17/04/2019
6 năm tìm con, đã không biết bao lần vợ chồng chị Thảo hụt hẫng, thất vọng khi 3 lần nhận kết quả IVF thất bại. Đặc biệt, dù chị có “cắn răng” chịu hàng nghìn mũi kim châm cứu trong nửa năm cũng không hề có kết quả.
Chị Thảo tâm sự: “Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả” bởi dù chị khó khăn về đường con cái, từng xác định không thể có con tự nhiên trước khi kết hôn nhưng chị luôn có gia đình chồng và chồng yêu thương, đồng hành suốt chặng đường tìm con gian nan ấy.
Tổ ấm nhỏ của chị Thảo.
6 năm tìm con, 3 lần IVF thất bại, chịu gần 6 nghìn mũi kim châm cứu
Chị Thảo cho biết, chị kết hôn vào năm 2012. Trước khi cưới vợ chồng chị đã biết sẽ phải tìm con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vì chị chửa ngoài 2 lần phải cắt 2 bên vòi trứng. Dù biết tình hình sức khỏe của chị như vậy nhưng chồng chị vẫn ở bên.
Suốt 6 năm tìm con, có những lúc cãi vã căng thẳng nhất nhưng chồng chị chưa bao giờ nói một câu động chạm đến vấn đề con cái. Đã nhiều người khuyên vợ chồng chị xin con nuôi để lấy cửa đẻ con nhưng chồng chị không đồng ý, anh luôn động viên chị rằng “không nuôi con thì nuôi cháu”, làm hết sức lực đến bao giờ tìm thấy con mới thôi. Có lẽ đó là nguồn động lực lớn nhất cho chị suốt 6 năm nhọc nhằn tìm con.
Chị Thảo kể, năm đầu tiên hai vợ chồng lấy nhau còn khó khăn về kinh tế, hơn nữa chồng lại là người kiếm tiền chủ lực lo cho gia đình từ A đến Z nên vợ chồng chị phải tạm gác lại chuyện tìm con, mãi đến cuối năm 2013, vợ chồng chị mới có chút chi phí để IVF lần đầu tiên ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
“Nhận kết quả, 2 vợ chồng lo lắng, ngỡ ngàng lắm. Một tuần sau kiêng khem 3-5 ngày thì lại bình thường, hóa ra trước ngày xét nghiệm chồng mình có uống rượu thuốc và 2 vợ chồng có quan hệ. Đợt đó mình chọc được 6 trứng, tạo được 4 phôi vả chuyển cả 4 phôi tươi nhưng thất bại”, chị Thảo nhớ lại.
Bé Chăm sinh ngày 16/1/2019.
Chưa nản lòng, đến năm 2015, vợ chồng chị tiếp tục IVF lần 2. Có kinh nghiệm hơn, lần này vợ chồng chị theo dõi ở phòng khám riêng của bác sĩ. 10 ngày liên tục, ngày nào cũng từ 5h-7h tối, vợ chồng chị lại chạy xe gần 70km đi đi về về để kích trứng. Tuy nhiên, đáp lại những vất vả ấy là kết quả đầy thất vọng giống như lần đầu.
“Mình chọc được 9 trứng tạo được 5 phôi, chuyển 3 phôi còn 2 phôi trữ ngày 3. Mình kiêng khem hết mức cũng không thấy con đâu. Lần này mình có beta nhưng thai bị sinh hóa sau 2 ngày, mình hụt hẫng buồn khóc nhiều lắm.
Cách mấy tháng sau, mình chuyển nốt 2 phôi trữ cũng không được vì phôi lần này kém rồi. Mình chán nản hẳn. Sau này mình nghe và tìm hiểu có người mách đi châm cứu tăng khả năng thụ thai, trứng tốt, mình cũng đi.
Năm 2017, mình đi châm trong nội thành cứu cách nhà 40km. Mỗi ngày 100 nghìn tiền châm cứu và mỗi tháng hết khoảng 3 triệu tiền cao, thuốc uống. Bây giờ nghĩ đến mình không dám đi châm cứu nữa.
Hôm nào mình cũng đi từ 12h trưa ở Đông Anh sang. Mỗi lần khoảng 30 mũi kim châm cứu khắp người. Suốt nửa năm như vậy, mình chịu gần 6000 mũi kim châm cứu, ngày nào cũng lấy hơi, lấy đà và nghĩ đến con làm động lực vì châm cứu đau lắm”, chị Thảo chia sẻ về hành trình tìm con của mình.
Chồng chăm vợ con từ A đến Z, không có thời gian để ngủ
Chị Thảo cho biết, quá trình tìm con vất vả là vậy, chị chịu bao nhiêu mũi kim trên người nhưng cũng không hiệu quả. Sau này khi sang Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khám, chị biết, mình phải xử lý polyp buồng tử cung trước khi chuyển phôi mới có thể thành công.
