10 và 12 sau chuyển phôi để biết giá trị tham số tăng của beta. Qua giai đoạn đó, thì chờ ngày siêu âm con vào tổ an toàn, mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày qua đi nó dài đằng đẵng như kiểu kim đồng hồ không chạy. Chờ mãi mới đến 10 và 12 để biết chỉ số tăng của beta, lần này tất cả đều rất tốt đẹp con ạ, mẹ chờ đến ngày đi siêu âm, bác Thắng có bảo mẹ là siêu âm ở dưới quê cũng được và gửi kết quả cho bác, lo lắng quá con ạ! Siêu âm bác sĩ phòng khám bảo mẹ thai vào tổ nhưng túi thai bé chưa thấy rõ chậm phát triển, lo quá mẹ khóc nói với bố con, mình lên bệnh viện kiểm tra lại đi, thế là bố và mẹ lại lên viện kiểm tra. Sếp sổ chờ đợi rồi cũng đến lượt bố mẹ siêu âm, thấy mẹ lo lắng tay này nắm chặt tay kia, chị điều dưỡng nhẹ nhàng bảo mẹ “Em căng thẳng à? Thả lỏng người ra em ạ! Con yêu sẽ hiểu được tình cảm của mẹ sẽ bên mẹ, em yên tâm!”, câu nói đó như liều thuốc chữa lành nỗi lo lắng trong mẹ. Lần này mẹ được bác Khanh siêu âm, bác bảo mẹ “Tất cả các chỉ số của em đều bình thường, yên tâm nhé, về nghỉ ngơi dùng thuốc theo đơn, tâm lý thoải mái chờ ngày siêu âm tim thai”, lúc đó nước mắt khoé mắt mẹ như dòng sông vỡ đập, cứ thế là tuôn ra, 30 tuổi, sau cưới 07 năm lần đầu tiên được nghe bác sĩ nói đã mang thai, con vào tổ an toàn, mẹ nghẹn ngào, không thể nói lên được lời cảm ơn bác sĩ. Nhìn vào ánh mắt bác sĩ nhìn mẹ, mẹ có thể hiểu được bác đang cảm thấy mẹ hạnh phúc như nào?

Về nhà dùng thuốc theo chỉ định của bác, đợi đến ngày siêu âm tim thai, lên viện mẹ lại được gặp bác Khanh siêu âm con ạ? Cảm giác vẫn thế, lo lắng, hồi hộp, chờ đợi… và bác vẫn nở nụ cười nói câu “chúc mừng em, tim thai khoẻ, âm vang rõ”, mẹ vẫn biểu cảm ấy và gật đầu với bác đi ra ngoài báo tin mừng cho bố. Trên hành trình tìm kiếm con, bố con luôn sắp xếp thời gian cùng mẹ trải qua những cung bậc cảm xúc của hạnh phúc mỗi lần đi khám, đi kiểm tra trong suốt thời gian mẹ mang thai! Được 8 tuần thì mẹ ra máu doạ sẩy, mẹ cũng vội điện cho viện nghe tư vấn, các chị tư vấn viên hướng dẫn mẹ, làm theo chỉ định bác sĩ, hạn chế đi lại, nghỉ ngơi, tiêm Progessteron, mẹ sợ hú vía con ạ! Con doạ mẹ, làm mẹ mất hồn vía, mẹ chẳng dám làm gì? Chỉ đi lại nhẹ nhàng, nằm nghỉ ngơi vì hễ cứ đi lại nhiều, vận động lại ra máu báo, doạ sẩy, khi đó hàng xóm thấy mẹ thế họ còn dị nghị, xì xào bàn tán là mẹ lười, ỷ lại vào việc mình có chửa không chịu làm gì? Nhưng ông bà nội con và bố con hiểu những gì mẹ đang trải qua nên thường động viên mẹ, không cầm bận tâm xã hội bàn tán, hãy nghỉ ngơi chăm sóc bản thân thật tốt trong thời gian này! Trong suốt quá trình mang thai, dường như con của mẹ cũng rất kiên cường bám chặt lấy mẹ, mẹ nghén suốt cho đến lúc sinh ra con. Vào tuần thứ 12 thai kỳ thì mẹ bị thuỷ đậu, nhìn mụn thuỷ đậu nổi chi chít khắp người mẹ lo sợ sẽ ảnh hưởng đến con, sợ quá lên viện khám kiểm tra, bác sĩ bảo mẹ yên tâm em bé của mẹ vẫn kiên cường lắm, nghị lực lắm, nhìn hình ảnh siêu âm của con nhảy tung tăng trong bụng mẹ, mẹ thở phào nhẹ nhõm.

An Na của mẹ! Mẹ cảm ơn con luôn bên mẹ không vì khó khăn nào mà rời bỏ mẹ đi, cái tên của con mẹ đặt mà lúc đi đẻ con ở viện Sản nhi Ninh Bình. Các bác sĩ ai cũng bảo vì sao lại đặt tên con thế, không chỉ các bác sĩ đâu mà mọi người ai cũng hỏi mẹ thế? Mẹ chẳng tìm hiểu trên mạng hay đặt những tên theo những người nổi tiếng mà mẹ muốn đặt tên con để con hiểu ý nghĩa rằng: “Giữa đại dịch COVID -19 cả thế giới gồng mình trải qua, giữa những khó khăn, vất vả của mẹ sau những mũi tim kiêm chọc trứng và lovenox mẹ tự tiêm đến lúc mang thai con được 5 tháng, bầm tím bụng. Trong quãng đường thai kỳ đầy gian nan, vất vả, doạ sẩy, giữa khó khăn bờ vực kinh tế và hôn nhân, con vẫn bình an đến bên bố mẹ, không bỏ mẹ mà đi, hãy kiên cường như thế con nhé, cho cuộc sống hiện tại của con và cho mai sau này, vì mẹ sẽ chẳng thể mãi bên con. Hãy là người công dân tốt và có ích cho quê hương, mẹ không mong con sau này trở thành một người tài giỏi, mà con hãy thành công theo cách riêng của con, thì mẹ mong con luôn nhớ công ơn của các bác, cô chú, tại bệnh viện và dù bố mẹ chưa thể cho con được một cuộc sống đủ đầy về vật chất như bao gia đình khác thì con cũng hãy ghi nhớ những gì bố mẹ đã trải qua để đón con yêu của bố mẹ đến với thế giới này!”

Các mẹ hiếm muộn ạ! Sau khi trải qua hai lần IVF và ba lần chuyển phôi, bản thân mình nghĩ rằng, khi quyết định lựa chọn làm IVF, thì tâm lý thoải mái tin tưởng vào bác sĩ và lựa chọn đặt niềm tin vào viện, điều mà mình thấy là rất quan trọng và việc dùng thuốc cũng cần theo chỉ định và có hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý dừng thuốc hay dùng bất cứ loại thuốc nào, hãy lắng nghe cơ thể của bản thân mình, không ai giống ai, nên việc sau chuyển phôi cần nằm bất động hay không, hay chế độ nghỉ ngơi như nào cho hợp lý, mình nghĩ là mỗi người nên lắng nghe cơ thế bản thân! Mình tin chắc con yêu sẽ về với các gia đình có hoàn cảnh giống gia đình mình, việc chuẩn bị tốt tài chính cũng là vấn đề mình nghĩ các cặp vợ chồng khi xác định làm IVF cũng cần chuẩn bị. Hãy thăm khám sớm để biết được nguyên nhân của cả vợ và chồng vì hiếm muộn nguyên nhân đều có thể đến từ hai phía vợ và chồng, hai vợ chồng hãy cùng đồng hành với nhau trên chặng đường tìm con yêu để phép màu sẽ đến với các gia đình hiếm muộn. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nơi mà mình thấy hội tụ đầy đủ những thứ mà các gia đình hiếm muộn mình nghĩ là nên đến để trải nghiệm với bệnh viện, con người nơi đây, từ bác bảo vệ, cô lao công, các bạn lễ tân, đội ngũ y, bác sĩ ai ai cũng rất gần gũi, thân thiện, nhiệt tình và đặc biệt là rất rất hiểu tâm lý của khách hàng đến với viện. Đối với mình ngay lần đầu chưa thành công nhưng mình không lựa chọn đi viện khác vì mình cảm nhận thấy sự gần gũi ở tại viện, chỉ là chưa đủ duyên với con nên con chưa ở lại cùng mình, trải nghiệm của mình là thế? Không biết các bạn như nào? Nhưng hãy thử đến nơi đây, bạn sẽ cảm nhận được những điều đó.

Mình đã thành công sinh bé gái vào tuần thứ 39, hiện tại bé nhà mình đã được hơn 38 tháng và mình vẫn tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ viện để tiếp tục hành trình đón bé thứ hai! Hành trình lần này của mình ngoài bố mẹ nội ngoại hai bên và chồng thì nay mình có thêm con gái cùng đồng hành với mình tiếp tục hành trình để đón con yêu thứ hai.

Gia đình An Na xin chân thành cảm ơn bệnh viện!

Chúc tất cả các mẹ có cùng hoàn cảnh với mình sẽ được sớm đón con yêu! Dù có vất vả khó khăn như nào đừng vội bỏ cuộc hãy trao niềm tin với Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Xin kính chúc toàn thể đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, lao công, bảo vệ và nhân viên của bệnh viện luôn dồi dào sức khỏe để thật nhiều gia đình hiếm muộn sẽ được đón niềm hạnh phúc có con yêu từ ngôi nhà AF HANOI.


Chia sẻ: 

Bài tri ân khác

  • Bé Phạm Bảo Ngọc (13/07/2022)

    “Con chào mẹ xinh đẹp, con chào bố đẹp trai” và bao nhiêu những câu nói siêu đáng yêu của con nữa, những lúc thế mẹ như tan chảy trong tim mà không có từ nào diễn tả được...

  • [TLV2024] CUỘC THI VIẾT “IVF SẺ CHIA”

    Cuộc thi viết “IVF SẺ CHIA” do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức. Đây là cơ hội để các gia đình được chia sẻ hành trình tìm con yêu bằng phương pháp Hỗ trợ sinh...

  • Bé Lại Ngân Khánh (21/01/2019)

    Hạnh phúc lớn nhất của bố mẹ là nhìn thấy con gái yêu khỏe mạnh, khôn lớn mỗi ngày. Cảm ơn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã hiện thực hóa ước mơ làm cha, làm mẹ cho...

  • Hai Bé Bùi Khánh Vy – Bùi Mạnh Tường (02/04/2023)

    Tôm – Cua yêu dấu của bố mẹ! Thời gian trôi qua nhanh quá con nhỉ? Mới ngày nào hai con chỉ là hai chiếc phôi bé xíu xíu được ủ đông ở bệnh viện, vậy mà giờ khi mẹ viết những...

  • Hai bé: Anh Nguyễn Ngọc Thiện – Em Nguyễn Ngọc Trí (14/02/2023)

    Gia đình con xin chân thành cám ơn bác sĩ Hiền cùng đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nam Học và Hiếm Muộn Hà Nội. Hành trình đến bên bố mẹ con từ A => Z đều nhờ bác sĩ Hiền hướng...

  • Bé Nguyễn Đức Bảo (18/05/2023)

    Gia đình con xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã mang thiên thần nhỏ, mang tiếng cười đến gia đình con như ngày...

  • Bé Phạm Khánh Ngọc (15/08/2023)

    Gửi con Khánh Ngọc (Sam) yêu của bố mẹ! Đến ngày hôm nay mẹ mới dám nói lên nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ ai cũng mong muốn có được tiếng cười trẻ thơ trong gia đình....

  • Hai Bé Lê Duy Hưng – Lê Thuỳ Linh (26/11/2020)

    “Khi chúng ta rơi nước mắt, chúng ta cần một bờ vai”. Với tôi bờ vai ấy chính là Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. 1 năm, 2 năm, 3 năm…. đến 10 năm. Thử hỏi đời người...