Người “ươm mầm hạnh phúc” cho nhiều gia đình hiếm muộn

28/02/2023

Gắn bó với lĩnh vực điều trị hiếm muộn hơn chục năm, BS. Phạm Văn Hưởng đã “ươm mầm hạnh phúc” cho nhiều gia đình khao khát tiếng cười con trẻ.

Mối duyên bất ngờ với chuyên ngành hiếm muộn

Chia sẻ với chúng tôi, BS. Phạm Văn Hưởng, Trưởng khoa Khám bệnh, kiêm Phó trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho hay: “Mình bén duyên với chuyên ngành hiếm muộn cũng khá bất ngờ. Năm 2010 tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, ĐH Y Hà Nội, sau 1 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, mình còn đang băn khoăn với những cơ hội nghề, thì được bạn bè “rủ” về BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội làm. Không ngờ, mối duyên gắn bó từ đó đến nay”.

BS. Phạm Văn Hưởng tư vấn cho ca hiếm muộn

Khi được đào tạo Đa khoa, bác sĩ trẻ Phạm Văn Hưởng mới tiếp cận với sản tổng quát, chủ yếu là kiến thức cơ bản. Nhập cuộc tại BV Nam học & Hiếm muộn Hà Nội, anh gần như làm lại từ đầu với việc “vừa học, vừa làm” chuyên ngành sản hiếm muộn. Ở thời điểm cách đây hơn 10 năm, đó là một ngành rất mới không chỉ với BS. Hưởng mà còn với nhiều cơ sở y tế.

Nhớ lại thời điểm đó, BS. Hưởng cho hay, gần như chưa có đơn vị y tế tư nhân nào tiếp cận mảng hiếm muộn, ở ngoài Bắc chủ yếu có 3-4 đơn vị công lập thực hiện bởi các thầy chuyên ngành Sản khoa nhiều kinh nghiệm, đó là BV Phụ sản Trung ương, BV Phụ sản Hà Nội, Trung tâm công nghệ phôi của Học viện Quân y…

Được lãnh đạo bệnh viện tin tưởng giao phó tiếp cận với chuyên ngành mới, BS. Hưởng vào TP.HCM tham gia các khóa đào tạo về thụ tinh ống nghiệm tại BV ĐH Y dược TP.HCM. Khi ra Hà Nội, anh tiếp tục được sự chỉ dẫn tận tình của đồng nghiệp đi trước và được các thầy “cầm tay, chỉ việc”.

“Thầy Nguyễn Xuân Hợi, công tác tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, tại BV Phụ sản TƯ cầm tay chỉ việc 20 ca đầu; thầy Trịnh Thế Sơn, Trung tâm công nghệ phôi, Học viện Quân y chuyển giao công nghệ. Các thầy kèm cho đến khi tự chủ kỹ thuật, quy trình… và tự mình thực hiện”, BS. Hưởng nhớ lại.

Năm 2013, BS. Hưởng chính thức làm chọc trứng ca đầu tiên để chuyển thụ tinh ống nghiệm. “Khá hồi hộp vì bình thường có người bên cạnh cũng yên tâm hơn. Thế nhưng lần đầu tự làm liền 4 ca và đều đạt kết quả tốt, thu được số trứng như mong muốn”, anh Hưởng kể.

Ở BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tiếp bước BS. Lê Thị Thu Hiền, BS. Phạm Văn Hưởng là một trong những người đầu tiên phát triển mảng hiếm muộn tại đây.

Nhờ “sự mát tay” của BS. Hưởng biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn được đón nhận đứa con đầu đời sau nhiều năm chạy chữa.

Ca bệnh nào cũng là ca “khó”

Luôn khiêm tốn nói về công việc của mình, BS. Hưởng chia sẻ: “Với mỗi bác sĩ công tác trong ở lĩnh vực này khi tiếp nhận một bệnh nhân đều phải xác định ngay từ đầu rằng đây là ca bệnh “khó”.

Với mình, cái khó là khi mình chưa đi đúng và chưa tìm con đường tới đích gắn nhất cho bệnh nhân về cả thời gian, kinh tế, hiệu quả. Bác sĩ phải có vai trò vạch ra chiến lược tốt, hiểu bệnh nhân để cá thể hóa điều trị cho mỗi người. Bác sĩ dựa vào kinh nghiệm điều trị, với phác đồ điều trị hợp lý”.

Với BS. Hưởng ca bệnh nào cũng khó

Không phải ca hiếm muộn nào cũng điều trị thành công, BS. Hưởng cùng đồng nghiệp gặp rất nhiều trường hợp dù đã được can thiệp, điều trị nhưng bệnh nhân mãi chưa có tin vui. Có những người từng hỗ trợ sinh sản ở nơi này không được, nhưng vừa sang nơi khác lại có tin vui dù phác đồ điều trị không khác biệt. Đó là điều đặc biệt, rất khó giải thích ở lĩnh vực hiếm muộn.

“Các bác sĩ thường nói vui với nhau do duyên số và may mắn của bệnh nhân”, BS. Hưởng nói.

Mỗi khi các cặp vợ chồng hiếm muộn lâu năm đón nhận tin vui cũng là lúc chính các bác sĩ hỗ trợ sinh sản như BS. Hưởng thấy nhẹ lòng hơn.

BS. Hưởng chia sẻ: “Niềm vui ấy cứ nhân đôi, nhân ba, thậm chí nhân lên gấp nhiều lần khi biết rằng lúc bệnh nhân đến với mình họ đã đặt rất nhiều hi vọng và cả bởi sự khát khao có con vô cùng mãnh liệt của họ”.

Trong hàng ngàn buổi tư vấn cho bệnh nhân vô sinh, BS. Hưởng không thể quên buổi gặp mặt, vừa lắng nghe tâm sự vừa tư vấn cho nữ bệnh nhân N.T.K. (SN 1986) từ Nha Trang lặn lội tới BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Lập gia đình chục năm, mang thai 1 lần duy nhất rồi không may mắn bị hỏng, cho dù đi khám cả hai vợ chồng sức khỏe đều bình thường, nhưng mãi chưa có con. “Đến viện ngồi với BS. Hưởng 2 tiếng, bệnh nhân vừa khóc vừa kể, đã can thiệp hỗ trợ sinh sản khắp nơi, tổng kích trứng 7 lần và 2 lần xin trứng. Số lần chuyển phôi rất nhiều, nhưng đều rất khó khăn không đậu. Trong câu chuyện đó cứ đan xem cả nỗi tuyệt vọng và cả niềm hi vọng của bệnh nhân”, BS. Hưởng nhớ lại.

Xem lại hồ sơ, nhiều câu hỏi đặt ra khiến BS. Hưởng băn khoăn khi xây dựng chiến lược cho bệnh nhân “liệu có nên để bệnh nhân tiếp tục kích trứng, bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng sức khỏe do trước đó đã làm nhiều lần; hay khuyến khích bệnh nhân đi xin trứng; lấy trứng, tạo phôi thành công cần tiếp tục theo dõi phôi phân chia có bất thường hay không; tại sao trước đó bệnh nhân chuyển phôi nhiều lần không đậu, kế hoạch mổ nội soi xem tử cung khảo sát có vướng mắc gì không….”.

Với sự quyết tâm đến cùng của bệnh nhân, BS. Hưởng quyết định phác đồ kích trứng với liều trung bình, thu được 7 – 8 trứng, theo dõi lên được 2 phôi khá và yếu hơn. Kết quả mổ nội soi phát hiện 1 bên vòi trứng ứ dịch, phải cắt bỏ. Và 1 tháng sau, khi bệnh nhân đủ sức khỏe, tiến hành đặt phôi.

May mắn, chị K. đậu thai ngay khi chuyển 1 phôi khá, và đủ 9 tháng 10 ngày, “mẹ tròn, con vuông” hạ sinh bé trai.

“Em bé giờ cũng gần hai tuổi, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Được ngắm nhìn thành quả, giữ lửa hạnh phúc cho gia đình bệnh nhân, với chúng tôi đó là động lực để nỗ lực hơn với nghề”, BS. Hưởng nói.

BS. Hưởng vui với thành quả “ươm mầm hạnh phúc” cho một gia đình hiếm muộn

Sát cánh giúp bệnh nhân vượt qua rào cản

Hơn 10 năm làm nghề, BS. Hưởng không nhớ biết bao nhiêu lần “gỡ rối” cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Bệnh nhân đến gặp anh đều có một điểm chung là mong mỏi có con, nhưng không phải ai cũng có những suy nghĩ tiến bộ, sẵn sàng chấp nhận tình huống khó khăn. Điển hình như việc xin trứng hay tinh trùng.

Anh kể, có những cặp vợ chồng do một hay nhiều lý do nào đó mà không thể sử dụng trứng của người vợ. Lúc này, cách giải quyết tốt nhất là đi xin trứng để thụ tinh nhân tạo, việc này được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, khi nghe thấy “dùng trứng của người đàn bà khác”, nhiều ông chồng không chấp nhận. Hoặc ngược lại.

Trước tình huống như vậy, bên cạnh việc theo dõi, điều trị cho bệnh nhân, BS. Hưởng kiêm luôn nhiệm vụ của bác sĩ tâm lý động viên, an ủi bệnh nhân. Anh tận tình sát cánh cùng bệnh nhân, giúp họ vượt qua những rào cản, có được hạnh phúc vẹn tròn khi đón con thành công sau nhiều năm mong mỏi.


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN