Phụ nữ 39 tuổi mất hoàn toàn ham muốn “chuyện vợ chồng”, chuyên gia cảnh báo tiền mãn kinh sớm

13/07/2024

Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 39 tuổi đến khám vì mất hoàn toàn ham muốn tình dục với chồng, từ đó vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn vì không hòa hợp “chuyện chăn gối”. Bệnh nhân rơi vào trạng thái căng thẳng lo âu, mất ngủ dài ngày ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân gia đình và công việc.

Đột ngột giảm ham muốn tình dục, dấu hiệu cảnh báo tiền mãn kinh

Theo Ths.BS Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính Hà Nội: Trường hợp bệnh nhân nữ 39 tuổi đến thăm khám tại trung tâm có tiền sử khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý nền. Bệnh nhân đến khám vì mất hoàn toàn ham muốn tình dục, không có hứng thú gần gũi chồng, mặc dù công việc ổn định, không gặp áp lực chuyện con cái. Trước đây, tần suất quan hệ vợ chồng bệnh nhân 2 lần/tuần, từ ngày giảm ham muốn vợ chồng ít quan hệ, tần suất 1 tháng 1 lần. Bệnh nhân chia sẻ, tất cả cuộc yêu thời gian gần đây chỉ vì mang tâm lý chiều chồng để hoàn thành nghĩa vụ chứ không có hưng phấn. Điều này khiến bệnh nhân không tiết đủ bôi trơn, quan hệ đau, dần dần tạo nỗi “sợ yêu”. Mối quan hệ vợ chồng từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Bệnh nhân lo âu, suy nghĩ nhiều, mất ngủ.

Bệnh nhân cho biết 1 năm trở lại đây xuất hiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, khoảng cách giữa các kỳ kinh thất thường, 1,5 – 2 tháng mới đến kỳ kinh, màu kinh đỏ thẫm, số ngày kinh ngắn lại.

Ths Bs Phạm Minh Ngọc Khám Và Tư Vấn Bệnh Nhân Nữ Tại Trung Tâm Y Học Giới Tính Hà Nội

Ảnh minh họa: Ths BS Phạm Minh Ngọc khám và tư vấn bệnh nhân nữ tại Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội

Tại bệnh viện, kết quả khám phụ khoa cho thấy môi lớn teo nhỏ, âm đạo mỏng mất độ dày, mất nếp nhăn, giảm tiết dịch do các tuyến tiết dịch bị teo, pH âm đạo mất axit. Kết quả xét nghiệm nội tiết cho thấy nồng độ  FSH của bệnh nhân  tăng cao, báo hiệu sắp mãn kinh. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị suy giảm ham muốn tình dục giai đoạn tiền mãn kinh.

Ths BS Phạm Minh Ngọc cho biết: Rối loạn chức năng tình dục bao gồm giảm ham muốn tình dục, giảm hưng phấn, giảm cực khoái, giao hợp đau. Nữ giới có thể gặp tình trạng rối loạn chức năng tình dục khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Khi này các tuyến nhờn ở âm đạo, âm hộ teo nên chế tiết ít hoặc không chế tiết dịch nhờn gây giao hợp đau. Giao hợp đau là yếu tố ngăn cản hoạt động tình dục thành công.

Ước tính trong nhóm 45 – 64 tuổi, cứ 8 người thì 1 người giảm ham muốn, và cứ 15 người thì 1 người gặp rối loạn hưng phấn và khoái cảm (Shifren JL và cs, 2008). Phụ nữ sau mãn kinh không chỉ gặp một mà thường nhiều rối loạn cùng lúc:  50 – 65% giảm ham muốn kèm rối loạn hưng phấn, 70% kèm rối loạn cực khoái và đau tình dục.

Bác sĩ Ngọc cũng chỉ ra các số liệu nghiên cứu về tỷ lệ rối lại tình dục ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. Theo Peeyananjarassri K nghiên cứu trên phụ nữ mãn kinh Thái Lan thì tỷ lệ rối loạn tình dục chung của phụ nữ mãn kinh lên tới 82,2%. Theo nghiên cứu PRESIDE, khảo sát trên 31.581 phụ nữ thì giảm ham muốn là rối loạn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các rối loạn tình dục nữ, đặc biệt có tới 5-10% nữ giới bị stress do rối loạn giảm ham muốn.

Chủ động thăm khám, “chìa khóa vàng” để “giữ lửa” cuộc yêu

Các bác sĩ Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội chỉ định bệnh nhân nữ thực hiện siêu âm tuyến giáp, tuyến vú, ổ bụng, điện tim, xét nghiệm mỡ máu, đánh giá chức năng gan thận, công thức máu để tầm soát nguy cơ ung thư. Sau khi đảm bảo không có nguy cơ ung thư, bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng liệu pháp nội tiết, bổ sung estrogen qua đường bôi, giúp tăng bề dày biểu mô âm đạo, ngoài ra bổ sung kem dưỡng ẩm âm đạo, giúp niêm mạc âm đạo giảm khô rát, giảm teo sinh dục. Bác sĩ cũng tư vấn bệnh nhân cần tập thể dục ít nhất 4 buổi/ tuần, giải tỏa áp lực căng thẳng và dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, tập yoga, đi dạo…Bên cạnh đó bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung các thực phẩm như: đậu nành, ngũ cốc, hạt hướng dương, giá đỗ…

Ths Bs Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung Tâm Y Học Giới Tính Hà Nội

Theo Ths BS Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội, nếu phụ nữ gặp tình trạng giảm ham muốn kéo dài từ 3 đến 6 tháng và không tự cải thiện được thì cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị.

Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân có ham muốn tình dục trở lại, tự tin hơn trong “chuyện phòng the”, niêm mạc âm đạo dày, môi lớn đỡ teo. Bệnh nhân cho biết khi quan hệ vợ chồng đã tiết dịch bôi trơn đầy đủ.

Sau 2 tháng bệnh nhân có ham muốn tình dục chủ động, tần suất quan hệ 2 vợ chồng trở lại trạng thái như trước, 2 lần/ tuần, không còn tình trạng đau rát khi quan hệ. Quan hệ hòa hợp, mối quan hệ 2 vợ chồng không còn căng thẳng. Tái khám sau 3 tháng tình trạng đã cải thiện gần như triệt để, bệnh nhân không còn tình trạng rối loạn chức năng tình dục. Bác sĩ xét nghiệm chức năng gan, thận đều cho kết quả bình thường, không gặp tác dụng phụ của thuốc.

“Hiện tại bệnh nhân vẫn dùng liệu pháp nội tiết liều tối thiểu dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ. Qua tái khám, bệnh nhân cho biết tinh thần hoàn toàn thoải mái, da căng bóng, trí nhớ tập trung, không lo âu và hoàn toàn thỏa mãn chuyện chăn gối vợ chồng”, bác sĩ Ngọc cho biết thêm.

Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh, sử dụng liệu pháp nội tiết đảm bảo an toàn và hiệu quả ở phụ nữ mãn kinh nếu chỉ định đúng. Sau điều trị nhiều bệnh nhân có cải thiện rõ rệt tình trạng bốc hỏa, giảm căng thẳng, trầm cảm, lo âu, cải thiện sinh lý, da căng bóng, cải thiện trí nhớ, độ tập trung. Trong một vài trường hợp liệu pháp nội tiết còn phòng ngừa loãng xương, giảm nguy cơ tim mạch, giảm rối loạn tiểu tiện, nhiễm trùng tiết niệu…

Cũng theo Ths.BS Phạm Minh Ngọc, tuổi mãn kinh trung bình ở phụ nữ nước ta là từ 49 – 51 tuổi. Nếu tính dân số năm 2019 là 96,2 triệu người dân, thì tỷ lệ phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh là không hề nhỏ. Theo Tổng cục điều tra dân số năm 2019, tuổi thọ trung bình phụ nữ Việt Nam là 76,3 tuổi. Do đó số năm sống sau mãn kinh trung bình là 26 năm. Vì vậy, nâng cao chất lượng cuộc sống sau mãn kinh là rất quan trọng trong việc quan tâm đến sức khỏe người phụ nữ./.


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN