Phụ nữ có dấu hiệu này cần đi khám vô sinh càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe sinh sản, để lâu sẽ khó có con hơn

10/05/2022

Để bảo vệ sức khỏe sinh sản, chị em nên thăm khám bác sĩ khi cơ thể có những dấu hiệu bên dưới đây.

Sức khỏe sinh sản là một trong những vấn đề mà phụ nữ nên ưu tiên hàng đầu. Cách tốt nhất để chăm sóc sức khỏe sinh sản là luôn chủ động, lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn để không bỏ qua bất cứ dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất.

Hỏi:

“Chào bác sĩ. Em năm nay 30 tuổi, em đã lấy chồng được 3 năm rồi nhưng vẫn không có tin vui. Vợ chồng em sinh hoạt khá thường xuyên, ngoài ra em vẫn có kinh nguyệt, không có bất thường gì ở vùng kín. Liệu em có bị vô sinh không? Em có nên đi khám không?”.

BSCKI Hồ Văn Thắng (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) trả lời:

Chào bạn!

Theo định nghĩa về vô sinh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cặp vợ chồng cần thăm khám hiếm muộn khi:

Cặp vợ chồng dưới 35 tuổi, quan hệ tình dục thường xuyên, sau 12 tháng chung sống, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn không có thai. Đối với người vợ trên 35 tuổi, thời gian quy định sẽ là sau 6 tháng chung sống, cố gắng mang thai mà vẫn chưa có thai. Trường hợp người vợ hoặc chồng mắc bệnh lý bất kỳ, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thì sẽ không xét đến yếu tố thời gian và cần đi thăm khám sớm trước khi có kế hoạch sinh con.

Trường hợp hai vợ chồng bạn chung sống cùng nhau 3 năm, quan hệ tình dục thường xuyên và không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà chưa có thai thì nên đi khám kiểm tra sức khỏe sinh sản tại các trung tâm Hỗ trợ sinh sản nhé!

Vô sinh được chia thành hai loại:

– Vô sinh nguyên phát (Vô sinh I): Bao gồm các trường hợp người vợ chưa từng mang thai lần nào.

– Vô sinh thứ phát (Vô sinh II): Người vợ đã từng có con hoặc có thai trước đó (bao gồm cả các trường hợp sảy thai, thai lưu, chửa ngoài tử cung), sau đó trên 1 năm không có thai trở lại.

Một số nguyên nhân gây vô sinh thường gặp:

1. Nguyên nhân từ người vợ

  • Rối loạn quá trình phát triển và rụng trứng (Rối loạn nội tiết, buồng trứng đa nang…).
  • Suy giảm dự trữ buồng trứng sớm.
  • Tắc ống dẫn trứng.
  • Bệnh lý về tử cung: Polype buồng tử cung, dính buồng tử cung, lạc nội mạc tử cung…
  • Bất thường về di truyền.

2. Nguyên nhân từ người chồng

  • Tinh trùng yếu: Số lượng tinh trùng ít, chất lượng tinh trùng kém.
  • Tắc hoặc không có đường ống dẫn tinh.
  • Rối loạn xuất tinh: Không thể xuất tinh, xuất tinh ngược dòng…
  • Bất thường về di truyền.

Ngoài ra, khi gặp phải một số dấu hiệu sau đây, người phụ nữ cần thăm khám để có thể phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây vô sinh:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh.
  • Có tiền sử sảy/lưu thai từ 2 lần trở lên.
  • Có các bệnh lý liên quan đến sinh sản như: hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, polype buồng tử cung…hoặc các trường hợp có tiền sử phẫu thuật các bệnh lý của cơ quan sinh sản.
  • Có các dấu hiệu sinh dục bất thường như: lông mọc nhiều hơn bình thường hoặc không có lông mu, tuyến vú không phát triển, nhiều mụn trứng cá…
  • Thay đổi, giảm ham muốn tình dục.
  • Có triệu chứng đau vùng chậu liên quan đến chu kỳ kinh, đau sau giao hợp.
  • Có các bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục hoặc mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai…
  • Phụ nữ đã, đang hoặc chuẩn bị điều trị các bệnh lý ung thư.

Các cặp đôi cần lưu ý rằng, tỷ lệ vô sinh ở nam giới và nữ giới là ngang nhau. Do đó, cả hai vợ chồng bạn nên cùng nhau đến bệnh viện chuyên khoa về nam học, hiếm muộn để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán tình trạng chính xác nhất.

Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN