04/03/2016
Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của phụ nữ với hai chức năng cơ bản: nội tiết để sản xuất ra các hormon sinh dục, quy định các đặc tính sinh dục – sinh lý nữ và ngoại tiết để sản xuất trứng phục vụ cho quá trình sinh sản. Một buồng trứng hoạt động bình thường sẽ giúp cho người phụ nữ có đời sống tình dục, sinh lý và sinh sản bình thường.
Đối với đàn ông, tinh trùng được sản xuất liên tục từ lúc dậy thì nên đời sống sinh sản của người đàn ông rất dài, thậm chí đến tuổi già nếu vẫn quan hệ được. Thì người phụ nữ lại thiệt thòi hơn khi ngay từ lúc còn là bào thai khoảng 20 tuần, sự phân chia gia tăng số lượng trứng ở hai buồng trứng đã dừng lại và mỗi phụ nữ sinh ra sẽ có khoảng 1 đến 2 triệu trứng. Số lượng này sẽ giảm dần và khi bước vào tuổi dậy thì số lượng trứng sẽ còn khoảng 300.000 – 400.000 trứng. Và theo chu kỳ kinh hàng tháng, các nang trứng sẽ phát triển, rụng trứng hoặc thoái hóa dần làm cho dự trữ buồng trứng thấp dần. Thường là sau 45 tuổi lượng trứng giảm đến mức cạn đáy và phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Khi đó người phụ nữ không còn khả năng sinh sản đồng thời sự sản xuất các hormone sinh dục nữ giảm sút làm suy giảm các hoạt động sinh lý nữ.
Suy buồng trứng sớm là hiện tượng buồng trứng bị lão hoá trước tuổi, ngừng hoạt động chức năng ở phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi. Đây là một nguyên nhân vô sinh rất thường gặp.
Dấu hiệu suy buồng trứng sớm thường có biểu hiện tương tự như những phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh với các dấu hiệu điển hình:
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp suy buồng trứng đến rất từ từ không có triệu chứng gì, bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi thăm khám vì hiếm muộn.
Buồng trừng bình thường và buồng trứng bị suy
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị nào có thể cải thiện suy buồng trứng hay dừng quá trình suy buồng trứng ở phụ nữ. Các điều trị chủ yếu với mục đích giải quyết các triệu chứng của bệnh và điều trị hiếm muộn.
Phụ nữ nên kết hôn và sinh con sớm trước 35 tuổi. Phụ nữ dưới 35 tuổi nếu sau 1 năm kết hôn/chung sống hoặc phụ nữ trên 35 tuổi, sau 6 tháng chung sống không dùng biện pháp tránh thai mà chưa có thai cần đi khám chuyên khoa để phát hiện sớm tình trạng suy buồng trứng và điều trị hỗ trợ sinh sản kịp thời.
Nếu một người phụ nữ chỉ bị suy giảm buồng trứng mức độ nhẹ, buồng trứng còn nang trứng dự dữ và hoạt động phát triển, rụng trứng vẫn diễn ra thì vẫn có cơ hội có thai tự nhiên. Tuy nhiên vì hoạt động chức năng buồng trứng kém, sự phát triển, rụng trứng không thường xuyên nên tỷ lệ có thai tự nhiên thấp, chỉ khoảng 5-10% bệnh nhân mang thai mà không cần điều trị gì. Còn lại đa số cần nhờ đến sự can thiệp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Việc can thiệp hỗ trợ sinh sản sớm sẽ giúp tăng khả năng có thai và giảm chi phí đều trị vì quá trình suy buồng trứng vẫn liên tục tiếp diễn.
Các trường hợp buồng trứng suy nặng không còn nang trứng dự trữ, buồng trứng đáp ứng kém để có thai cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp xin trứng.
Bs.CKI Hồ Văn Thắng (chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản)