28/03/2016
10 năm khám và điều trị bệnh nam khoa cho các quý ông, Ths.Bs Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phải “cắt đứt dây thần kinh xấu hổ”.
Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, hoàn thành cao học ở Học viện Quân y, Ths.Bs Hiền đã gắn bó với chuyên ngành nam khoa từ ngày Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội mới chỉ là một phòng khám nhỏ ở đường Hoàng Quốc Việt. Lúc ấy có rất nhiều nữ bác sĩ, y tá cùng vào làm việc cùng nhưng chị là người duy nhất bám trụ đến nay.
“Nhiều nữ y tá trẻ được phân về khoa Nam học cũng có đôi chút ái ngại. Bệnh nhân vốn đã ngại ngùng, nữ y tá trẻ chưa chồng con, khó quen với đặc thù của công việc nên khó khăn trong khám chữa bệnh càng nhân lên gấp bội”, bác sĩ Hiền chia sẻ. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám Nam khoa thấy đông nữ bác sĩ, y tá nên xấu hổ cứ nằng nặc đòi bác sĩ, y tá nam khám.
Đa số bệnh nhân nam đến khám đều “giấu bệnh” khiến cho việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Đàn ông thường rất ngại khi phải trình bày “chuyện ấy” với một người phụ nữ không quen biết dù là bác sĩ. Càng khó khăn hơn khi tìm hiểu cụ thể về tình trạng bệnh lý, bởi khó có người đàn ông nào dám thẳng thắn thừa nhận bệnh, nhất là chuyện thầm kín.
Khi bệnh nhân kiên quyết giấu bệnh thì công tác điều trị của các bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Đôi khi các bác sĩ còn kiêm cả công việc của chuyên gia tâm lý. Không ít ông đi khám nam khoa còn chất chứa nhiều nỗi buồn vì cuộc sống gia đình rạn nứt, vợ chê bai, bản thân họ cảm thấy mình không chứng tỏ được “bản lĩnh đàn ông”. Có trường hợp bệnh nhân nam đi khám vô sinh nhưng luôn “đổ tội” cho vợ.
Anh Tuấn (Hà Nội) là một ví dụ. Anh bị bệnh tiểu không kiểm soát nên đến bệnh viện khám. Bác sĩ yêu cầu phải cởi quần, Tuấn giật bắn người song buộc phải làm theo. Bác sĩ khám hỏi tiền sử bệnh, mặt bệnh nhân đỏ như gấc, chỉ nói lắp bắp được vài câu. Hay ông Hùng ở Hưng Yên, đến bệnh viện khám vẫn nhất quyết khẳng định mình khỏe mạnh, vô sinh là do vợ. Kết quả kiểm tra tinh dịch đồ, ông Hùng không có tinh trùng.
“Ban đầu vào nghề tôi rất ngại ngùng nhưng xác định đó là công việc cả đời nên phải cố gắng và ‘cắt đứt dây thần kinh’ xấu hổ”, bác sĩ Hiền tâm sự. Cũng may khi khám chữa thường có thêm đồng nghiệp khác nên nữ bác sĩ không ngại như chỉ có một bác sĩ đối diện một bệnh nhân.
Bạn bè, người thân thường thắc mắc sao thân gái như chị lại chọn ngành nam khoa, hiếm muộn để trở thành bác sĩ. Câu trả lời của bác sĩ Hiền là yêu nghề. Chị may mắn được chồng hiểu và ủng hộ nên mọi công việc trở nên dễ dàng. Bản thân đã làm vợ, làm mẹ nên chị hiểu được tâm trạng, nỗi lòng của những cặp vợ chồng đến chữa hiếm muộn hay nam khoa. Ánh mắt mong mỏi, giọt nước mắt thất vọng và cả những nụ cười tươi rói của bệnh nhân khiến chị càng yêu cái nghề này hơn.
Chị nhớ như in một đôi vợ chồng ở Nghệ An lấy nhau gần 20 năm vẫn chưa có con. Họ đã đi khám nhiều nơi, uống đủ các loại thuốc. Khám cho cả hai, chị không khỏi ái ngại vì vợ chồng đều đã lớn tuổi. Kết quả kiểm tra cho thấy người chồng không có tinh trùng. Bác sĩ Hiền đã lấy tinh trùng từ mào tinh của người chồng để thụ tinh ống nghiệm. May mắn, người vợ có thai, cả hai vợ chồng khóc trong vui mừng, chị cũng khóc theo vì hạnh phúc thay cho họ.
Thỉnh thoảng bạn bè vẫn trêu chọc về công việc đặc biệt của chị. Mọi khó khăn vất vả đều tan biến hết mỗi khi nữ bác sĩ nhận được điện thoại thông báo “em đã khỏi bệnh”, “vợ em đã có bầu”.
Theo báo mới