Bác sĩ CKI Phạm Văn Hưởng – Người Ươm Những Mầm Xanh Cho Các Gia Đình Hiếm Muộn

28/06/2024

Bs Hưởng Người ươm Mầm Xanh

BS CKI Phạm Văn Hưởng – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cứ mải miết cả ngày với “núi” công việc thăm khám, chữa bệnh, tư vấn điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn thực hiện phẫu thuật, thủ thuật,… và làm công tác quản lý.

Bs Hưởng Người ươm Mầm Xanh 1

Tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa – Đại học Y Hà Nội năm 2010. Sau khi hoàn thành khóa học sĩ quan dự bị trong 4 tháng, bác sĩ Phạm Văn Hưởng được một người bạn cùng khoá rủ về làm ở Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Những năm đầu khi mới thành lập, bệnh viện chưa thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); chỉ thăm khám, tư vấn nam khoa, vô sinh hiếm muộn, Thụ tinh nhân tạo (IUI)… Sau đó bệnh viện có kế hoạch mở rộng lĩnh vực Hỗ trợ sinh sản, cần kiện toàn đội ngũ, nhất là khối chuyên môn, Ban Giám đốc ngày đó cử bác sĩ Hưởng đi học chuyên sâu về Thụ tinh ống nghiệm (IVF).

Bén duyên với nghề từ đó, chính bác sĩ Hưởng cũng không ngờ, sự tình cờ ấy lại đưa anh gắn bó sâu sắc với chuyên ngành hiếm muộn đến thế. “Do hoàn cảnh đưa đẩy như vậy. Cũng là cơ may của mình”- bác sĩ Hưởng mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động.

Công việc hỗ trợ sinh sản đến với anh như một cơ duyên, ngoài ra cũng bởi bác sĩ là người khá hướng nội, khác với nhiều bạn bè thường chọn ngành ngoại khoa, hay đi học nội trú. “Tôi cảm thấy ngành này phù hợp với tính cách của mình, cứ bình lặng, không cấp tập, vội vàng được” – anh nói.

Bs Hưởng Người ươm Mầm Xanh 2

Đối với người làm ngành y, công việc hỗ trợ sinh sản cũng có những niềm vui riêng. Bởi vì đây là ngành “tạo ra con người”. Nghề Y – nghề chữa bệnh cứu người có đặc thù riêng với những niềm vui vô bờ, và bác sĩ hỗ trợ sinh sản góp phần tạo nên một mầm sống mới, một con người mới lại có những niềm hạnh phúc vô cùng đặc biệt khác. Tìm được niềm hạnh phúc khi làm nghề, bác sĩ Hưởng cảm thấy mình muốn gắn bó suốt đời với công việc này.

Bác sĩ Hưởng cho biết, lúc đầu mới học xong, bác sĩ còn kiêm cả thăm khám điều trị nam khoa, khoảng 7 – 8 năm trở lại đây, mới bắt đầu chuyên môn hóa. Các bác sĩ nam khoa được đào tạo và tuyển dụng riêng, còn các bác sĩ chuyên về hiếm muộn thì tập trung thăm khám và điều trị hỗ trợ sinh sản.

Sau thời gian dài được các chuyên gia đầu ngành cầm tay chỉ việc, hoàn thành tốt các ca thực hành lâm sàng, bác sĩ Hưởng trở thành một trong những bác sĩ “cứng cáp” nhất của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, được nhiều bệnh nhân tin tưởng, đi theo điều trị.

Trong suốt hơn chục năm làm nghề, bác sĩ Hưởng đã gặp không ít những gia đình rơi vào tuyệt vọng, gần như không thể có con. Tôi đã được chứng kiến bác sĩ Hưởng thăm khám, tư vấn cho một gia đình hiếm muộn. “Bác sĩ ơi, chắc em chẳng thể nào có con được nữa đâu”- người vợ sau khi xem kết quả chụp chiếu chỉ biết sụt sùi đau khổ, gần như tuyệt vọng, muốn đi về.

“Nếu bản thân chị không cố gắng thì bác sĩ hay người khác không thể nào giúp được chị. Chị phải mạnh mẽ lên thì chúng tôi có thể giúp chị. Kết quả thăm khám của chị cho thấy không phải là không có hy vọng”- bác sĩ Hưởng vừa động viên người vợ, vừa ra hiệu cho người chồng đang ủ rũ buồn bã, tham gia vào cuộc trò chuyện. Câu thành ngữ “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn” lúc này phát huy tác dụng. Có sự động viên của bác sĩ, có được sự đồng hành của người chồng, chị vợ có nghị lực để tiếp tục điều trị.

Ngoài công tác chuyên môn, những lời động viên, an ủi, sẻ chia với người bệnh của bác sĩ Hưởng, dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho họ rất nhiều. Từ những cặp vợ chồng đã quá chán nản, thất vọng và muốn bỏ cuộc, họ có thêm niềm tin, có thêm động lực để bước tiếp trên hành trình tìm kiếm con yêu.

Bs Hưởng Người ươm Mầm Xanh 2

Theo thời gian, bác sĩ Hưởng đã có thể hiểu được tâm lý người bệnh từ đó anh động viên giúp họ ổn định cảm xúc. Tư vấn cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn khá đặc biệt. Không phải ca nào cũng thăm khám tư vấn khoảng 15-20 phút là xong. Có những ca cần đến 1-2 tiếng để ngồi nghe bệnh nhân giãi bày, tâm sự.

Bác sĩ nhớ lại: “Đã có ca mình ngồi khoảng 2 tiếng để nghe bệnh nhân tâm sự. Họ vừa nói vừa khóc. Đó là một ca bệnh nhân là người miền Trung, họ đặt vé bay ra Hà Nội để gặp tôi. Dù đã thử nhiều phương pháp, nhưng chưa nhận được kết quả như ý, chỉ có duy nhất một lần có thai nhưng lại là thai lưu. Tâm trạng của họ dường như là tuyệt vọng vô cùng, họ bay ra đây nhưng họ cũng chưa biết làm thế nào tiếp theo”.

Vừa buồn, vừa thương bệnh nhân, không thể cắt ngang những tâm sự ngổn ngang của họ, vì vậy anh đã ngồi nghe bệnh nhân tâm sự từ 2 giờ đến 4 giờ chiều. Cũng may, hôm đó anh vừa hết ca trực nên các bệnh nhân khác không bị ảnh hưởng.

“Nguyện vọng của họ là vẫn muốn làm IVF. Trong khi theo khuyến cáo, một người phụ nữ không nên kích trứng quá nhiều lần, khoảng 7-8 lần đã là quá nhiều. Chúng tôi đều rất lo ngại bởi vì chỉ sợ bạn ấy chịu thêm một lần thất bại, rồi thêm đau đớn, đã hướng cho bệnh nhân nghĩ đến việc xin con nuôi. Thế nhưng bệnh nhân đó vẫn quyết tâm làm”.

Trước quyết tâm của bệnh nhân, bác sĩ Hưởng đã lên một kế hoạch điều trị chi tiết, tư vấn cho bệnh nhân nuôi phôi bằng hệ thống tự động Timelapse. Đến giai đoạn chọc trứng, bệnh nhân có được khoảng 8-10 trứng, nuôi được 2 phôi, 1 phôi khá và 1 phôi trung bình khá.

Bs Hưởng Người ươm Mầm Xanh 4

Bác sĩ Hưởng tư vấn điều trị cho cặp vợ chồng hiếm muộn

Tiếp đó, bệnh nhân bước vào quá trình mổ nội soi. Tình cờ trong lúc phẫu thuật, bác sĩ Hưởng phát hiện ra một bên vòi trứng của bệnh nhân bị tắc và bị tụ dịch – điều chưa từng được phát hiện khi bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế trước đó. Bệnh nhân được phẫu thuật thành công, chuyển phôi chu kỳ tiếp theo, may mắn bệnh nhân có thai và sinh được một cậu con trai kháu khỉnh.

“Đây là một trường hợp mà tôi nhớ mãi, khâm phục bệnh nhân có thể kiên trì đến như thế, vượt qua nghịch cảnh hết lần này đến lần khác và cần sự đồng hành của bác sĩ để hát được trái ngọt”- bác sĩ Hưởng tâm sự. Đây được đánh giá là một ca khá kì diệu, bên cạnh rất nhiều cặp vợ chồng đã được điều trị vô sinh hiếm muộn thành công.

Ngoài những niềm vui vô bờ, không thể không nhắc tới những nỗi buồn trong nghề bác sĩ hỗ trợ sinh sản. Với những trường hợp khó, đã thực hiện hỗ trợ sinh sản mà vẫn không tìm được con vì nhiều nguyên nhân khác nhau, bác sĩ Hưởng và các cộng sự lại không khỏi trăn trở.

Đó là một cặp vợ chồng trẻ, mỗi lần chuyển phôi đều bị lưu thai. Lần nào cũng có tim thai, nhưng sau 7 – 9 tuần lại lưu. “Khó nhất là mình không kiểm soát được nguyên nhân của vấn đề là gì, lưu sảy thai luôn là một vấn đề khó trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Nếu tìm được nguyên nhân do bố mẹ di truyền hoặc nguyên nhân có thể tìm thấy thì dễ, nhưng có những trường hợp thực sự là rất khó” – anh nói.

Không ít bệnh nhân trẻ tuổi chuyển phôi đến 6-7 lần vẫn không được dù là phôi tốt. “Bởi vì hút thai quá nhiều, niêm mạc bị tổn thương, mỏng dẫn đến hỏng thai do không thể giữ được. Đây là những trường hợp có mức độ khó “ghê gớm”. Mặc dù hiện nay khoa học phát triển, hiện đại hơn, nhưng không phải lúc nào cũng giải quyết được ngay. Một trong những điểm khó khăn nhất của lĩnh vực này là không kiểm soát được cơ chế phôi làm tổ”- bác sĩ Hưởng phân tích.

Vừa kể chuyện chuyên môn, anh không quên mở cho chúng tôi xem những hình ảnh buồng trứng, tử cung, chia sẻ hình ảnh những ca khó rồi giảng giải say mê như đang ngồi tư vấn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Để có thể khắc phục được nhiều nhất những ca bệnh “gây ám ảnh” hay khó đến mức ghê gớm như vậy, bác sĩ Hưởng dành không ít thời gian tham khảo sách vở, học ở nhiều nơi, qua nhiều kênh khác nhau.

Bs Hưởng Người ươm Mầm Xanh 5

Đối với ngành hỗ trợ sinh sản, thì quản lý chất lượng trong phòng labo rất quan trọng. Vì cần phải sử dụng rất nhiều công nghệ và phần mềm. Quản lý chất lượng là đảm bảo chất lượng tốt và hiệu quả. Hiện nay, có nhiều cách vừa đảm bảo được chất lượng vừa đảm bảo được nhận diện bệnh nhân.

Bs Hưởng Người ươm Mầm Xanh 3

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Hưởng nhận thấy rõ sự thay đổi nhận thức về sức khỏe sinh sản của người Việt. Hiện nay, người dân đã biết quan tâm hơn đến sức khỏe sinh sản, chủ động thăm khám và điều trị sớm.

Với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản, trên thế giới có kỹ thuật mới nào thì Việt Nam cũng nhanh chóng cập nhật và ứng dụng. Tuy nhiên việc áp dụng kỹ thuật mới sẽ phải được tìm hiểu và xem xét rất kỹ tính hiệu quả.

Mỗi cặp vợ chồng đến thăm khám, tùy vào tình trạng sức khỏe sinh sản khác nhau bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị và phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp. Một là, tìm ra những rối loạn từ khi khám tiền hôn nhân để họ có những thông tin về sức khỏe của bản thân và được bác sĩ ra chỉ định điều trị.

Bs Hưởng Người ươm Mầm Xanh 7

Đơn cử là có những trường hợp chỉ cần khắc phục “một chút” để có thể tăng thêm cơ hội sinh con như chỉ cần kích thích buồng trứng nhẹ, theo dõi sự phát triển của nang trứng sau đó canh thời điểm sinh hoạt vợ chồng và có thai tự nhiên.

Những trường hợp khó hơn là cần can thiệp phương pháp Thụ tinh nhân tạo (IUI) – Bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Kỹ thuật viên phòng lab sẽ lọc rửa tinh trùng loại bỏ những tinh trùng yếu, chọn ra tinh trùng có chất lượng tốt, đủ điều kiện để bơm tinh trùng vào tử cung.

Phương pháp thứ 3 mới là Thụ tinh ống nghiệm (IVF), bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp ở ngoài cơ thể. Phôi thai được tạo thành sau khi trứng và tinh trùng kết hợp thành công sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung của người phụ nữ. Phôi sau đó làm tổ, phát triển thành thai nhi như trong các trường hợp thụ thai tự nhiên.

Bs Hưởng Người ươm Mầm Xanh 8

Đây là 3 phương pháp tiếp cận cơ bản để có thể tìm con. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hưởng, không có bệnh nhân nào là giống nhau, trên nguyên tắc bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân có thai một cách đơn giản và phù hợp trước khi chỉ định những phương pháp hỗ trợ sinh sản khó hơn.

Xu hướng hiện nay, là các cặp vợ chồng thường khám tiền hôn nhân, hoặc đi khám hiếm muộn từ sớm, để phát hiện vấn đề sớm, từ đó hiệu quả điều trị cũng được nâng cao.

Trong suốt 12 năm làm bác sĩ hỗ trợ sinh sản, niềm vui thì quá nhiều, nhưng điều trăn trở nhất trong lòng bác sĩ Hưởng là không hẳn đã giúp được tất cả mọi người. Cũng có những trường hợp khiến anh cảm giác bế tắc, chưa tìm ra cách giải quyết để đi tới thành công.


Chia sẻ: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN