27/12/2022
Nếu như với ai đó giấc mơ chỉ là một khoảnh khắc thì với gia đình chị Hà Thị Mận (1984), anh Phạm Văn Cường (1983) quê Thái Bình, giấc mơ được bồng bế con lại là sự chờ đợi mỏi mòn suốt 16 năm dài. 6 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), 11 lần thụ tinh nhân tạo (IUI) và hàng trăm lần ngược xuôi vào Nam ra Bắc gõ cửa khắp các bệnh viện, chưa khi nào vợ chồng anh Cường chị Mận có ý định từ bỏ và thôi khát khao một mái ấm trọn vẹn. Sau bao kiên trì nỗ lực, duyên lành dẫn lối, cuối cùng anh Cường chị Mận đã đón nhận “điều ngọt ngào” tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sau khoảng thời gian dài kiên trì, không bỏ cuộc.
16 năm khao khát hát lời “ầu ơ”
Anh Phạm Văn Cường và chị Hà Thị Mận cưới nhau từ năm 2005. Một năm sau đó, anh chị khăn gói ra Hà Nội bắt đầu hành trình tìm con. Dừng chân tại bệnh viện phụ sản lớn tại Hà Nội, hai vợ chồng thực hiện đầy đủ các chỉ định khám hiếm muộn với mong muốn biết rõ nguyên nhân “chậm con” để tìm hướng chạy chữa, nhưng sau thăm khám mọi kết quả xét nghiệm, chụp chiếu đều hoàn toàn bình thường, anh chị nằm trong số ít các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không rõ nguyên nhân. “Nghe bác sĩ thông báo 2 vợ chồng hoàn toàn bình thường, không mắc bệnh lý gì về sức khỏe sinh sản, hai vợ chồng vừa mừng vừa lo. Mừng là bởi chúng em tiếp tục nuôi hi vọng sẽ có con tự nhiên, lo là bởi không biết phải uống thuốc gì và làm thế nào để có con trong khi gia đình nội ngoại hai bên đang rất mong ngóng cháu”, chị Hà Thị Mận kể lại. “Sốt ruột” mong con, ngay năm đó vợ chồng anh chị thực hiện thụ tinh nhân tạo, bơm tinh trùng vào buồn tử cung (IUI) nhưng niềm vui vẫn “chối từ” anh chị.
Vợ chồng chị Hà Thị Mận nên duyên vợ chồng năm 2005
Thời gian cứ thế trôi qua, một năm, hai năm rồi 5 năm lần lượt qua nhanh mà “tin vui” vẫn chưa thấy. 5 năm chạy chữa và thực hiện 3 lần thụ tinh nhân tạo nhưng vẫn không thành công. Suốt quãng thời gian đấy, hễ kiếm được đồng nào, hai vợ chồng đổ hết vào điều trị. Chị đi lễ cầu con, anh mải miết tìm thầy giỏi thuốc tốt về uống nhưng con yêu vẫn chưa về.
Năm 2011, sau nhiều lần thực hiện IUI không thành công, chị Mận quyết tâm đi tìm nguyên nhân bằng cách thực hiện phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung lần một tại Đại học Y Dược Thái Bình. Kết quả tử cung hoàn toàn bình thường, niêm mạc tử cung đẹp, dự trữ buồng trứng tốt. Quyết tâm “tìm” con, anh Cường chị Mận lại bắt đầu hành trình mới đi khắp các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về hỗ trợ sinh sản để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nuôi hi vọng con yêu sẽ về. “Từ năm 2011 đến 2018, vợ chồng em đến gõ cửa tất cả các bệnh viện lớn về sản khoa để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. 2 lần làm IVF ở miền Nam, 4 lần làm IVF ngoài miền Bắc. Nhưng tất cả những lần đó, khi thực hiện xét nghiệm beta bác sĩ đều lắc đầu thông báo không thành công. Khoảng thời gian đó đúng là vô cùng đen tối đối với gia đình em, mọi hi vọng dường như vụt tắt”, chị Mận kể lại với ánh mắt rưng rưng khi nghĩ lại hành trình nhọc nhằn của mình. Nỗi thất vọng và buồn bã vùi lấp mọi cố gắng, hai vợ chồng chỉ biết động viên cùng nhau cố gắng vượt qua, tìm mọi cách để được bế trên tay “cốt nhục” của mình.
Khao khát con yêu một lần nữa thôi thúc vợ chồng chị Mận tìm hiểu về phương pháp mang thai hộ, năm 2019 chị Mận quay lại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và nhờ người em dâu mang thai hộ. Tuy nhiên, kết quả anh chị nhận lại vẫn là con số không cùng nỗi tuyệt vọng của cả gia đình. Thất bại 6 lần làm IVF, 11 lần làm IUI và 1 lần mang thai hộ, “đứa con trong mơ” lấy đi cả gia tài và sức khỏe của hai vợ chồng.
“Mối duyên lành” trên hành trình “tìm” con
Hơn 1 thập kỷ mải miết “tìm” con với bao mệt mỏi nhọc nhằn nhưng chị Mận luôn có niềm an ủi là sự động viên từ người chồng. Chị Mận chia sẻ: “Quá nhiều lần thất bại nhưng vợ chồng em chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn lời qua tiếng lại. Cũng có nhiều lời ong tiếng ve, dị nghị từ thiên hạ nhưng chồng em luôn động viên an ủi vợ vượt qua được áp lực đó”. Cứ như vậy, chưa bao giờ vợ chồng anh chị nghĩ đến việc “buông tay nhau” trong cuộc hôn nhân này, bỏ qua tất cả anh chị lao vào công việc để kiếm tiền chuẩn bị cho những hành trình tìm con tiếp theo.
Như một cơ duyên ông trời sắp đặt, vào năm 2020 trong một lần lên thành phố Thái Bình thăm khám tại Phòng khám Sản phụ khoa và Hỗ trợ sinh sản bác sĩ Tuyết, chị Mận được bác sĩ Tuyết giới thiệu lên Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với niềm mong mỏi sớm “tìm” được con. Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: “Là người đồng hành cùng vợ chồng Cường – Mận từ những ngày đầu tiên trong suốt 16 năm mong con. Tôi hiểu hơn ai hết những khó khăn vất vả, những khát khao mong con của hai bạn. May mắn thay trong một lần bạn Mận đến khám, tôi chợt nhớ ra bác sĩ Hiền ở Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nổi tiếng “mát tay” hỗ trợ hàng ngàn ca vô sinh hiếm muộn thành công. Ngay lúc đó tôi khuyên hai vợ chồng lên viện để được bác sĩ Hiền khám và tư vấn. Và rồi chính quyết định lên viện lần đó đã mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho hai bạn ngày hôm nay. Tôi nhớ như in ngày Mận thông báo có thai thành công, tôi đã bật khóc hạnh phúc như chính mình có con vậy”. Bác sĩ Tuyết cũng cho biết, từ đó đến nay Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội luôn là địa chỉ tin cậy để bác sĩ tư vấn và giới thiệu cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.
“Phép màu” xuất hiện mang con yêu về
Theo lời giới thiệu của bác sĩ Tuyết, vợ chồng chị Mận khăn gói lên Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám với hi vọng đón được con yêu. Hai vợ chồng kể lại cho bác sĩ Hiền toàn bộ hành trình dài mong con, những lần thất bại, những phương pháp hỗ trợ sinh sản đã thực hiện nhưng không thành công. ThS.BS Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh Viện Nam học và Hiếm muộn Hà nội đã trực tiếp thăm khám và thực hiện hỗ trợ sinh sản cho chị Mận khi đó. Tháng 9/2020 chị Mận thực hiện chọc trứng và sau đó tạo được 14 phôi. Căn cứ vào tiền sử những lần làm IVF thất bại những lần trước đều do chuyển phôi ngày 3, ThS.BS Lê Thị Thu Hiền tư vấn vợ chồng anh Cường chị Mận nuôi phôi lên ngày 5 để thu nhận các phôi có sức sống tốt nhất, tăng tỷ lệ có thai thành công sau chuyển phôi.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khám và tư vấn cho Bệnh nhân
Sau khi nuôi phôi lên ngày 5 nhận được kết quả chất lượng phôi tốt, bác sĩ Hiền tiến hành chuyển 2 phôi và trữ đông 12 phôi còn lại. Kể từ đó “phép màu” bắt đầu xuất hiện, sau 14 ngày chuyển phôi vợ chồng anh chị nhận được kết quả xét nghiệm Beta HCG thông báo có thai. “Hạnh phúc và biết ơn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, biết ơn bác sĩ Tuyết, bác sĩ Hiền nhiều lắm. Chính sự quan tâm, động viên và theo dõi sát sao diễn biến từng giai đoạn thai kỳ khiến gia đình em vô cùng cảm kích trước tình cảm của các bác. Đến lúc này, em thấy thật may mắn trước quyết định nuôi phôi lên ngày 5 của của Bác sĩ Hiền. Vợ chồng em như vỡ oà cảm xúc khi nghe tiếng con khóc chào đời và được ôm con trong vòng tay sau gần 20 năm chờ đợi” – Đó là những lời tâm sự đầy xúc động của chị Hà Thị Mận chia sẻ.
Bé Phạm Bích Ngân – “Trái ngọt” đầu tiên sau 16 năm hiếm muộn
16 năm hành trình tìm con của anh Cường chị Mận là khoảng thời gian khó khăn nhất đã trôi qua, sau đó suốt 9 tháng thai kỳ sức khỏe 2 mẹ con chị đều diễn biến tốt dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ Tuyết và các y bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ngày 15/06/2021 tiếng khóc chào đời của bé Phạm Bích Ngân đã chính thức mang đến một cuộc sống mới đến anh chị.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết và Gia đình chị Hà Thị Mận
Ngày 09/12/2022 vừa qua, chị Hà Thị Mận đã hạ sinh bé trai Phạm Minh Khánh trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình nhỏ và những người xung quanh. “Thực sự là một kỳ tích, em vô cùng hạnh phúc và bất ngờ. Có lẽ nhờ mối duyên lành với bác sĩ Hiền, bác sĩ Tuyết mà cuộc sống của vợ chồng em lại may mắn đến thế. Qua đây em cũng muốn lan tỏa niềm hạnh phúc và sự may mắn này đến các gia đình muộn con ngoài kia, các anh chị hãy kiên trì và cố gắng vượt qua khó khăn, nhất định con yêu sẽ về”, chị Hà Thị Mận nhắn gửi lời yêu thương đầy cảm xúc đến các cặp vợ chồng có chung hoàn cảnh.
Hành trình “tìm” con của vợ chồng anh Phạm Văn Cường và Hà Thị Mận là một trong rất nhiều ca hiếm muộn lâu năm đã điều trị thành công tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Với đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu, chuyên viên phôi học giàu kinh nghiệm cùng hệ thống cơ sở vật chất phòng nuôi cấy phôi hiện đại, vô trùng đạt tiêu chuẩn ISO 6.0…Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã mang đến hàng chục ngàn tiếng cười trẻ thơ cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn trong suốt 13 năm hành trình phát triển.
Chứng nhận RTAC – Chứng nhận quốc tế uy tín nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương về Kỹ thuật Hỗ trợ sinh sản
Đầu tháng 12/2022, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chính thức trở thành một trong những đơn vị đầu tiên ở miền Bắc đạt chứng nhận RTAC. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế uy tín nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương về Kỹ thuật Hỗ trợ sinh sản. Bộ tiêu chuẩn là căn cứ đo lường chất lượng, đánh giá toàn diện hoạt động của đơn vị hỗ trợ sinh sản bao gồm đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất và hạ tầng, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, quản lý nguy cơ nhiễm khuẩn, xử lý sự cố, chính sách quản lý chất lượng…Chứng chỉ RTAC cho thấy sự nỗ lực, không ngừng hoàn thiện để ngày càng nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như chất lượng dịch vụ của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thực hiện tốt sứ mệnh “Kết nối yêu thương, Ươm mầm hạnh phúc” cho các gia đình hiếm muộn đang mong chờ con yêu./.