Thăm khám trong rối loạn cương

07/03/2016

Rối loạn cương hay rối loạn cương dương là tính trạng dương vật không có khả năng đạt được hoặc duy trì trạng thái cương cứng đủ để thỏa mãn hoạt động tình dục (giao hợp). Có rất nhiều phương pháp thăm khám cận lâm sàng được áp dụng để đánh giá tình trạng cũng như nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương.

  1. Cương cứng ban đêm 

Nhiều bệnh nhân rối loạn cương (RLC) vẫn cương cứng tự động khi ngủ say, trái với nhu cầu thực tiễn khi cần thì không cương được, khi không cần thì lại cương cứng. Karacan và nhiều tác giả khác cho rằng nếu còn cương được như thế chứng tỏ bệnh nhân RLC có nguồn gốc tâm lý, ngược lại, khi không còn cương cứng ban đêm được nữa là có dấu hiệu tổn thương thực thể như bị đái đường hoặc do biến loạn ở mạch máu. Trong khi ngủ các nguyên nhân tâm lý ức chế việc cương cứng mất đi trong những bênh nhân RLC, trái lại, nguyên nhân thực thể thì vẫn còn và vận hành cả khi ngủ lẫn khi thức. Giả thuyết này cần được chứng minh cho từng bệnh nhân bằng những biện pháp điều trị.

Một cách đơn giản để đo độ cương cứng ban đêm là dùng các băng dán quanh dương vật để đo áp lực do cương gây ra. Mỗi dụng cụ đo có 3 băng, mỗi băng sẽ dứt ra ở các áp lực 90, 120 và 150mmHg. Buổi chiều và tối trước khi đo bệnh nhân không được uống rượu, không dùng thuốc ngủ và không giao hợp. Sáng hôm sau bệnh nhân sẽ tự mang dụng cụ này đến cho bác sĩ xem. Nếu hai băng đầu bị đứt thì bệnh nhân đã có đủ khả năng cương cứng để đưa vào âm đạo. Một băng bị đứt hoặc cả 3 còn nguyên thì bệnh nhân bị mềm, không đủ sức đưa vào. Cả 3 băng bị đứt cả chứng tỏ khả năng cương của bệnh nhân còn rất tốt và không có RLC.

Thông thường mỗi bệnh nhân cần đo ít nhất 2 đêm liên tục. Dụng cụ đo không đắt, bệnh nhân có thể dùng ở nhà. Do dùng ở nhà nên có nhược điểm là bệnh nhân có thể chủ động thay đổi kết quả vì mục đích khác của minh.

shutterstock_551752360_16_9_1540268955-880x495

Hình minh họa (Internet)

  1. Đánh giá độ cứng dương vật

Phương pháp đánh giá dựa vào cảm giác chủ quan của bệnh nhân: bệnh nhân so sánh độ cứng dương vật của mình đạt được trong lúc giao hợp với thang chia độ cứng (xem hình minh họa). Độ 1 bệnh nhân có cương mà không cứng, dương vật mềm giống như cảm giác bệnh nhân nắn vào bìa đậu phụ. Độ 2 đã cứng lên được chút nhưng chưa thể giao hợp được giống như cảm giác nắn vào quả chuối đã bóc vỏ. Độ 3 khá cứng đã có thể giao hợp được nhưng chưa cứng hoàn toàn nên vẫn có cảm giác chưa thỏa mãn, người bệnh có thể so sánh giống như khi nắn vào một quả chuối ương chưa bóc vỏ. Độ 4 cứng đầy đủ và hoàn toàn để thỏa mãn giao hợp giống như khi nắn vào quả dưa chuột.

duong-vat-cuong-nhung-khong-cung-2

  1. Đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh lý rối loạn cương qua bảng câu hỏi 

Bảng câu hỏi chỉ số quốc tế đánh giá chức năng cương dương vật (Bảng hỏi IIEF) được rất nhiều chuyên gia tiết niệu, nam khoa, tình dục học ở hầu hết các quốc gia chấp nhận như là một phương pháp đánh giá chủ quan từ việc hỏi ý kiến bệnh nhân. Bệnh nhân trả lời các câu hỏi trong bảng  sau đó bác sỹ sẽ đánh giá mức độ chủ quan của bệnh nhân sau khi tổng hợp câu hỏi có 4 mức độ:

  • Mức độ nặng (6-20 điểm)
  • Mức độ trung bình (21 – 30 điểm)
  • Mức độ nhẹ (31 – 59 điểm)
  • Không có RLCD (65-70 điểm)
  1. Xét nghiệm các hormone sinh dục

Testosterone có vai trò quan trọng trong chức năng cương dương vật nên xét nghiệm testosterone là một trong xét nghiệm cần làm sớm để tìm nguyên nhân. Testosterone được xét nghiệm bằng cách lấy máu vào buổi sáng tốt nhất là từ 8 – 11h sáng, bệnh nhân không cần nhịn ăn, thông thường chỉ làm testosterone toàn phần. Nếu có điều kiện thì làm testosterone tự do là tốt nhất nhưng xét nghiệm testosterone tự do khó làm, tốn kém vì yêu cầu cơ sở xét nghiệm hiện đại và trang thiết bị đồng bộ. Tuy nhiên có thể dựa vào nồng độ testosterone toàn phần để áng chừng nồng độ testosterone tự do bằng cách lấy nồng độ testosterone nhân với 0.04 (testosterone chiếm 3% testosterone tổng). Nồng độ testosterone bình thường ở người trưởng thành là từ 8-36 nmol/l. Dưới 8 nmol/l được coi là thấp và có chỉ định dùng testosterone thay thế, nồng độ testosterone 8-12 nmol/l có thể cân nhắc việc sử dụng testosterone nếu người bệnh có biểu hiện lâm sang có dấu hiệu suy sinh dục, mãn dục rõ, không điều trị testosterone khi nồng độ testosterone trên 12nmol/l. Ngoài ra các hormone khác là LH, Prolactine, Estrogene cũng được sử dụng để xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn cương dương.

  1. Các nghiệm pháp khác

Tiêm chất giãn mạch tại chỗ

Tiêm papaverine trực tiếp vào vật hang để xem dương vật có cương được không, nếu không cương được thì có nghĩa là người bệnh bị rối loạn cương do nguyên nhân tại dương vật, các mạch máu ở dương vật, các cấu trúc của vật hang vật xốp bị xơ không giãn nở để tích máu được… nếu cương được tốt thì có nghĩa rằng nguyên nhân không ở tại dương vật mà có thể là do thần kinh, tâm lý, nội tiết…

Cho bệnh nhân nằm ngửa, thắt chặt 1 băng cao su ở gốc dương vật. Tiệt trùng da dương vật và tiêm vào vật hang 2ml dung dịch papaverine 30mg/ml, Rút kim, ép chặt chỗ tiêm bằng ngón tay để đảm bảo cầm máu trong ít nhất 2 phút. Sau đó cắt băng cao su bằng kéo, cho bệnh nhân đứng dậy. Đo thời gian đến lúc cương cứng, độ cứng và độ lâu của cương cứng. Với bệnh nhân RLC do nguyên nhân thần kinh và không có tổn thương mạch máu thì thời gian để cương cứng đủ ổn định chỉ có 2-3 phút sau khi cắt băng và cương cứng thực hiện được trong vòng 5-10 phút. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân sợ hoặc lo lắng quá có thể làm cho đáp ứng cương kém hiệu quả vì tiết nhiều adrenaline. Nếu chậm đến 15-30 phút mới cứng chứng tỏ có tổn thương do dòng máu động mạch đến xoang hang. Mặc dù sau đó bệnh nhân có cương cứng tuyệt vời hay không.

Những bệnh nhân không cương cứng, không có phản ứng (+)sau khi tiêm sapaverine phần lớn có tổn thương mạch: động mạch thắt hẹp (xơ vữa, xơ cứng) hoặc rò tĩnh mạch. Chỉ cương hay cứng ít không đủ đưa vào được âm đạo cũng chứng tỏ có tổn thương mạch máu.

Nếu thời gian cương cứng của bệnh nhân chỉ kéo dài được dưới 20 phút thì nên nghĩ tới nguyên nhân do rò tĩnh mạch. Nếu nghi ngờ bệnh lý rò tĩnh mạch ngay từ khi thăm khám thì băng cao su ở gốc dương vật phải để đến 10 phút trong khi bệnh nhân đứng. Nếu tĩnh mạch bị rò máu ra khỏi thể hang ở chỗ xa khớp vệ thì cương thực hiện được nhiều phút sau khi đặt băng thắt cao su.

Đánh giá động mạch dương vật bằng siêu âm Doppler

Năm 1971 Gaspell đã đo được huyết áp động mạch của dương vật (HADV) bằng cách dùng phương pháp quang phổ (Spectroscopic method). áp lực tâm thu của động mạch dương vật tương đương hoặc lớn hơn áp lực trung bình của động mạch cánh tay. ở người RLC thì áp lực động mạch dương vật thấp hơn. Chứng tỏ có sự ngăn cản luồng máu đến dương vật. Abelson năm 1975 đã dùng siêu âm có hiệu ứng Doppler để đo xung áp lực động mạch dương vật. Các xung mạch này giống hệt xung của động mạch ngón tay trỏ. Nhiều nghiên cứu khác trên đàn ông cũng chứng tỏ HADV thấp hơn áp lực động mạch cánh tay 20mmHg. Sau này được triển khai thành phương pháp thăm dò an toàn không tổn hại đến bệnh nhân trên nguyên tắc và kết quả cơ bản của các nghiên cứu này đến nay vẫn còn sử dụng vì đơn giản và chính xác.

Phương pháp xác định huyết áp tâm thu của động mạch dương vật

Một vòng đo huyết áp (HA) có chiều rộng 2,5-3cm (dùng để đo áp lực động mạch ngón tay) được đặt vào gần gốc dương vật. Bơm căng lên giống như đo HA thông thường đến mức cao hơn HA động mạch của cánh tay (HACT). Đầu dò siêu âm 9,5-10MHZ được đặt vào quãng giữa của mỗi thể hang ở vị trí hơi ra trước và hơi ra cạnh bên, xả hơi dần dần cho đến khi nghe thấy tiếng đập đầu tiên thì đó là HA tâm thu của động mạch dương vật. Mỗi bệnh nhân đo 2 lần. Nếu còn nghi ngờ, vẫn có thể lặp lại ngay để có số đo chính xác. Kết quả được đọc bằng cách sau đây: Tính độ chênh lệch giữa HA tâm thu của dương vật và của cánh tay bằng cách lấy HA tâm thu cánh tay trừ đi HA tâm thu động mạch dương vật. Nếu ở người bình thường thì không quá 20mmHg. ở người lớn tuổi mà vẫn có khả năng cương tốt thì độ chênh này có thể cao tới 30mmHg. Bất cứ ai có độ chênh trên 30mmHg thì RLC được coi là do nguyên nhân tổn thương mạch máu. Nếu độ chênh lớn hơn 40mmHg thì RLC có nguyên nhân ở mạch máu nặng.

Nếu tỷ lệ HADV/HACT ở giữa 0,7 và 0,8 là kết quả nghi ngờ vì cả người có khả năng cương và không có khả năng cương cũng có tỷ lệ chênh ấy. Nếu có chỉ số 0,6 – 0,7 thì người RLC có nhiều khả năng do mạch máu phối hợp với sự tắc nghẽn của các động mạch ngoại biên. Tỷ lệ của HADV/HACT đã được chấp nhận và sử dụng rộng rãi.

Chụp động mạch có cản quang

Dưới sự hướng dẫn của X-quang (trước đây) và siêu âm (ngày nay), việc chụp có cản quang động mạch thẹn cũng không có gì khó khăn. Trên phim có thể nhìn thấy rõ các phân nhánh vào dương vật của động mạch thẹn trong.

Chụp xoang hang có cản quang

Xoang hang được bơm chất cản quang vào từ từ để xem các thể cương và các tĩnh mạch dẫn máu từ các xoang ra ngoài. Đây là một xét nghiệm tĩnh và nó sẽ trở nên động nếu dương vật to lên. Chụp xoang hang có thể tiến hành cả lúc dương vật mềm và lúc dương vật cương. Chỗ tiêm thuốc cản quang có thể phải dùng giảm đau tại chỗ trước nhưng không chọc thủng lớp bao trắng (albuginae). Nếu bệnh nhân có cương cứng nhanh sau khi bơm dung dịch có papaverine thì không cần thiết phải chụp XQ nữa.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Trọng Hiếu, Dương Trọng Hiếu, Nguyễn Bá Hưng: Rối loạn tình dục và hiếm muộn ở nam giới, nhà xuất bản Y học 2013.
  2. Trần Bồng Sơn: Rối loạn cương dương. Nhà xuất bản y học 2004.
  3. Wayne Hellstrom. The Handbook of Sexual Dysfunction.The American Society of Andrology.
  4. http://www.nationmultimedia.com/life/The-hardness-factor-30203171.html

 


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐẶT LỊCH KHÁM