“Mình có polyp buồng tử cung từ lúc chuyển phôi lần 3. Sang đây mình theo phác đồ của bác sĩ nhưng kết quả xét nghiệm chỉ số AMH vẫn giảm. Lần 3 mình kích trứng chỉ số AMH còn 1,64, khi chọc trứng được 11 quả tạo được 7 phôi”, chị Thảo chia sẻ.
Chị Thảo mang bầu tăng 9kg lên 62kg nhưng vẫn khá thon gọn.
Do cơ địa không hợp nên chất lượng trứng của chị Thảo sau khi đi châm cứu vẫn không hề tốt hơn. Chị đã thất vọng rất nhiều bởi bao nhiêu đau đớn chị cố chịu đựng suốt nửa năm qua cũng thành công cốc. Tuy nhiên, dường như ông trời đã hiểu sự vất vả của vợ chồng chị nên sau khi mổ nội soi cắt polyp, chị đã chuyển phôi lần 4 thành công.
Chị Thảo tâm sự, chị từng dùng rất nhiều thuốc đông, tây y, kiêng khem, ăn uống kỹ lưỡng 3 lần chuyển phôi trước mà vẫn không thành công. Vậy mà lần thứ 4 này, dù không hề tẩm bổ, kiêng khem và không hề tiêm trước, sau chuyển phôi nhưng kết quả vẫn ngoài mong đợi của vợ chồng chị. Lần IVF thứ 4 được chồng động viên làm đến bao giờ hết sức hết lực mới thôi nên tinh thần chị khá thoải mái, không hề bị áp lực. Không ngờ, 5 ngày sau chuyển phôi, vợ chồng chị hạnh phúc khi nhìn que thử thai 2 vạch sau 6 năm tìm con.
“Tâm lý bị thai sinh hoá một lần làm ám ảnh vợ chồng mình, khiến mình nửa mừng nửa lo cứ 2 ngày xét nghiệm beta một lần. 3 tháng đầu, mình hồi hộp từng tuần đi siêu âm. Tuần 8-9 ra máu nâu, 2 vợ chồng lo lắng, sốt ruột khám suốt. Không những vậy, mình nghén nặng, 3 tháng đầu bỏ cơm và thức ăn, chỉ ăn được ít mì gạo luộc, yến, bào ngư,… Mình còn bị ho suốt 1 tuần nữa”, chị Thảo kể khó khăn khi mang bầu của mình.
Ngày nào, ông xã chị cũng pha nước gừng muối ngâm chân nên chị không bị đau mỏi hay phù nề.
Suốt thai kỳ, không biết bao lần vợ chồng chị lo lắng, đặc biệt khi nhận tin sét đánh 3 tháng có dây chằng buồng ối. Dù biết dây chằng căng, khả năng quấn vào con thấp nhưng lúc nào tâm trạng chị cũng lo lắng. Mãi đến tháng thứ 5 trở đi, khi hết nghén, ăn được nhiều hơn, sức khỏe tốt hơn chị mới yên tâm phần nào.
Trước dự kiến sinh 4 ngày vì siêu âm ối giảm, nghi có phân su nên chị quyết định sinh mổ để gặp con yêu. Bé Chăm chào đời ở tuần thứ 39 nặng 3,2kg.
“Bé sinh tháng 1/2019. Lúc y tá bế con đặt lên ngực mình hạnh phúc, cuối cùng cũng đã đến ngày hôm nay”, chị Thảo cười.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng chị sau 7 năm.
7 năm sau kết hôn mới có con, lần đầu làm mẹ với nhiều bỡ ngỡ, nhất là bị tắc sữa, nhà neo người nên chị Thảo gặp khá nhiều khó khăn. May mắn bé ngoan, chị có chồng đỡ đần nên cũng vơi bớt phần nào. Thậm chí, thương vợ vất vả, ngày nào chồng chị cũng chóng mặt pha sữa, thay bỉm cho con, rồi chăm vợ mới sinh không có thời gian ngủ, chỉ tranh thủ chợp mắt được một lúc.
Ông xã chị đỡ đần chị hết công việc chăm con.
Sau 20 ngày đầu stress vì trông con, vợ chồng chị cũng đã quen dần với công việc bỉm sữa. Đặc biệt, chồng chị còn thay chị hết công việc chăm con từ bỉm sữa đến tắm táp. Nhìn tổ ấm nhỏ hạnh phúc của mình thay đổi 3 tháng nay từ khi có con chào đời, chị Thảo lại nở nụ cười bởi bao vất vả của 7 năm qua đã được đền đáp xứng đáng.
Theo Eva.vn