Câu chuyện về bác sĩ chuyên “bắt” tinh trùng để hiện thực hóa giấc mơ làm cha cho nhiều nam giới vô sinh

13/08/2021

Chúng ta thường nghe nhiều những câu chuyện của bác sĩ điều trị vô sinh hiếm muộn cho chị em phụ nữ. Thế còn một bộ phận không nhỏ quý ông cũng rơi vào hoàn cảnh này thì sao? Cùng nghe bác sĩ chuyên chữa vô sinh hiếm muộn cho nam giới tâm sự trong nghề nhé!

Tuổi trẻ, năng động và giàu nhiệt huyết với nghề. Đó là những gì người ta không thể không nhắc đến ThS.BS Đinh Hữu Việt (Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) – bác sĩ chuyên chữa vô sinh hiếm muộn cho nam giới nổi tiếng ở thủ đô.

Lựa chọn lĩnh vực nam khoa và vô sinh hiếm muộn để gửi gắm đam mê nghề y

Tâm sự về cơ duyên đến với nghề y của mình, BS Việt kể, từ khi còn là cậu học sinh cấp 3, anh đã ước mơ trở thành bác sĩ vì “đó là nghề cao quý, là nghề vì con người, hi sinh vì mọi người”.

Từ khi còn là cậu học sinh cấp 3, BS Việt đã mong ước được trở thành bác sĩ.

“Đến khi làm việc trong chuyên ngành Nam khoa và điều trị vô sinh – hiếm muộn ở nam giới, tôi cảm nhận được nỗi niềm mong có em bé đau đáu của các cặp vợ chồng khi không may mắc phải bệnh lý ảnh hưởng tới hệ sinh sản. Đó là những câu chuyện khó nói mà không phải người đàn ông nào cũng có thể giãi bày với người bạn đời của mình. 

Do đó, tôi mong muốn được dùng sức mình để sẻ chia với họ những khó khăn ấy, giúp các gia đình hiện thực hóa giấc mơ được làm cha làm mẹ. Được chứng kiến các em bé chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình là món quà lớn nhất mà tôi nhận được sau nhiều năm làm nghề của mình”, BS Việt tâm sự.

BS Việt khi thăm khám và điều trị cho bệnh nhân. 

Hàng ngày, BS Việt xoay quanh guồng quay của việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý nam khoa như rối loạn tình dục, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, suy giảm tình dục… các bệnh lý liên quan tới đời sống tình dục cũng như khả năng sinh sản ở nam giới. Ngoài ra, anh còn là bác sĩ chính thực hiện nhiều các phẫu thuật nam khoa như vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE), vi phẫu nối ống dẫn tinh mào tinh, phẫu thuật cấp cứu cho các trường hợp xoắn tinh hoàn, vỡ vật hang, thắt nghẹt bao quy đầu, phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục…

Kiến thức chuyên môn sâu cùng tay nghề cao, BS Đinh Hữu Việt đã thăm khám và chữa trị cho hàng trăm trường hợp mắc các bệnh lý nam khoa nghiêm trọng, đồng thời mang lại hy vọng, niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình vô sinh – hiếm muộn do người chồng không có tinh trùng.

Bác sĩ mát tay hiện thực hóa giấc mơ làm cha cho nhiều nam giới vô sinh

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp cao học chuyên ngành Ngoại khoa, ThS.BS Đinh Hữu Việt lựa chọn Nam khoa, đặc biệt là điều trị vô sinh – hiếm muộn cho nam giới để gắn bó. Xã hội ngày càng phát triển, câu chuyện vô sinh – hiếm muộn giờ chẳng còn của riêng ai. Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn nhiều năm nhưng không thể có con mới nghĩ tới chuyện thăm khám. Đến khi biết rõ nguyên nhân từ phía người chồng thì đa phần nam giới sẽ cảm thấy tự ti và ngại chia sẻ.

Lúc này, ngoài vai trò là bác sĩ nam khoa, bác sĩ điều trị vô sinh – hiếm muộn, BS Việt còn là bác sĩ tâm lý giúp bệnh nhân vượt qua những rào cản trong suy nghĩ, tháo gỡ các nút thắt mà đôi khi không thể chia sẻ được với người thân.

Chừng ấy năm làm nghề, BS Việt gặp không ít những tình huống “khó nói” của nam giới; những nỗi niềm, khao khát có con cháy bỏng của các cặp vợ chồng và cả những giọt nước mắt của phái mạnh. Thế nên, trong suốt 10 năm theo nghề y, 6 năm làm chuyên môn trong lĩnh vực Nam khoa, Vô sinh – Hiếm muộn, BS Việt cũng trải qua vô số những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề.

Ngoài vai trò là bác sĩ nam khoa, bác sĩ điều trị vô sinh – hiếm muộn,

BS Việt còn là bác sĩ tâm lý giúp bệnh nhân vượt qua những rào cản trong suy nghĩ,

tháo gỡ các nút thắt mà đôi khi không thể chia sẻ được với người thân. 

“Mỗi gia đình là một câu chuyện để lại cho tôi nhiều kỷ niệm, đặc biệt là các trường hợp người chồng bị vô tinh. Phần lớn các cặp vợ chồng đều có suy nghĩ mọi cánh cửa đã đóng lại với họ, việc có đứa con của chính mình dường như chỉ là giấc mơ khi được kết luận không có tinh trùng trong tinh dịch”, BS Việt chia sẻ.

Đó là trường hợp của anh C. (Thái Nguyên). Anh C. bị vô tinh do mắc hội chứng Klinefeter – Klinefeter – một rối loạn di truyền ở nam giới, người bệnh có một cặp NST giới tính X thay vì chỉ có một nhiễm sắc thể X. Nam giới mắc hội chứng này có bộ NST 47 XXY với đặc trưng là suy sinh dục, rối loạn nội tiết, khiến tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh rất kém, thậm chí hoàn toàn không tạo ra tinh trùng.

BS Việt chụp ảnh cùng gia đình bệnh nhân.

Trước khi tới Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, gia đình anh chị đã chạy chữa ở nhiều nơi. Tại thời điểm đó, anh C cũng không còn tin là bản thân có thể được làm cha từ chính tinh trùng của mình. Anh tới thăm khám, nghe tư vấn và điều trị vì “chiều lòng” gia đình, không muốn dập tắt hi vọng của vợ. “Là người trực tiếp điều trị và thực hiện mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng – Micro TESE cho anh C, tôi luôn cố gắng động viên, tạo hy vọng để bệnh nhân không nản lòng, kiên trì thực hiện theo phác đồ dù tỉ lệ tìm thấy tinh trùng ở nam giới mắc hội chứng này là rất thấp”, BS Việt nhớ lại.

Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ và tưởng như đã thất bại nhưng với cái tâm của người thầy thuốc cùng trình độ chuyên môn cao, BS Việt cùng ekip đã “chắt chiu” từng mẫu mô tinh hoàn, kiên trì tìm những ống sinh tinh còn “mạnh khỏe” để “bắt” tinh trùng cho bệnh nhân. Niềm vui cứ thế vỡ òa khi số lượng tinh trùng được tìm thấy đủ để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ, thắp lên hy vọng được làm cha cho anh C.

Trải qua quá trình tạo phôi, chuyển phôi vào tử cung người vợ rồi mang thai với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ, đến năm 2020 gia đình anh C đã đón được con yêu sau nhiều năm mong mỏi kiếm tìm.

“Với các bác sĩ điều trị vô sinh – hiếm muộn nói chung và bác sĩ điều trị vô sinh nam nói riêng thì thành công là khi được thấy các em bé chào đời khỏe mạnh. Lúc đó, người làm bác sĩ như chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Gia đình anh C là một trong những trường hợp mắc hội chứng Klinefelter đầu tiên tại Việt Nam được điều trị thành công nhờ can thiệp Micro TESE. Ít lâu sau, chúng tôi đón nhận thêm những tin vui khi có 5 em bé chào đời khỏe mạnh cùng nhiều trường hợp thụ tinh và tạo phôi thành công từ tinh trùng của nam giới mắc hội chứng bất thường nhiễm sắc thể 47 XXY này”, BS Việt không giấu nổi niềm hạnh phúc khi anh và các cộng sự của mình đã ươm mầm thành công cho những mảnh đất khô cằn tưởng chừng không thể ươm cây kết trái ngọt.

Hay như trường hợp tìm con hơn chục năm nhưng không có kết quả của vợ chồng thầy giáo Lê Trần Minh (Điện Biên). Lập gia đình từ 2008 nhưng cặp vợ chồng với 10 năm tìm con, tìm đến biết bao bài thuốc nam, thuốc bắc mà không có tiến triển.

Năm 2018, hai vợ chồng quyết định xuống Hà Nội để thăm khám, anh Minh được chẩn đoán hiếm muộn do biến chứng quai bị cách đây 14 năm dẫn đến tinh hoàn phải teo nhỏ. May mắn, quai bị “chạy hậu” chỉ khiến tinh hoàn phải của anh bị viêm teo, tinh hoàn trái bình thường thì tắc ở đoạn nối ống dẫn tinh mào tinh, dẫn đến xuất tinh không có tinh trùng.

BS Việt và ekip của mình đã có cuộc hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tốt nhất, ít tốn kém nhất cho bệnh nhân trước khi phải can thiệp Hỗ trợ sinh sản.

“Sau khi được tư vấn và với quyết tâm của hai vợ chồng, chúng tôi đã thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối ống dẫn tinh cho bệnh nhân. Trong ca mổ vi phẫu kéo dài hơn 3 giờ, bác sĩ tiến hành bắt chéo ống dẫn tinh phải với mào tinh trái để nối vi phẫu. Đây là một kĩ thuật khó được áp dụng cho những trường hợp đặc biệt, hiếm gặp trong nam khoa – vô sinh hiếm muộn”, BS Việt nhớ lại ca phẫu thuật.

Kết quả sau phẫu thuật tương đối khả quan. 3 tháng sau, bệnh nhân báo tin vợ đã có thai tự nhiên. Nhưng niềm vui đến với gia đình anh Minh chẳng bao lâu thì thai bị lưu ở tuần thứ 9. Không bỏ cuộc, ở lần mang thai tự nhiên tiếp theo, may mắn đã mỉm cười với gia đình, bé trai 3.8kg ra đời trong niềm vui vỡ òa không chỉ của gia đình mà còn của riêng BS Việt.

“Từ khi bắt đầu thăm khám cho đến nay, tôi và bệnh nhân vẫn giữ liên lạc thường xuyên, khi thì là vài câu hỏi thăm tình hình, sức khỏe; khi thì tâm sự, chia sẻ, động viên như người thân trong gia đình. Những tình cảm đó thực sự đáng quý và là nguồn động viên lớn lao cho những bác sĩ Nam khoa như chúng tôi”, BS Việt chia sẻ.

Đang tâm sự chuyện nghề, bỗng chuông điện thoại reo, BS Việt xin phép dừng lại bởi anh còn phải tham gia ca mổ cấp cứu do bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn – một trường hợp điển hình trong cấp cứu nam khoa mà nếu không được xử lý kịp thời thì rất có thể dẫn đến hoại tử, tước đi quyền làm cha của cánh mày râu.

Dù làm việc với cường độ cao và liên tục như vậy nhưng BS Việt luôn lấy công việc làm niềm đam mê khi được cống hiến và giúp đỡ bệnh nhân bởi mỗi nụ cười hạnh phúc, mỗi đứa trẻ được sinh ra chính là tài sản vô giá của những “người ươm mầm” như anh và các đồng nghiệp tại bệnh viện có được trong suốt sự nghiệp của mình.

Dù làm việc với cường độ cao và liên tục như vậy nhưng BS Việt luôn lấy công việc

làm niềm đam mê khi được cống hiến và giúp đỡ bệnh nhân.

Thỉnh thoảng, BS Việt lại nhận được những tin nhắn, những cuộc gọi lúc nửa đêm, có khi là 1 – 2 giờ sáng, bệnh nhân thông báo đã có tin vui hay đã sinh bé thành công, rồi những đoạn video quay các con vui chơi… Tất cả đã đem đến cho anh những nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục hành trình “kết nối yêu thương, ươm mầm hạnh phúc” cho các gia đình hiếm muộn khác.

Ngoài công tác chuyên môn, BS Việt còn là gương mặt thân quen trong nhiều chương trình hỗ trợ bệnh nhân trực tuyến của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hay các chương trình của VOV, VTV… Đồng thời, bác sĩ cũng là tác giả của nhiều bài báo, tư vấn chăm sóc sức khỏe nam giới, vô sinh – hiếm muộn trên các báo, tạp chí uy tín.

Tâm sự ngoài lề, anh kể, mình luôn dành thời gian để nghiên cứu tài liệu, tham gia một số công trình nghiên cứu về Nam khoa, vô sinh nam… để tích lũy kiến thức, nâng cao tay nghề mỗi ngày với mong muốn có thể hỗ trợ được nhiều bệnh nhân hơn nữa.

Kết quả là năm 2019, báo cáo nghiên cứu “Kết quả vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn ở bệnh nhân vô tinh (không có tinh trùng trong tinh dịch) do mắc hội chứng Klinefelter” của BS Việt đã mở ra nhiều cơ hội có con cho nam giới vô tinh do bất thường nhiễm sắc thể – Hội chứng Klinefelter hay còn gọi là 47 XXY (tỷ lệ này chiếm khoảng 3% các nguyên nhân vô sinh nam). Hiện nay, tại bệnh viện, tỷ lệ tìm thấy tinh trùng ở bệnh nhân Klinefelter bằng phẫu thuật Micro TESE là khoảng 45-50%.

BS Việt xuất hiện trong một chương trình talk show.

Bận rộn là thế nhưng anh cũng không quên dành cho bản thân những khoảng thời gian của riêng mình, đó là thời gian cho các hoạt động thể thao yêu thích như cầu lông, bóng bàn, bóng đá để rèn luyện thể lực, giải tỏa những căng thẳng sau một ngày làm việc. Vào ngày không có lịch trực, BS Việt thường có những buổi gặp gỡ bạn bè là các đồng nghiệp tại nhiều bệnh viện để chia sẻ những câu chuyện về nghề y, về cuộc sống rất đỗi đời thường của các bác sĩ sau chiếc áo blouse trắng.

Khi được hỏi trong tương lai bác sĩ có dự định gì đặc biệt không, BS Việt cười hiền: “Tôi luôn tâm niệm bản thân phải cố gắng học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn, tay nghề nhiều hơn nữa bởi sứ mệnh của người làm nghề y, đặc biệt là những bác sĩ Nam khoa, điều trị vô sinh ở nam giới là “giữ lửa và vun đắp hạnh phúc” cho các gia đình”.

Trong tương lai, bên cạnh nghiên cứu, rèn luyện chuyên sâu về các phẫu thuật hệ sinh sản đòi hỏi kĩ thuật cao, phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục, BS Việt cũng hy vọng sẽ thực hiện được nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về nam khoa, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, vô sinh hiếm muộn. Chúng ta cùng chờ đón những điều tuyệt vời mà vị bác sĩ này sẽ làm trong tương lai nhé!

Theo: Afamily


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN