Nhiều lần chuyển phôi thất bại, chị em thử 6 cách sau sẽ nhanh có con

18/05/2022

Không phải ai cũng may mắn chuyển phôi thành công khi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi đó bạn phải làm gì để tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công, nhanh có con?

Hiếm muộn là câu chuyện không may của rất nhiều chị em phụ nữ thời nay. Không thể mang thai tự nhiên, chúng ta phải tìm đến những sự trợ giúp của y học. Thế nhưng, trong thực tế có rất nhiều trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi nhiều lần nhưng đều bị thất bại. Điều đó khiến chị em vô cùng hoang mang không hiểu nguyên nhân tại sao và làm thế nào để tăng tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản.

Hỏi: Tôi năm nay 30 tuổi, đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi 3 lần thất bại. Tôi dự định trong năm nay sẽ chuyển phôi thêm lần nữa. Xin hỏi bác sĩ có cách nào để tăng tỷ lệ thành công trong lần chuyển phôi sắp tới của tôi không?

BSCKI Nguyễn Thành Trung (Chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tiến hành chuyển phôi cho bệnh nhân) trả lời như sau:

Chào bạn!

Làm tổ là quá trình phôi bám dính vào niêm mạc tử cung và tự vùi sâu vào trong niêm mạc để tiếp tục phát triển. Trên thực tế, bằng chứng của phôi làm tổ thành công là sự hiện diện của túi thai trên siêu âm. Thuật ngữ thất bại làm tổ nhiều lần (RIF: Reccurent implantaiton failure) được sử dụng trong hỗ trợ sinh sản là tình trạng phôi không làm tổ sau 3 chu kì chuyển phôi với phôi chất lượng tốt hoặc phôi lưỡng bội. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến thất bại làm tổ nhiều lần:

– Tuổi mẹ: Liên quan chặt chẽ đến số lượng phôi cũng như tỷ lệ phôi lưỡng bội trong chu kì chuyển phôi. Tuổi bố cũng là một yếu tố được đề cập đến gần đây có liên quan đến kết quả của một ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

– Bất thường cơ quan sinh dục người phụ nữ: Dị dạng bẩm sinh (tử cung 2 sừng, vách ngăn tử cung, tử cung đôi…) hay các bất thường mắc phải như u xơ tử cung, polype hay dính buồng tử cung, ứ dịch vòi tử cung.

– Nhiễm khuẩn: Thường gặp nhất là viêm nội mạc tử cung.

– Các bất thường về nội tiết: Suy hoàng thể, suy giáp…

– Các yếu tố miễn dịch hay tăng đông máu.

– Lối sống: Hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma tuý hay môi trường sống độc hại.

 

Hiện nay, để tăng tỷ lệ thành công trong các chu kì thực hiện IVF, bệnh viện đã áp dụng một số phương pháp mới sau đây:

– Tối ưu hoá quá trình điều trị: Nuôi phôi dài ngày, phác đồ kích thích buồng trứng, chuẩn bị niêm mạc tối ưu.

– Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGT: Preimplantation Genetics Testing): Giúp tìm ra và loại bỏ những phôi lệch bội.

– Nuôi cấy và theo dõi phôi bằng hệ thống tự động Timelapse: Đánh giá động học của phôi, giúp bác sĩ lâm sàng có thêm phương tiện lựa chọn phôi tiềm năng để chuyển.

– Các xét nghiệm chuyên sâu giúp tìm nguyên nhân RIF: Xét nghiệm NK, viêm niêm mạc tử cung mãn tính, hội chứng kháng phospholipid…

– Bơm huyết tương giàu tiểu cầu được chỉ định cho những bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần và niêm mạc mỏng.

– Phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ mới đã mở ra nhiều hướng tiếp cận và phương pháp điều trị cho những bệnh nhận thất bại làm tổ nhiều lần. Việc áp dụng các phương pháp điều trị đã giúp cải thiện từ 10 đến 20% tỉ lệ thành công chung của thụ tinh trong ống nghiệm.

Thất bại làm tổ nhiều lần là một vấn đề phức tạp với những nguyên nhân, cơ chế và phương pháp điều trị khác nhau. Chính thất bại làm tổ nhiều lần đã tạo lên một áp lực không nhỏ với các cặp vợ chồng hiếm muộn cũng như các bác sĩ điều trị. Nhiều xét nghiệm tìm nguyên nhân cũng như các phương pháp điều trị mới ra đời đã giúp cải thiện tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều góc khuất của thất bại làm tổ nhiều lần mà khoa học chưa thể soi sáng được.

Hy vọng rằng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn an tâm và vững vàng hơn trong hành trình tìm kiếm con yêu. Chúc bạn sớm đón tin vui trong lần chuyển phôi tiếp theo!


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN